Việc bán nhà đất công sản, chủ yếu cho "Vũ nhôm" (giữa) sai luật có vai trò của cá nhân lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bây giờ có ông Trần Văn Minh (trái), Văn Hữu Chiến (phải
2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vướng vòng lao lý trong vụ án này hay việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận bán khu đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 30ha đất là tài sản công với giá rẻ (1,29 triệu đồng/m2)… là những minh chứng về nhóm lợi ích đang “ăn sâu”, “bén rễ” trong không ít cơ quan công quyền.
Khu đất Công ty TNHH Một Thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bán trái cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2. Việc ký chuyển nhượng này không báo cáo cho tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo quy chế quản lý tài sản của Thành ủy.
Chỉ tính riêng những vụ việc trên, cơ quan chức năng sẽ phải mất không ít thời gian mới có thể đong đếm được thiệt hại ngân sách nhà nước . Đó là chưa kể đến các “đại án” còn đang trong quá trình xử lý và những ung nhọt khác đã có dấu hiệu, nhưng chưa được vạch mặt chỉ tên. Đáng lưu ý trong số đó là những “bong bóng” bất động sản bất thường tại các khu vực được đề nghị xây dựng đặc khu, từ Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa) cho đến Vân Đồn (Quảng Ninh), không chỉ đe dọa sức khỏe của nền kinh tế mà còn tiềm ẩn những bất ổn xã hội một khi nổ vỡ.
Tham nhũng, lợi ích nhóm luôn tiềm ẩn, song hành trong đời sống kinh tế – xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này nhưng dễ thấy hơn cả là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách ở một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở; một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo. Đó là lý do Quốc hội đang tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng – cũng là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau – là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài nhà nước và những mối quan hệ phức tạp giữa khu vực này với một nhóm cán bộ, lãnh đạo thoái hóa, biến chất để hình thành những nhóm lợi ích.
Hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội, đặc biệt là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thị trường tài chính, tiền tệ; cấp phép đầu tư; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế… cũng cần được hoàn thiện đồng bộ. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính; cơ chế quản lý, thưởng phạt cán bộ nghiêm minh. Bên cạnh đó, cũng cần nhận diện rõ là việc tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hiệu quả còn thấp, hạn chế; công tác tự phát hiện tham nhũng hầu như rất ít. Hoạt động của một số cơ quan đơn vị có chức năng PCTN, nhất là mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa thực sự mạnh mẽ và quyết liệt. Không hiếm trường hợp, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng lại không truy đến cùng, có trường hợp tội trạng đã rõ ràng lại được xử nhẹ, xử án treo một cách bất hợp lý, gây bức xúc xã hội. Vì vậy, luật dù sửa có hoàn hảo đến mấy nhưng không được tổ chức thực hiện nghiêm túc thì cũng kém tác dụng.
Cần xác định rõ những hạn chế yếu kém trong PCTN hiện nay là do bất cập của pháp luật, hay ở khâu tổ chức thực hiện, để áp dụng các biện pháp “phòng cho đúng, chống cho trúng”. Cả hệ thống chính trị, toàn xã hội phải thực tâm và quyết tâm cùng đóng góp trí tuệ và công sức thì công cuộc PCTN mới đạt được những kết quả tốt và bền vững.
ANH THƯ (Báo Sài Gòn Giải Phóng)