Vận dụng linh hoạt, hiệu quả những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu nhằm phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (năm 1956)
Đó là khẳng định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”, do Trung tâm Văn hóa doanh nhân thuộc VCCI tổ chức chiều 14/5, tại Hà Nội. Đây cũng là sự kiện hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024). Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm, tư tưởng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, về văn hóa và kinh tế, Người từng nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đặc biệt, đối với giới công thương, theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”.
Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền,… Gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.
Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó dành hẳn một nhóm nhiệm vụ giải pháp về “Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Bên cạnh đó, thời gian qua, VCCI đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động có liên quan, như nghiên cứu, xây dựng, công bố và phát động thực hiện 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam nhân dịp sinh nhật Bác ngày 19/05/2022.
Sáu quy tắc đạo đức doanh nhân bao gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Năm 2023, VCCI cũng đã phát động cuộc thi, lựa chọn và công bố ca khúc truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam “Hào khí doanh nhân Việt Nam”; VCCI cũng đã phối hợp với với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam; triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045”.
Toàn cảnh Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”
Các diễn giả tham gia Diễn đàn đánh giá, đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm triển khai chương trình hành động của VCCI trong thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW. Để có cơ sở thực hiện xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, nhất là học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Diễn đàn đã tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề.
Một là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; và vai trò của văn hóa trong hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đối với hình tượng doanh nhân.
Hai là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng giới công thương Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vào những tư tưởng, quan điểm về xây dựng đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh Việt Nam; vai trò của vấn đề đạo đức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba là, cách thức vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn Báo Nhân dân