Tôi vốn xuất thân là một quân nhân có thời gian dài làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Kampuchia, khi trở về với đời thường, mỗi khi nhớ lại những năm tháng đó tôi cứ ngỡ mình đã từng trải qua khó khăn lớn nhất trong cuộc sống.
Nhưng sau chuyến đi cùng Đoàn công tác số 7 từ ngày 14 đến 24/4/2018 vừa qua đến thăm chiến sĩ và người dân ở 11 điểm đảo và nhà giàn KD1/8 thuộc quần đảo Trường Sa thì suy nghĩ ấy không còn nữa.
Biển cả mênh mông, xa và rất xa với đất liền, để tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thì người lính trên các đảo không chỉ chấp nhận hy sinh tình cảm riêng tư của mình đối với người thân và gia đình mà còn phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, nắng gay gắt và mưa dầm của Trường Sa; mặt khác, việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt từ trong đất liền ra cho người lính ở các đảo và nhà giàn cũng gặp rất nhiều khó khăn, cho nên họ phải dựa vào sức mình là chính.
Gian khổ như thế nhưng tất cả họ vẫn lạc quan, yêu đời và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, an tâm chủ động ngày đêm bám đảo, bám biển, luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi của kẻ địch. Cũng trong gian khổ đó đã giúp họ được tôi luyện và trưởng thành hơn cùng với biển cả.
Rất cảm động và khâm phục khi mọi người được tận mắt chúng kiến điều kiện sinh sống vô cùng khó khăn của người lính trên các đảo Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây, Đá Thị, Cô Lin, Núi Le…xung quanh ở đây không có một bóng cây, chỉ có đá, san hô và biển; họ phải chắt chiu từng giọt nước ngọt và để cải thiện bữa ăn họ phải tự trồng rau xanh trong các thùng nhựa chứa đất lấy từ trong đất liền, được che chắn thật kỷ trước gió mặn của biển.
Nhưng mọi người cũng rất vui mừng khi đến thăm các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa…; nơi đây thể hiện sức sống mãnh liệt với nhiều công trình dân sự được xây dựng như Trường học, Nhà Văn hóa, Chùa, có nhiều vườn ra xanh mướt với đủ chủng loại cùng những đàn vịt, gà, heo bóng mượt; xa xa tiếng trẻ thơ vui đùa dưới bóng cây xanh… thành quá đó chính là từ máu và mồ hôi của bao thế hệ chiến sĩ Trường Sa đỗ xuống trên đảo.
Điều gì đã giúp cho người lính Trường Sa ngày đêm đứng vững giữa biển cả để bảo vệ Tổ Quốc? Đó có phải xuất phát từ lòng dũng cảm, tình yêu quê hương, đất nước, cùng một tấm thân đồng được trui rèn trong khó khăn, gian khổ và một ý chí thép. Tuy nhiên họ cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần của người hậu phương.
Xin tri ân và tạm biệt các anh. Trở về đất liền trong tôi vẫn còn âm vang khúc quân ca Trường Sa “Chiến sĩ Trường Sa, viết tiếp bài ca, bằng chính tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…” và cũng qua chuyến đi này tôi sẽ cùng người lao động Satra tiếp tục hưởng ứng tích cực “Chương trình Satra vì biển đảo quê hương” để giúp ngư dân, bộ đội Hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển được hỗ trợ về vật chất, tinh thần, góp phần giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngô Chiến Sĩ