Các chiến sĩ luyện tập bài vượt rào.

Năm 1967, giữa lúc đất nước ta đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 19/3/1967, Binh chủng Đặc công Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập, đánh một mốc son lịch sử chói lọi về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Vinh dự đặc biệt cho bộ đội đặc công được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội sau khi thăm Bộ đội Đặc công trình diễn kỹ, chiến thuật chiến đấu đã công bố chính thức Đặc công là một Binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại buổi lễ thành lập, Bác đã huấn thị “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng cần phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…”

Sau hơn một năm Binh chủng Đặc công được thành lập, trước yêu cầu đòi hỏi của chiến trường và sự phát triển lớn mạnh của lực lượng đặc công, ngày 15/4/1968, Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1 – tiền thân của Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 ngày nay được thành lập và trở thành một trong ba lực lượng của Binh chủng Đặc công, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng và nghệ thuật tác chiến của lực lượng đặc công giai đoạn mới, đòi hỏi bức thiết của nhiệm vụ tác chiến với cách đánh “xuất quỷ, nhập thần” của lực lượng đặc công biệt động. Lúc này, lực lượng này được giao nhiệm vụ đặc biệt ở mặt trận phía Tây của Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng “Đặc công phải tiến sâu vào lòng địch, đánh phá các căn cứ, các cơ quan đầu não và phương tiện chiến tranh” của địch. Với phương châm tác chiến “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”, các mũi chiến đấu của Lữ đoàn đã thực hiện luồn sâu vào hậu phương chiến lược của địch, đánh nhiều trận, phá huỷ nhiều máy bay các loại và phương tiện chiến tranh khác tại các căn cứ xuất phát hành quân của lực lượng không quân Mỹ như T90, T99…

Trong nhiều trận đánh với hiệu suất chiến đấu cao, tiêu biểu phải kể đến là trận đánh T90 (sân bay U.) ngày 9/1/1972 đạt hiệu suất chiến đấu đặc biệt cao. Lực lượng Đặc công biệt động 1 đã đánh và phá huỷ 8 máy bay B52 của địch. Trận đánh đã khẳng định khả năng tác chiến của bộ đội đặc công “lấy ít đánh nhiều”, ý chí và quyết tâm chiến đấu đặc biệt cao, tinh thần khắc phục khó khăn với cách đánh độc đáo, táo bạo của bộ đội đặc công biệt động. Trận đánh T90 là đòn trừng trị đích đáng vào tận sào huyệt của quân xâm lược, ngăn chặn được ý đồ đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không lực B52 của địch, phối hợp kịp thời cùng với quân và dân cả nước trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 nên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Cả ba đồng chí trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Tiểu đoàn 1A và 3 đồng chí (Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài) được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch nước trong bản tuyên dương công trạng Tiểu đoàn 1A (nay là Lữ đoàn đặc công biệt động 1) ngày 23/9/1973: “Là đơn vị chiến đấu trên chiến trường nước bạn đã nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản chân chính, dũng cảm, mưu trí, táo bạo, vượt qua các tuyến phòng thủ của địch, thọc sâu đánh mạnh vào sào huyệt của địch, có trận chỉ 2 đồng chí đã phá hủy 8 máy bay chiến lược B52, diệt 40 tên địch.”

 

Các nữ chiến sĩ đặc công.

Nhằm phát triển lực lượng và nghệ thuật tác chiến đặc công đáp ứng cho yêu cầu chiến đấu trong giai đoạn mới của cách mạng, ngày 5/6/1974, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định chuyển Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1 thành Đoàn Đặc công biệt động 1 (tương đương cấp Trung đoàn). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức xây dựng lực lượng, vị trí, năng lực tác chiến của Binh chủng Đặc công, cũng như phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công biệt động trong tình hình mới.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện chỉ thị của Bộ chỉ huy chiến dịch, trong suốt quá trình diễn biến của chiến dịch, các đơn vị của Lữ đoàn bám chắc mục tiêu suốt ngày đêm, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng đánh đánh thẳng vào những mục tiêu chiến lược địch từ hậu phương của chúng, tạo điều kiện cho đại quân tiến thẳng vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất nhưng hòa bình chưa được bao lâu thì chiến trạnh biên giới lại xảy ra. Với truyền thống của Binh chủng Đặc công anh hùng, Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong giai đoạn này, Lữ đoàn vừa độc lập tác chiến vừa phối hợp với đơn vị bạn tham gia hầu hết các chiến dịch, các đợt hoạt động của các quân khu, mặt trận trên các hướng, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, lập được nhiều chiến công vang dội ở các mặt trận 579, 479, 779… Tiêu biểu là những trận đánh vào Căn cứ Tổng kho hậu cần của BTTM tàn quân Pôn Pốt (T1), Sở chỉ huy tiền phương BTTM quân Pôn Pốt (T2), Sở chỉ huy Sư đoàn 801 quân Pôn Pốt (T3)… góp phần cùng quân, dân cả nước bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, được bạn bè quốc tế khâm phục.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, 1 tập thể và 1 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đoàn được thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 3 Huân chương Quân công hạng Ba và 5 huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì và được nhận nhiều cờ thưởng, bằng khen của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Đặc công, địa phương và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương chiến công.

 

Các chiến sĩ luyện tập vượt tường lửa.

Thời kỳ đổi mới của đất nước, trước yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới, Đoàn đã được tổ chức với quy mô lớn hơn, tinh nhuệ hơn nhưng nhiệm vụ của Lữ đoàn ngày càng nặng nề, phức tạp hơn, vì đối tượng tác chiến có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn nên nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), phòng chống "diễn biến hòa bình", chống khủng bố… càng phải tinh nhuệ, thiện chiến, đặc biệt là phương án chiến đấu A2. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, vinh dự lớn đối với Đoàn là được Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức quy mô thành cấp Lữ đoàn.

Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 đã hoàn thành tốt nhiện vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu được giao trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và Quân đội, tiêu biểu là bảo vệ an toàn cho Đại hội thể thao SEAGAME 23; các Hội nghị: ASEM 5, APEC 14, APEC 25; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; Bầu cử Quốc hội khóa XII, XIII, XIV; Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012… Vì thành tích và những chiến công mới trên, Đoàn Đặc công biệt động 1 được Nhà nước trao tặng 3 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 4 cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 3 Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc được tặng thưởng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khác.

Trải qua 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 đã đánh nhiều trận với hiệu quả chiến đấu cao, lập nên những chiến công vang dội nhưng thầm lặng, nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc được Đảng nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng 4 tập thể và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Nhân dịp 50 năm ngày truyền thống, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Đến nay, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 đã trưởng thành về mọi mặt, từng bước tiến lên chính quy, tinh nhuệ và thiện chiến, tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS. Nguyễn Đức Vân