Thứ nhất,kỷ luật Đảng: Quy định về 19 điều đảng viên không được làm rất cụ thể, nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được việc giữ gìn kỷ luật Đảng đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thứ hai,tuân thủ pháp luật. Một đất nước càng văn minh thì tính tuân thủ pháp luật càng cao; đảng viên và tổ chức đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Bất kỳ đảng viên, dù ở cấp nào vi phạm thì đều bị xử lý theo pháp luật.

Về động cơ vào Đảng

Đối với một người đảng viên, khi Đảng giao trách nhiệm thì cố gắng hoàn thành, khi không giao trách nhiệm thì là một đảng viên, một công dân bình thường. Nhưng trong 4 triệu đảng viên hiện nay, không tránh khỏi có một bộ phận lấy động cơ vào Đảng là để được thăng quan tiến chức. Nếu không đạt được ý đồ đó thì sinh ra bất mãn, nói xấu Đảng.

Vừa qua đã có tổng cộng hơn 50 nghìn đảng viên, nằm rải rác các cấp bị xử lý kỷ luật với các hình thức khác nhau từ khai trừ cho đến cảnh cáo, khiển trách… – đó là một con số lớn, đáng buồn. Nhưng nhìn nhận vào thực chất, việc tồn tại “bộ phận không nhỏ” là hậu quả của 3 yếu tố: Thứ nhất, việc kết nạp không đúng; thứ hai, giáo dục của tổ chức chưa đến nơi đến chốn và thứ ba là bản thân đảng viên không tự rèn luyện, trau dồi.

Đảng không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng, nhiều trí thức không phải là đảng viên nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một công dân, cống hiến tốt về chuyên môn, công việc thì vẫn được trọng vọng, được xin ý kiến, có chế độ chính sách tốt.

Trong điều kiện lịch sử hiện nay, ở nhiều nơi, người nắm giữ chức vụ cao trong các tập đoàn kinh tế không phải là đảng viên. Chính phủ ta ngày trước từng có nhiều đồng chí bộ trưởng không phải đảng viên, điều quan trọng là Chính phủ đó phải thực thi đường lối của đảng cầm quyền. Hiện nay, các trí thức cống hiến tốt thì không phải quá “lăn tăn” chuyện vào Đảng hay không; còn thực sự tâm huyết thì xin vào Đảng để cống hiến chứ đừng vì mục đích cá nhân.

Để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo niềm tin cho người dân thì Đảng phải cầm quyền thực sự hiệu quả, đất nước ngày càng phát triển, vị thế quốc gia ngày càng nâng cao, đời sống nhân dân ngày càng khá hơn. Đó chính là thước đo của đảng cầm quyền. Bên cạnh đó, phải chú ý đến phong cách lãnh đạo, làm việc của các đảng viên, nhất là những người có chức có quyền. Đảng viên phải gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, hòa đồng, chia sẻ với dân. 

Công tác quy hoạch cán bộ

Nhằm chuẩn bị cho Đại hội XII, Trung ương đã mở 5 lớp dự nguồn cán bộ cao cấp, mỗi lớp khoảng 100 đồng chí. Các tỉnh, thành phố cũng đang tiến hành rất khẩn trương các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ dự nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những năm tiếp theo trên 63 tỉnh thành.

Ngày nay, đất nước đang hướng vào 2 nhiệm vụ chiến lược lớn là xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, độc lập chủ quyền. Cán bộ lãnh đạo tất cả các cấp luôn luôn sẽ phải bám chắc nhiệm vụ chính trị lớn lao, mục tiêu chiến lược đó.

Xu hướng trẻ hóa trong công tác quy hoạch nhân sự nổi lên rõ rệt, như vậy họ có điều kiện làm việc nhiều nhiệm kỳ, tránh được phần nào “tư duy nhiệm kỳ”. Nhưng trẻ hóa phải đi với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản về trình độ lý luận, năng lực, phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm… chứ không phải chỉ nhìn vào tuổi tác. Việc trẻ hóa gắn liền với đào tạo có bài bản, có hệ thống là một bước đột phá.

Để việc lựa chọn nhân sự được tiến hành khách quansẽ là cả một quá trình chứ không phải ngay một lúc mà có được. Lựa chọn cán bộ thông qua các khâu: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp vào các vị trí, sau đó luân chuyển các vị trí để rèn giũa qua thực tế…  

Trong lựa chọn, đôi khi khó tránh khỏi việc có hiện tượng thiếu công tâm. Muốn hạn chế phải dựa vào nguyên tắc tập thể, chọn cán bộ nào là tập thể cấp ủy đó phải chịu trách nhiệm.

Quy trình nhân sự hiện nay đã được làm bài bản, hệ thống, chặt chẽ hơn nhưng cũng không thể tránh sai lầm, những hiện tượng như chạy chức, chạy quyền. Và những cái “chạy” này thường rất tinh vi, khó phát hiện được, nhưng khi đã nhìn thấy được thì phải sửa, điều chỉnh ngay.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người lãnh đạo cấp chiến lược

Để nắm giữ vai trò, vị trí chiến lược, cán bộ cần đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn hàng đầulà phải có phẩm chất, có trách nhiệm đối với nước, với dân, toàn ý, hết sức hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Thứ hai làphải có trình độ, học vấn, có tầm hiểu biết, trí tuệ. Đặc biệt điều này rất cần thiết trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức.

Thứ baphải có năng lực tổ chức thực tiễn. Thực tiễn rất phong phú ở mỗi ngành, mỗi cấp, địa phương đang đòi hỏi người lãnh đạo phải năng động, sáng tạo. Hiện nay có rất nhiều cán bộ cấp Trung ương phải xuống địa phương, trải thực tiễn để từ đó trở về lãnh đạo cấp chiến lược.

Thứ tư làuy tín với dân, được dân tin cậy.

Người lãnh đạo ở cấp nào cũng phải phát huy được thực lực của đất nước, địa phương. Đồng thời phải có sự nhạy cảm về chính trị, nắm bắt được cái mới, vận hội, cơ hội để phát triển thì sẽ bứt phá lên.

Đất nước ta hiện nay tuy còn trong điều kiện khó khăn nhưng những thuận lợi, thời cơ là rất lớn. Việt Nam đã thoát khỏi vị trí nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, có quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia và đang hội nhập rất sâu, tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và cuối năm 2015 sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Đó thực sự là những cơ hội vàng.

Đại hội XII sẽ có những quyết sách để bứt phá, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Với những nhiệm vụ đó, kỳ Đại hội này sẽ phải lựa chọn những người có tư duy năng động, sáng tạo, dám làm và chịu trách nhiệm.

Nghị quyết Trung ương 4 cũng nhấn mạnh việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách rất rõ ràng, nhưng trong thực tiễn đã có hiện tượng thành tích của cá nhân, nhưng khuyết điểm thì thuộc về tập thể. Hội nghị Trung ương 4 nhấn mạnh, khi xảy ra những vấn đề cập ở địa phương, ngành, lĩnh vực, cơ quan nào thì người thủ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước.

Vừa qua, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đã được chú trọng hơn và bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Ví dụ, tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, 2 lãnh đạo có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều vào lần trước là Bộ trưởng Bộ GTVT và Thống đốc Ngân hàng thì đến đợt bỏ phiếu lần vừa rồi kết quả đều rất tốt.  

Vấn đề là phải thực thi nghiêm, không phải khi xảy ra sai phạm mới nhắc nhở, mà phải có biện pháp xử lý kỷ luật, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng tổng hợp từ bài phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

– Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh)