Dự lễ kỷ niệm có Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết, Phó Tư lệnh Hải quân, Trưởng đoàn công tác; Bùi Ngọc Quý, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và có hơn 250 đại biểu có Đoàn công tác số 10.
Diễn văn kỷ niệm nhấn mạnh: Cách đây 43 năm, trong khí thế hào hùng của những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chấp hành chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo bất ngờ tấn công giải phóng quần đảo Trường sa – một quần đảo có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế.
Với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, rạng sáng ngày 14-4-1975, các tàu HQ673, HQ674, HQ675 của Lữ đoàn 125 chở đội 1 đặc công Hải quân, cùng một bộ phận lực lượng đặc công quân khu V, bí mật đổ bộ chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây, chỉ sau 30 phút chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây.
Giải phóng được đảo Song Tử Tây đã làm cho hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng. Đến 2 giờ 30 phút ngày 25-4-1975 các lực lượng của ta giải phóng đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27-4-1975 ta làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ 30 phút ngày 28/04/1975 giải phóng đảo Sinh Tồn; và đến 09 giờ ngày 29-4-1975 giải phóng đảo Trường Sa; đồng thời cũng kết thúc một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược do Quân uỷ Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân.
Chiến thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam trong giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã thể hiện rõ ý chí quyết chiến, quyết thắng; sự quán triệt, chấp hành nghiêm quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại và trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Chiến thắng này một lần nữa chứng minh sự trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Từ ngày được giải phóng đến nay, diện mạo của huyện đảo Trường Sa được đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn, nhiều công trình đa chức năng như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió… đã được tu bổ không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quân – dân huyện đảo và ngư dân các địa phương làm ăn phát triển kinh tế biển, kết hợp giữa kinh tế – quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần cùng quân, dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các công trình: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm Liệt sỹ, Nhà khách Thủ đô, Chùa Trường Sa, Chùa Song Tử, Sinh Tồn, Nhà văn hóa đảo Nam Yết, Nhà văn hóa đảo Song Tử, Nhà cộng đồng đảo Đá Tây, lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ đảo Trường Sa…là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho quân dân huyện đảo và cũng làm cho huyện đảo như gần hơn với đất liền.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm đồng chí Bùi Ngọc Quý nhấn mạnh: Đảng , Nhà nước, Quân đội và Nhân dân luôn thấu hiểu, cảm thông chia sẻ những mất mát đau thương của các gia đình thân nhân liệt sỹ trên mọi miền Tổ quốc. Trong đó, có những gia đình đã có những người con yêu dấu hy sinh trong chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 và trọng sự nghiệp xây dựng biển, đảo ngày nay. Đến với Trường Sa, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được tận mặt chứng kiến cuộc sống chiến đấu hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo. Nơi rạn san hô đầu sóng ngọn gió, các anh đã biến rạn đá thành pháo đài kiên trung, vững chắc cùng các điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc làm phên dậu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đoàn công tác ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, những thành tích của quân dân đã đạt được trong thời gian qua.