Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam có 5 đại đoàn tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ gồm: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 304 và Đại đoàn Công – Pháo 351.
Đại đoàn 308 (Sư đoàn 308 ngày nay), tức Sư đoàn “Quân Tiên Phong”, có mật danh là Việt Bắc, gồm: Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), mật danh Ba Vì; Trung đoàn 88, mật danh Tam Đảo; Trung đoàn 36, mật danh Sapa. Là Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 28-8-1949, tại thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiếp nhận binh lính ở đồn Bản Kéo ra hàng, tháng 3-1954. Ảnh: Vov.vn
Danh hiệu “Quân Tiên Phong” được xuất phát từ bản Nhật lệnh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc trong ngày thành lập Đại đoàn: “Đại đoàn có nhiệm vụ cùng với các binh đoàn chủ lực khác đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch, trên con đường chính quy hóa. Đại đoàn phải:
Hễ đánh là thắng;
Đã đánh là tiêu diệt sinh lực địch;
Ngày càng lớn mạnh;
Quyết định chiến trường”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn là một trong những đơn vị chủ lực cơ động, thường được giao nhiệm vụ đánh những trận then chốt trong các chiến dịch lớn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phối hợp cùng các đơn vị bạn tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 19-9-1954, tại Đền thờ các Vua Hùng, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng tại nơi đây, Người đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ đơn vị: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” cho ông Lê Trọng Tấn – Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 tháng 5-1954. Ảnh: vov.vn
Đại đoàn 312 (Sư đoàn bộ binh 312 ngày nay) tức Sư đoàn “Chiến Thắng”, mật danh Bến Tre, gồm: Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô), mật danh Hồng Gai; Trung đoàn 165 (Trung đoàn Lào Hà), mật danh Đông Triều; Trung đoàn 141 (Trung đoàn Phủ Thông), mật danh Đầm Hà. Đại đoàn 312 là sư đoàn chủ lực, cơ động của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (27-12-1950). Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn đã đánh thắng trận đầu giòn giã ở Xuân Trạch trong Chiến dịch Trung du. Từ đó, Sư đoàn liên tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn: Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch, đánh vào trung tâm Mường Thanh, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm… với chiến công to lớn này, Sư đoàn đã vinh dự được Bác Hồ tặng cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”. Trải qua các thời kỳ cách mạng gian nan, vất vả, nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội; không ngừng phấn đấu, rèn luyện; chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Các chiến sĩ Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tấn công tiêu diệt địch tại cứ điểm Đồi C1 ngày 1-5-1954. Ảnh tư liệu: vov.vn
Đại đoàn 316 (Sư đoàn 316 hiện nay), mật danh Biên Hòa, gồm: Trung đoàn 98 (Trung đoàn Tây Bắc), mật danh Ba Đồn; Trung đoàn 174 (Trung đoàn Cao – Bắc – Lạng), mật danh Sóc Trăng; Trung đoàn 176, mật danh Lạng Sơn (chỉ có 1 tiểu đoàn tham gia chiến dịch). Đại đoàn 316 được thành lập ngày 1-5-1951 tại làng Cốc Lùng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở sáp nhập các Trung đoàn 98, 174, 176 và một số đơn vị binh chủng. Ngay sau ngày thành lập, các đơn vị trong Đại đoàn bước vào một cao trào học tập chính trị, quân sự sôi nổi. Cán bộ, chiến sĩ miệt mài rèn luyện trên thao trường, trên bãi tập. Kết quả là các đơn vị đều có chuyển biến tiến bộ về nhận thức chính trị tư tưởng và bản lĩnh ý chí chiến đấu. Sức mạnh của Đại đoàn ngày càng được khẳng định, đáp ứng kịp thời với yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đoàn 316 đã cùng với các đơn vị bạn chiến đấu kiên cường, anh dũng trong suốt 56 ngày đêm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, biến tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà giặc Pháp khoe khoang là “Pháo đài không thể công phá” nhanh chóng trở thành “chảo lửa” thiêu đốt tất cả những tham vọng cùng những nỗ lực cố gắng cuối cùng của đội quân xâm lược, lập nên một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”. Trong Chiến dịch lịch sử này, Đại đoàn 316 đã có nhiều đóng góp, hy sinh to lớn. Những trận đánh ác liệt ở A1, C1 còn in đậm và vang vọng mãi chiến công của Trung đoàn 98, Trung đoàn 174 và được ghi vào lịch sử chiến đấu của quân đội ta như là một mẫu mực của lòng quả cảm, đức hy sinh và tinh thần sáng tạo vượt mọi khó khăn để giành thắng lợi.
Chiến sĩ Đại đoàn 304 dùng súng DKZ diệt xe tăng và bộ binh địch ở phân khu Hồng Cúm tháng 4-1954. Ảnh tư liệu: Vov.vn
Đại đoàn 304 (Sư đoàn 304 ngày nay), tức Sư đoàn “Vinh Quang”, mật danh Nam Định, gồm: Trung đoàn 57, mật danh Nho Quan; Trung đoàn 9, mật danh Ninh Bình; Trung đoàn 66. Đại đoàn 304 ( được thành lập ngày 10-3-1950 bao gồm 3 Trung đoàn (trong kháng chiến chống Pháp) trong đó chỉ có 2 trung đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đoàn 9 và Trung đoàn 57. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trong khi Đại đoàn 308, 312, 316 hành quân với lực lượng tương đối đầy đủ thì 304 là đơn vị duy nhất cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ: Nhiệm vụ quốc tế ở Trung Lào; đánh địch trên chiến trường Tây Bắc và bảo vệ Trung ương ở khu căn cứ.
Ðại đoàn 304 được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Nam, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Ðây là một trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với hơn 2.000 tên địch, gồm một Tiểu đoàn lựu pháo 105mm, một Đại đội cối 120mm, hai Trung đoàn xe tăng.
Sơ kết đợt tiến công tại phân khu Nam, ta thu được nhiều vũ khí, trang thiết bị, lương thực, thuốc men, tiêu diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch. Những chiến công của Ðại đoàn 304 làm tê liệt hoàn toàn phân khu Nam, ngăn sự chi viên cho trung tâm Mường Thanh, là một thành tích đáng kể góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, làm nên thắng lợi to lớn nhất, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đưa miền Bắc đi lên xã hội chủ nghĩa, là hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ ngay sau đó.
Để ghi nhận những chiến công của các chiến sĩ Sư đoàn 304, năm 1954, Bác Hồ trao tặng cho Sư đoàn lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”. Đảng và Nhà nước tuyên dương Sư đoàn 304 là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra pháo binh trước khi diễn ra trận đánh mở màn tại trung tâm đề kháng Him Lam tháng 3-1954. Ảnh tư liệu: Vov.vn
Đại đoàn 351, tức Sư đoàn Công – Pháo, mật danh Long Châu, gồm: Trung đoàn 151 Công binh; Trung đoàn 45 Lựu pháo, mật danh Tất Thắng; Trung đoàn 675 Sơn pháo; Trung đoàn 367 Pháo cao xạ, mật danh Hương Thủy; ngoài ra còn có: 3 Tiểu đoàn Pháo cối, 1 Tiểu đoàn Hỏa tiễn 6 nòng.
Ngày 29-6-1946, tại sân Vệ Quốc đoàn Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam (sau này là Quân đội nhân dân Việt Nam) Hoàng Văn Thái đọc Quyết định thành lập Đoàn Pháo binh Thủ đô gồm 3 trung đội: Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo và Pháo đài Xuân Canh và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Pháo binh anh hùng.
Chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, sau khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng căn cứ quân sự ở đây nhằm thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam tới để tiêu diệt, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết tâm tiêu diệt địch, giành thắng lợi quan trọng này hòng thay đổi cục diện chiến tranh. Mọi sự chi viện trên cả nước được dồn cho Điện Biên Phủ. Cũng trong trận chiến này, lần đầu tiên ta chủ trương đánh hiệp đồng Binh chủng Pháo binh và Bộ binh. Về phía Pháo binh được huy động ở mức cao nhất nhằm chi viện hỏa lực tối đa cho các đơn vị Bộ binh bao gồm 1 Trung đoàn sơn pháo 75mm (24 khẩu), 2 Tiểu đoàn Lựu pháo 105mm (24 khẩu), 4 Đại đội Súng cối 120mm (16 khẩu), 1 Trung đoàn Cao xạ pháo 37mm (24 khẩu) và 2 Tiểu đoàn Công binh.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội pháo binh 806 thuộc Đại đoàn pháo binh 351 là đơn vị nổ những loạt đạn pháo đầu tiên mở màn cuộc tấn công dữ dội vào tập đoàn cứ điểm uy lực của thực dân Pháp dưới lòng chảo Điện Biên Phủ. Bằng sự ngụy trang kín đáo, sự chỉ huy pháo bắn chính xác, dữ dội ta đã nhanh chóng đánh chiếm cứ điểm Him Lam, phá vỡ phòng tuyến phía Đông Bắc của thực dân Pháp.
Theo một số tài liệu, trong trận chiến ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đã bắn hết hơn 110.000 đạn pháo cỡ 105mm trở lại. Trong khi đó, quân ta chỉ bắn hết khoảng 20.000 quả pháo 105mm. Một con số thấp hơn nhiều lần, nhưng hiệu quả đạt được lại rất cao. Như vậy vai trò của Pháo binh trong trận đánh này là vô cùng quan trọng, ta đã thành công trong việc tổ chức đánh hiệp đồng Binh chủng Bộ binh, Pháo binh mà trước đó chưa từng áp dụng.
Sau này Đại đoàn Pháo binh tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.