Để thu hút sự quan tâm của xã hội, các phần tử phản động trong nước và nước ngoài cùng những người cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất đã và đang triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội đăng tải những thông tin sai trái, bịa đặt. Họ lập ra các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản facebook để thu thập, nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật-giả, cắt ghép hình ảnh, tán phát, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người đọc, nhất là thanh, thiếu niên. Chủ ý của họ nhằm bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ thanh danh của Đảng, Nhà nước; đặc biệt nhằm vào các đồng chí lãnh đạo cấp cao có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng; chọn thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước và LLVT để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ; đồng thời tổ chức lực lượng chia sẻ bình luận với mục đích hạ uy tín, làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của Đảng, Nhà nước ta và các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị.

Ảnh minh họa. 

Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các phần tử thâm thù với cách mạng liên tục tung tin trên nhiều mạng xã hội cho rằng, trong Đảng và Nhà nước có sự “đấu đá nội bộ”, “mất đoàn kết nghiêm trọng”… Điển hình vừa qua, cơ quan chức năng Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành bắt quả tang Nguyễn Danh Dũng, sinh năm 1987, đã lập và quản trị các tài khoản YouTube "ThienAn TV", facebook “ThienAn”, “quachthienan”, blog tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com, đăng tải các video clip có nội dung phản động. Thủ đoạn của Dũng là biên tập các video clip với lời bình luận lấy từ bài viết thu thập ở các trang mạng phản động; hoặc sử dụng các video clip thu thập trên các trang mạng xã hội; sau đó biên tập lại nội dung bằng cách chèn logo "ThienAn TV", thêm hình ảnh đại diện, điều chỉnh lại giọng điệu, đặt tiêu đề xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, hòng gây sự chú ý, thu hút được nhiều người xem. 

Gần đây, các phần tử phản động, cơ hội tiếp tục tán phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình sức khỏe một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Không dừng ở đó, những kẻ “ném đá giấu tay” còn tán phát những phân tích, bình luận suy diễn hết sức phản động, đánh vào sự hiếu kỳ của người đọc ở những thời điểm có chủ đích. Hành động nghênh ngang, lộng hành trên mạng xã hội của họ vi phạm Điều 258, Bộ luật Hình sự về “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Hành động đó trắng trợn chà đạp cả đạo lý và pháp lý, khiến dư luận bức xúc, bất bình, lên án và phải bị pháp luật nghiêm trị. 

Qua những vụ việc tán phát thông tin có nội dung sai trái, bịa đặt của các thế lực thâm thù với cách mạng và những kẻ cơ hội, biến chất “theo đóm ăn tàn”, thấy rằng, chúng thường nhằm vào dịp nhân dân ta tổ chức kỷ niệm các sự kiện chính trị trọng đại, hoặc vào các dịp đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp… Những thông tin sai trái, bịa đặt như luồng gió độc là tác nhân gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta. Nếu không nhận rõ sẽ gây nên sự hoài nghi trong dư luận xã hội, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tổn hại đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng internet và mạng xã hội để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta của các thế lực thù địch.

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và nghiêm trị những kẻ tung tin sai trái, bịa đặt trên internet và mạng xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đang có tốc độ phát triển internet mạnh mẽ. Không khí dân chủ, cởi mở để mọi đối tượng tiếp cận với mạng xã hội ở nước ta được dư luận quốc tế đánh giá cao. Song, tự do ngôn luận, tự do internet không có nghĩa là tự do đăng tải những loại thông tin trái với thuần phong mỹ tục, trái với pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Việc sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin đều phải tuân thủ Hiến pháp và luật pháp, vì lợi ích quốc gia, tôn trọng quyền riêng tư của con người, thể hiện có văn hóa và lòng tự tôn dân tộc. Cho nên, những kẻ lợi dụng internet và mạng xã hội để xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm cá nhân, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng, Nhà nước và LLVT là hành vi trái với đạo lý và pháp lý, phải kiên quyết nghiêm trị. Điều đó cho thấy tính cấp bách cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để đấu tranh hiệu quả với mọi thủ đoạn kẻ xấu tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên internet và mạng xã hội.

Nhà nước ta hiện nay đã có hệ thống pháp lý và hành lang kỹ thuật tương đối đồng bộ và đủ mạnh để đấu tranh, xử lý các đối tượng xấu tung tin sai trái, bịa đặt. Về mặt pháp luật, có Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, xử phạt hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Trong Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…

Vấn đề đặt ra hiện nay là việc xử lý theo pháp luật không chỉ dừng ở điều tra, làm rõ và xử phạt kẻ tạo ra thông tin xấu độc, mà phải xử lý cả những người tiếp tay cho thông tin lan truyền với động cơ xấu. Nếu như việc chỉ đạo xử lý ấy được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, công khai và nghiêm minh, sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền để từng người nhận rõ bộ mặt nham hiểm của những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất; chắc chắn những âm mưu độc địa của những kẻ tung tin sai trái, bịa đặt sẽ không có đất lộng hành.

Bên cạnh đó, cần chủ động thông tin chính thống để định hướng dư luận, nâng cao nhận thức và biết sàng lọc thông tin cho mọi người dân, trước hết là cán bộ, đảng viên. Các thế lực thù địch hết sức lợi dụng phương tiện truyền thông để truyền bá thông tin sai trái, phản động, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải chủ động cập nhật những thông tin chính thống để định hướng dư luận. Niềm tin vào sự thật, tin vào sự lãnh đạo, vai trò của Đảng, Nhà nước sẽ đẩy lùi mọi thông tin sai trái, bịa đặt, góp phần tạo sự “miễn dịch” trong mỗi người dân.

Để định hướng kịp thời dư luận xã hội bằng những thông tin chính thống, từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải luôn chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt trong công tác quản lý con người; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác, bản lĩnh chính trị, để mỗi cá nhân biết cách lựa chọn và tiếp nhận thông tin phù hợp, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. 

Các cơ quan báo chí chính thống (cả báo in và báo mạng) phát huy vai trò là công cụ sắc bén, là lực lượng đi đầu trong nhiệm vụ đấu tranh đập tan những hành vi bôi nhọ, xuyên tạc của một số phần tử xấu trên internet và mạng xã hội. Đồng thời, phải giành thế chủ động với việc tăng cường lượng bài viết để cung cấp đến bạn đọc những thông tin chính xác, kịp thời định hướng dư luận, không để gây sự hiểu lầm trong một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Phải khắc phục tình trạng có báo chí đăng tải quá nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, tạo kẽ hở để báo chí nước ngoài, các thế lực thù địch lợi dụng “xào xáo thông tin”, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ chống phá cách mạng.

Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phục vụ đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi thông tin sai trái, bịa đặt trên internet và mạng xã hội. Trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, thông tin được khai thác trên internet và mạng xã hội có nội dung rất phong phú, đa chiều. Các phương tiện tiếp nhận thông tin ngày càng hiện đại, tinh vi, nên khó có thể cấm đoán mọi người khai thác thông tin. Đối với nguồn tin do các thế lực phản động, phần tử cơ hội, biến chất tự khai thác, đăng tải trên internet và các trang báo mạng quốc tế đặt máy chủ ở nước ngoài, chúng ta khó có thể tác động trực tiếp bằng luật pháp hay các công cụ quản lý.

Để khắc phục những hạn chế về mặt kỹ thuật, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý các cấp đối với hệ thống thông tin nói chung, internet và mạng xã hội nói riêng. Kinh nghiệm trong các đơn vị quân đội hiện nay, việc sử dụng hệ thống mạng LAN có độ mật cao là một giải pháp hữu hiệu cần nghiên cứu, vận dụng rộng rãi. Các cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành quy định cụ thể về việc cán bộ, đảng viên, công chức khai thác, sử dụng thông tin trên internet, nhất là sử dụng facebook, zalo, blog… Đồng thời, tổ chức khảo sát, tổng hợp liệt kê và thông báo rộng rãi để mọi người biết những trang mạng đen, địa chỉ website, blog cá nhân không nên truy cập, tiếp cận; hoặc có những điểm lưu ý khi truy cập, khai thác thông tin. Cần đầu tư kinh phí cho những dự án nghiên cứu, sản xuất các phần mềm, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn các website, báo điện tử, blog, thư điện tử có nội dung xấu độc trên internet và trên mạng xã hội. Đổi mới nhanh chóng trang thiết bị kỹ thuật thông tin để có thể hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin tiên tiến thế giới, nhằm phát huy được hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó độc giả trong và ngoài nước tiếp cận thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ. Trên cơ sở đó làm thất bại mọi mưu đồ xấu xa của những kẻ tung thông tin sai trái, bịa đặt để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta.

Thạc sĩ  NGUYỄN ĐỨC THẮNG (Báo QĐND)