Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt việc xây dựng một hệ thống chuẩn mực về đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện; trong đó, “Liêm”, “Chính” là những phẩm chất quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở phân tích nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về “Liêm”, “Chính”, bài viết chỉ ra một số giá trị vận dụng đối với việc giáo dục, rèn luyện đức “Liêm”, “Chính” cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “liêm”, “chính” và vận dụng trong công tác cán bộ hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2-1951

Nói về vai trò của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(1). Quan điểm của Người về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đã trở thành nền tảng lý luận để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Hiện nay, việc xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức theo những chỉ dẫn của Người về thực hành “Liêm”, “Chính” có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Liêm”, “Chính”

Theo Hồ Chí Minh, “Liêm” tức là liêm khiết, “không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân”(2), “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”(3). Như vậy, “Liêm” có nghĩa là trong sạch, liêm khiết, thanh liêm.

Đồng thời, để mọi người hiểu rõ hơn về “Liêm”, Hồ Chí Minh phân tích, làm rõ thêm khái niệm tương phản với “Liêm” là “Bất Liêm”. Theo Người, nếu “Liêm” là sự trong sạch, không tham lam thì “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”(4). Người cũng chỉ rõ những biểu hiện của “Bất Liêm” đó là: tham tiền của sẽ dẫn đến đục khoét tài sản của dân, trộm cắp tài sản công, đầu cơ tích trữ, buôn gian bán lận…; Tham địa vị, danh tiếng sẽ dẫn đến việc dìm người tài giỏi, nịnh trên, nẹt dưới…; Tham nhàn sẽ dẫn đến ngại khó, ngại khổ, đẩy việc cho người khác, tranh công, đổ tội…; Tham sống yên sẽ dẫn đến sự hèn nhát, gặp giặc không dám đánh, thấy việc nghĩa không dám làm…

Từ đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”(5). Người chỉ rõ, thực hành đức “Liêm” sẽ mang đến sự “quang minh chính đại” vì người có “Liêm” thì không tham lam nên tâm họ sáng, khi tâm sáng thì trí mới thông, nhận thức và hành động mới đúng đắn; ngược lại nếu mỗi người không thực hành “Liêm” thì sẽ bị tha hóa về nhân cách.

Từ việc bàn về nội dung và giá trị của đức “Liêm”, Hồ Chí Minh nêu rõ đối tượng cần thực hành đức “Liêm”, đó là: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp… Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải Liêm”(6). Điều này có nghĩa là, đối tượng phải thực hành “Liêm” không chỉ là cán bộ mà là tất cả mọi người.

Hồ Chí Minh viết: “Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”(7). Bởi, chế độ dân chủ sẽ tạo ra sự bình đẳng và hướng mọi người vươn tới những giá trị mới về chuẩn mực đạo đức. Cán bộ, đảng viên có đức “Liêm” sẽ tạo được lòng tin đối với nhân dân. Ngược lại, cán bộ không rèn luyện đạo đức cách mạng mà muốn được lòng dân, thì đó là việc khó như “bắc dây leo trời”.

Theo Người, để đội ngũ cán bộ có đức “Liêm”, Đảng cần thực hiện tốt việc giáo dục và kỷ luật. Người nhấn mạnh, trước hết, người cán bộ phải gương mẫu thực hành “Liêm” bằng những việc làm cụ thể trong công việc và cuộc sống thường ngày. Bởi: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(8).

Về “Chính”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”(9), “là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”(10). Quan điểm này cho thấy, “Chính” là luôn chính trực, đúng mực, công tâm, luôn hành động theo lẽ phải và bảo vệ lẽ phải.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của đức “Chính” đối với mỗi người bằng việc chỉ ra vị trí của “Chính” trong tứ đức: “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”(11). Điều đó có nghĩa, “Chính” là kết quả của “Cần”, “Kiệm”, “Liêm” nhưng trên thực tế, không phải cứ thực hiện tốt “Cần”, “Kiệm”, “Liêm” là có “Chính”, vì “Chính” có tính độc lập tương đối, đồng thời đây là đức khó thực hiện nhất trong tứ đức. “Chính” là biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người, đòi hỏi mỗi người phải thực sự chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải, cái tốt.

Để nhấn mạnh vai trò của đức “Chính”, Hồ Chí Minh coi “Chính” là cơ sở để phân định mọi công việc và con người trong xã hội. Người cho rằng: “Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: việc CHÍNH và việc TÀ(12); cũng như con người cũng chia thành người thiện và người ác. Như vậy, đức “Chính” thấm sâu và chi phối mọi công việc, mọi người trong xã hội nhưng vươn tới “Chính” là điều rất khó khăn vì con người vốn “nhân vô thập toàn”. Bởi vậy, trong công việc và cuộc sống, mỗi người cần biết trân trọng cái tốt, vun đắp những điều thiện và “Chính” với tấm lòng độ lượng, khoan dung, tinh thần giúp đỡ người khác sửa chữa khuyết điểm.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của “Chính” khi bàn về mối quan hệ của mỗi người với mình, với người, với việc. Theo Hồ Chí Minh, người có đức “Chính” phải hành xử theo nguyên tắc sau: Đối với mình thì không tự cao, tự đại, phải chịu khó học tập, luôn cầu tiến bộ, thực hành tốt việc tự phê bình và phê bình để phát huy mặt tốt, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa mặt chưa tốt, khuyết điểm của bản thân. Đối với người thì phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, luôn thật thà, chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không nịnh người trên và xem khinh người dưới. Đối với công việc thì phải luôn đặt việc công, lợi chung lên trước, lên trên việc tư, lợi tư; khi được phân công phụ trách bất kỳ việc gì thì phải quyết tâm làm cho được, không sợ nguy hiểm, khó khăn, việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh.

2. Giải pháp giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Liêm”, “Chính” cho đội ngũ cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thực hành “Liêm”, “Chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện những chỉ dẫn của Người về “Liêm”, “Chính”, Đảng ta đã đạt nhiều kết quả trong quá trình xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế cùng mặt trái của kinh tế thị trường, “một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(13)

Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”(14), xây dựng một nền công vụ mang tính chuyên nghiệp, minh bạch, sáng tạo, thân thiện, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo động lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nhà nước phải thể hiện rõ phẩm chất “liêm chính”, “công bộc” của nhân dân, thúc đẩy đổi mới, phát triển và sáng tạo.

Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ. Một trong những giải pháp quan trọng mà Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng”(15). Với những yêu cầu đó, thì việc rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về thực hành “Liêm”, “Chính” là nội dung có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết. Một số điểm cần làm tốt trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Liêm”, “Chính” cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đức “Liêm”, “Chính” cho đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho cán bộ, công chức hiểu rõ những giá trị sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “Liêm”, “Chính” và thấm thía rằng: “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”(16).

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, do vậy cần đa dạng nội dung và hình thức giáo dục, rèn luyện đức “Liêm”, “Chính” cho cán bộ, công chức. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Về chương trình bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, bên cạnh những kiến thức lý luận cơ bản, cần chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục về những tấm gương người tốt, việc tốt, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm gắn lý luận với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng của người học trong thực tiễn công tác.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các khâu trong công tác cán bộ. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh quan điểm: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(17).

Thực hiện quan điểm chỉ đạo này, Đảng đã ban hành nhiều văn bản về công tác tổ chức cán bộ, như: Quy định 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 của Bộ Chính trị “về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”; Quy định số 50-QĐ/TW ngày  27-12-2021 của Bộ Chính trị “về công tác quy hoạch cán bộ”; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị “về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, Kết luận số 08-KL/TW ngày 15-6-2021 của Bộ Chính trị “về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Kết luận số 35-KL/TW ngày 05-5-2022 của Bộ Chính trị “về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương”;… Đây là những văn bản quan trọng của Đảng, tạo nên sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong công tác cán bộ.

Việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng về các khâu trong công tác cán bộ sẽ là cơ sở quan trọng tạo ra động lực để thực hiện việc xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó có việc rèn luyện, thực hành “Liêm”, “Chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, nêu cao tính tự giác của cán bộ, công chức trong việc tu dưỡng, rèn luyện đức “Liêm, Chính”. Dù ở vị trí công tác nào, mỗi cán bộ, công chức đều phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, công chức không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ dễ dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để thực hiện tốt tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thực hành nghiêm túc những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về “Liêm”, “Chính”; nêu gương về đạo đức cách mạng, luôn giữ gìn sự trong sạch, liêm khiết, chính trực. Cán bộ, công chức phải tự giác, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với tinh thần “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”(18) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Tính tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức “Liêm, Chính” yêu cầu người cán bộ, công chức phải gương mẫu toàn diện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong lời nói và hành động cụ thể, trên mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Hiện nay, việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm khiết, chính trực, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phục vụ nhân dân.

Trước tiên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để có đầy đủ chế tài, làm cơ sở xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bất liêm theo đúng tinh thần của Hồ Chí Minh là “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(19). Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương để buộc cán bộ, công chức phải thực hành nghiêm túc “Liêm”, “Chính”. Đồng thời, để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, cần tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Muốn kiểm soát được quyền lực nhà nước, phải thực hành dân chủ rộng rãi; kết hợp giữa kiểm soát bằng thể chế với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức; kết hợp giữa kiểm soát bên trong của tổ chức với kiểm soát bên ngoài của nhân dân; giữa kiểm soát của tổ chức với tự kiểm soát của cá nhân cán bộ, công chức.

Thứ năm, tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đức “Liêm”, “Chính” của cán bộ, công chức. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đặc biệt là phẩm chất “Liêm”, “Chính”. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, công chức.

Nội dung kiểm tra, giám sát cần tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư phát triển, tài nguyên, khoáng sản, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện chính sách xã hội; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;… Đồng thời, cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân đối với việc thực hành phẩm chất “Liêm”, “Chính” của cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là nội dung cần được thực hiện thường xuyên ở cấp ủy, chính quyền các cấp.

Trong quá trình thực hiện phải nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm được nhân dân góp ý, đồng thời, giải thích cho người dân hiểu rõ những góp ý chưa phù hợp. Do vậy, một nội dung rất quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát việc thực hành “Liêm”, “Chính” là phải tuyên truyền để người dân nhận thức đúng và rõ về vị trí, vai trò của cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Liêm”, “Chính” luôn soi rọi cho cán bộ, công chức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong các chặng đường lịch sử. Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, những chỉ dẫn của Người về thực hành đạo đức “Liêm”, “Chính” vẫn vẹn nguyên giá trị đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

NGUỒN TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

_____________

(1), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309-313, 292.

(2), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.145, 145.

(4), (5), (6), (7), (9), (11), (12), (16), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.126, 137, 126, 127, 129, 129, 129, 127, 127.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.98.

(13), (14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.92, 284, 288.

(17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.230.

(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.50.