Ký kết hợp tác liên kết sản xuất – tiêu thụ hàng hóa giữa Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và tỉnh An Giang.
Nông dân hưởng ứng
Trong 2 năm qua, SATRA và tỉnh An Giang đã triển khai ba đề án chuỗi liên kết gồm: tiêu thụ đa dạng hóa sản phẩm rau màu; tiêu thụ tôm càng xanh, cá nước ngọt; sản xuất tiêu thụ gạo đặc sản Jasmine.
Huyện Châu Phú – An Giang là một trong những địa phương được triển khai đề án thí điểm chuỗi liên kết, sản xuất và tiêu thụ rau màu. Đề án được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải – Cofidec (SATRA). Trong quá trình triển khai, nông dân được cung ứng giống, kỹ thuật, cung cấp một số công cụ dùng để thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Đậu bắp giống Nhật trồng thí điểm tại 2 xã Khánh Hòa, Bình Thủy với diện tích 16ha.
Ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, do là mô hình mới nên ban đầu bà con còn nhiều bỡ ngỡ. Với quyết tâm thực hiện, huyện đã tổ chức cho 30 nông dân đến tỉnh Trà Vinh để tham quan hiệu quả của mô hình này. Bên cạnh đó, xã Bình Thủy thành lập tổ hợp tác vận động nông dân đăng ký tham gia. Từ tháng 3-2012, có 40 nông dân đã ký hợp đồng chính thức với Công ty Cofidec với giá bao tiêu sản phẩm. Sau 40 ngày, cây đậu bắp bắt đầu cho thu hoạch, năng suất 12 tấn/ha; sau khi trừ chi phí mỗi hécta hơn 30 triệu đồng, nông dân còn lợi nhuận bình quân trên 40 triệu đồng/ha.
“Đây là mô hình đầu tiên của huyện được thực hiện dưới hình thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Châu Phú rất “mê” mô hình này! Dù kết quả ban đầu còn khiêm tốn, song đã nói lên được tính hiệu quả của chuỗi liên kết rau màu” – ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú chia sẻ.
Doanh nghiệp – nông dân cùng có lợi
Theo đại diện lãnh đạo SATRA, Chuỗi liên kết rau màu trước tiên áp dụng với loại sản phẩm cây đậu bắp, cây cà tím giống Nhật với diện tích 50 ha, sau đó sẽ mở rộng thêm một số loại hoa màu khác như ớt trái, mướp đắng, khoai lang… Đối với gạo đặc sản Jasmine, giai đoạn 2012 – 2013, tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện Châu Phú, giai đoạn 2 mở rộng thêm huyện Châu Thành và TP. Long Xuyên, giai đoạn 3 sẽ nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 4.500ha trồng lúa thơm đặc sản Jasmine xuất sang thị trường một số nước.
Gạo Global của SATRA-1 trong nưhnxg sản phẩm có sự liên kết với An Giang
Riêng mặt hàng tôm càng xanh, dự kiến triển khai tập trung tại huyện Thoại Sơn, quy mô giai đoạn 1 (50ha), giai đoạn 2 (140ha), các loại sản phẩm cá nước ngọt như cá lóc, cá tra, cá rô phi tập trung nuôi trồng tại huyện Châu Thành, Chợ Mới.
Ngoài ra, năm 2014, Công ty Vissan và UBND huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Châu Phú ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm bò thương phẩm; Công ty CP Bao bì Sài Gòn ký hợp tác về cung ứng nhà kính hỗ trợ cho ứng dụng công nghệ cao. Đến nay đã có 5 đơn vị thành viên của SATRA tham gia đề án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với An Giang.
Theo Phó Tổng Giám đốc SATRA Trần Văn Bắc, trong chuỗi liên kết này nông dân sẽ được doanh nghiệp đầu tư cung cấp nguyên vật liệu đầu vào như cây con giống, phân bón, phổ biến quy trình kỹ thuật… Trong quá trình sản xuất, các cán bộ, kỹ thuật viên của doanh nghiệp thường xuyên theo dõi, giám sát để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Chính vì vậy, nhiều sản phẩm xuất sang thị trường các nước như Mỹ, Nhật, châu Âu… rất khắt khe về chất lượng nhưng các sản phẩm trong chuỗi liên kết xuất đi luôn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và được bạn hàng tín nhiệm.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang khẳng định: “Chương trình được bà con nông dân ủng hộ vì mô hình chuỗi liên kết đem lại lợi ích và hiệu quả kinh tế, tăng giá trị nông sản, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người nông dân”.
(SGGP)