Nỗ lực thu hẹp bất đồng
Hội nghị Vienna bàn về tình hình Syria diễn ra đúng một tháng sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Tham gia hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nga, Iran, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây và Ảrập. Trước đó, Mỹ đã chính thức đề nghị Iran tham gia thảo luận về tình hình Syria, mặc dù Tehran là đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Washington muốn nhà lãnh đạo này phải ra đi. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng đã khẳng định tầm quan trọng của Iran trong vấn đề Syria và tại Trung Đông, đồng thời tuyên bố muốn Iran tham gia bất kỳ cuộc thảo luận nào về Syria trong tương lai.
Tại hội nghị, các bên đã đi thẳng vào vấn đề mấu chốt của giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria là số phận của Tổng thống Assad. Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cho biết, hai bên vẫn bất đồng về số phận của Tổng thống Assad. Tuyên bố chung của Hội nghị quốc tế Geneva về hòa bình Syria năm 2012 đã kêu gọi thành lập một chính quyền chuyển tiếp ở Syria, có thể tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Đây là một phần của quá trình chuyển giao chính trị lớn hơn tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, trong suốt 40 tháng kể từ khi tuyên bố chung được ký kết, các bên liên quan không có động thái nào nhằm thực thi tuyên bố, chủ yếu do bất đồng giữa Nga và phương Tây về vai trò của Tổng thống Assad trong quá trình chuyển giao.
Giới chức Mỹ vẫn khẳng định, ông Assad chịu trách nhiệm về cuộc nội chiến ở Syria và một mực cho rằng nhà lãnh đạo này phải ra đi. Tuy nhiên, gần đây Mỹ đã chuyển hướng khi tuyên bố, ông Assad có thể tiếp tục tại vị cho đến khi quá trình chuyển giao chính trị ở Syria kết thúc. Trong khi đó, Nga muốn duy trì chính quyền Syria do Tổng thống Assad lãnh đạo, đồng thời bảo vệ lợi ích cốt lõi của Nga tại Syria. Moscow gần đây không ngừng tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria và bắt đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm chống IS ở Syria ở quốc gia Trung Đông này từ cuối tháng trước. Các nhà lập pháp Nga cho biết, ông Assad đã tuyên bố sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn ở Syria nếu cần thiết; đồng thời không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo này sẽ tái tranh cử, dập tắt hy vọng của phe đối lập.
Lần đầu tiên tham gia hội nghị quốc tế về hòa bình Syria, Iran, đồng minh chủ chốt của Tổng thống Assad, đã đề xuất tiến trình chuyển tiếp hòa bình ở Syria, nhằm tạo điều kiện thuận lời cho việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và toàn diện. Mặt khác, Iran cũng cho rằng ông Assad không thể ra đi do sức ép của các bên và hãy để người Syria tự định đoạt tương lai chính trị của họ.
Theo Staffan de Mistura, đặc phái viên của LHQ tại Syria, chỉ mới vài tuần trước khi cuộc thảo luận diễn ra, việc các bên đồng ý thảo luận tại Vienna thật khó tin. Song ông Mistura cũng lưu ý rằng, các bên còn nhiều việc cần làm và nhiều vấn đề cần thỏa hiệp.
Tính toán của các bên
Những gì đang diễn ra cho thấy Moscow sẽ đóng vai trò là một bên đối thoại chủ chốt trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về một giải pháp chính trị cho Syria. Tổng thống Assad đang ngày càng phụ thuộc vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, không chỉ về quân sự và chính trị mà cả sự an toàn cá nhân, như đã được chứng minh trong chuyến bay của nhà lãnh đạo Syria tới Moscow vừa qua. Sự phụ thuộc này làm tăng ảnh hưởng của ông Putin đối với ông Assad. Ở phía sau hậu trường, Nga đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng sẽ không gắn bó mãi với chính quyền Assad. Ý định của ông Putin là duy trì nhà nước Syria ổn định trong quá trình giảm dần vai trò của Tổng thống Assad trên chính trường Syria. Ngay sau khi tiếp đón ông Assad tại Moscow, Tổng thống Nga đã trao đổi với các nhà lãnh đạo của Jordan và một số nước vùng Vịnh về kết quả cuộc hội đàm. Điện Kremlin cũng hiểu rằng đối với Ảrập Xêút, Iran là kẻ thù chính nên bằng các bước tiếp cận từ từ.
Ưu tiên số một của các quốc gia vùng Vịnh vẫn là loại bỏ ông Assad và làm cho Iran suy yếu. Tuy nhiên, một kịch bản trong đó ông Assad chỉ nắm quyền trong một khoảng thời gian có hạn và Nga, chứ không phải Iran, đóng vai trò chính trong chi phối khu vực có thể sẽ là một thỏa hiệp mà Ảrập Xêút có thể chấp nhận.
Theo giới phân tích, khủng hoảng Syria có thể kéo dài đến khi các cường quốc trên thế giới xây dựng một chương trình làm việc chung sau năm 2020. Syria là một đích ngắm của cả phương Tây và Nga, bởi vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng. Một phương án B mà các bên có thể đang tính tới là lôi kéo Iran về phe mình, nhằm kiềm chế Syria. Giới nghiên cứu chính trị cho biết, không biết chừng sẽ có sự đánh đổi giữa phương Tây và Nga trên bàn cờ chiến lược để đạt được mục đích chung. Có vẻ như kịch bản cho Syria sẽ dài kỳ và chưa thể ngã ngũ.
II. SYRIA VÀ CUỘC ĐẤU MỸ – TRUNG
Mục tiêu chiến thuật, chiến lược của Nga ở Syria
Về mặt chiến thuật,Nga triển khai lực lượng là nhằm bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước sự chống đối của các lực lượng đối lập, chứ không phải chỉ chống IS.
Việc Nga triển khai quân và thiết bị quân sự tới Syria gần đây khá đa dạng, gồm cả vũ khí tấn công (xe tăng T90, xe chiến đấu bộ binh, lính thủy đánh bộ, pháo, máy bay ném bom Su-24, Su-25, Su-34, trực thăng Mi-24) và vũ khí phòng thủ (radar, hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay Su-30 và thiết bị phục vụ chiến tranh điện tử). Điều này cho thấy các mục tiêu chiến thuật, chiến lược khác nhau của Nga ở Syria trong tình hình hiện nay.
Theo báo chí Đức, về mặt chiến thuật, Nga triển khai lực lượng là nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước sự chống đối của các lực lượng đối lập, chứ không phải chỉ chống một mình tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).
Như vậy, mục tiêu chiến lược của Nga là bảo đảm duy trì một chính quyền Syria của người Alawite. Nga đang tiến tới mục tiêu này bằng cách thiết lập trên thực tế một khu vực cấm bay tại những khu vực trọng yếu ở phía Tây và Tây Bắc Syria hiện do chính quyền của ông Assad kiểm soát, nhằm phòng thủ trước liên quân do Mỹ dẫn đầu. Việc Nga triển khai hạm đội Biển Đen ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải cũng nhằm mục tiêu này khi tạo thêm một "vùng cấm" hoặc “vùng hạn chế tiếp cận” đối với quân đội của các nước liên quân từ hướng tiếp cận trên biển.
Về phương diện chính trị,Nga gắn hoạt động can thiệp quân sự ở Syria vào các nỗ lực để đưa Nga trở lại sân chơi quốc tế như một nhân tố trung tâm sau khi bị phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraine. Đồng thời, việc Nga xây dựng một liên minh với Syria, Iran và Iraq cũng nhằm thể hiện rằng liên minh do Nga dẫn đầu này hiệu quả hơn liên minh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời có tính chính danh cao hơn khi dựa trên sáng kiến của từng nước ở khu vực và kết nối với các đối tác địa phương nhiều hơn. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi ngày 9/10 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố tạm dừng chương trình huấn luyện và trang bị cho lực lượng nổi dậy Syria, vốn được triển khai từ tháng 12/2014, thay vào đó sẽ chỉ tập trung hỗ trợ cho các lực lượng đang chiến đấu chống IS. Sự khác biệt giữa Nga và Mỹ như vậy đã được thể hiện khi Nga liên kết và hợp tác được với các lực lượng quân sự trên bộ không chỉ ở Syria mà cả các nước láng giềng xung quanh Syria.
Các hoạt động triển khai quân và chiến đấu của Nga ở Syria đã và đang làm thay đổi mạnh cục diện cuộc chiến chống IS cũng như tương lai cuộc nội chiến ở Syria. Sự tác động của những thay đổi này đối với hiệu quả cuộc chiến chống IS sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp của Mỹ và Nga trong những tháng tới. Về góc độ chính trị, sự can thiệp quân sự của Nga đang làm thay đổi chính sách của phương Tây đối với Syria.
Trước đây, chủ trương của các nước phương Tây là ông Assad không đóng bất kỳ vai trò nào trong trật tự chính trị mới ở Syria. Tuy nhiên, hiện giờ phương Tây phải chấp nhận ông Assad là một đối tác đối thoại trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria. Ngoài ra, chiến lược nước đôi của Nga đã làm cho IS có cơ hội tái chiếm một số khu vực và điều này khiến cho phương Tây thấy không nên quá chú trọng vào Nga mà xao nhãng cuộc chiến chống IS. Như vậy, cộng đồng quốc tế sẽ vừa phải chú ý đến cuộc chiến chống IS, vừa phải tận dụng các cơ hội mà các thể chế đa phương như Liên hợp quốc (LHQ) có thể đem lại để đưa các bên xung đột ở Syria ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và xa hơn nữa là chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển tiếp chính trị.
Đối với Nga, một Syria thiếu ổn định như hiện nay và tình hình tương tự ở Iraq giúp Nga có điều kiện để theo đuổi một chính sách đối lập với phương Tây và duy trì vị thế của Nga như một nhân tố trung tâm có quyền phủ quyết và định hình tương lai khu vực Trung Cận Đông.
Mỹ vượt ranh giới đỏ
Với quyết định cử binh sĩ Mỹ (dù với số lượng ít ỏi) tới Syria, Tổng thống Barack Obama đã vượt quá ranh giới đỏ mà ông tự đặt ra khi trước đó luôn khẳng định bộ binh Mỹ sẽ đứng ngoài điểm nóng này tại Trung Đông. Thực tế, ông chủ Nhà Trắng không có nhiều lựa chọn khi tình hình tại đây đang xoay chuyển nhanh chóng cùng sự can dự của Nga và Iran.
Quyết định vượt rào: Các chuyên gia cho rằng, sự chuyển hướng này cho thấy, Tổng thống Obama đang dần vượt qua giới hạn trong chính sách với Trung Đông ở nhiệm kỳ thứ hai này, đó là không can dự quá sâu sau khi đã rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Thực tế, Mỹ đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại đây, nhưng phần lớn đều ở quy mô nhỏ vì cam kết với dân Mỹ sẽ không đẩy đất nước sa lầy vào một cuộc xung đột lớn và vô định. Mặt trái của chiến lược này là Mỹ không thu được hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, với việc cử tới Syria vỏn vẹn 50 lính, Mỹ đã “vượt rào” nhưng một cách “quá ít và quá muộn”. Triển khai lực lượng khiêm tốn như vậy sẽ không thể thay đổi đáng kể cục diện. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Brian Schatz thì cho rằng, đây là bước đi đầu tiên cho việc Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc nội chiến tại Syria tương tự như với trường hợp Iraq. Sau khi rút toàn bộ binh sĩ khỏi nước này năm 2001, Tổng thống Obama đã cử một nhóm nhỏ (vài trăm người) tới Iraq làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ lực lượng sở tại, và bây giờ con số đó là 3.300 người.
Mối lo ngại bị lu mờ: Quyết định trên song song với việc chấp thuận để Iran ngồi cùng bàn đàm phán hòa bình, đã phơi bày những toan tính thực dụng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong bối cảnh mới khi Washington bị đặt vào thế “không còn lựa chọn”. Cả hai động thái trên cho thấy Mỹ công nhận tình hình thực địa đã thay đổi cả trên mặt trận quân sự và ngoại giao, do đó cần có những cách tiếp cận mới. Việc chấp nhận Iran ngồi vào bàn đàm phán về Syria chứng tỏ Mỹ đã thừa nhận thực tế rằng cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ năm của Syria không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Iran. Trong bối cảnh những tháng gần đây Iran tăng cường can dự vào cuộc nội chiến Syria, chính quyền Obama dường như đã rút ra kết luận rằng sự hiện diện của Iran trong cuộc chiến Syria đã trở nên quá lớn, đến mức không thể gạt Iran ra khỏi nỗ lực ngoại giao được nữa.
Trong khi đó, giới phân tích dự báo rằng, với các chiến dịch mạnh mẽ, Nga có thể đạt được những mục tiêu quân sự cốt yếu của mình ở Syria. Can dự vào Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu mục đích rõ ràng là duy trì chế độ của Tổng thống Basha al-Assad thông qua tiêu diệt IS.
Với việc mời ông Assad tới Moscow mới đây, ông chủ Điện Kremlin đã cho thấy rõ rằng Nga đang giành thế chủ động tại Syria. Nhà lý luận quân sự thời đầu thế kỷ XIX Carl von Clausewitz đã có câu nói nổi tiếng: “chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác” và ông Putin rõ ràng muốn tìm cách biến chiến dịch quân sự của Nga thành một thành tựu chính trị. Có thể thấy rằng ông Putin đã đi một nước cờ cao tay, có thể kiềm chế, làm lung lay vai trò của Mỹ ở khu vực, và thời gian tới được xem là một trong những lực lượng chính trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông. Nếu muốn giành lại thế chủ động trong cuộc chơi, Mỹ cần phải xem xét mục tiêu của mình tại Syria và triển khai cố vấn quân sự là bước đi vượt rào đầu tiên.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ
Thông tấn xã Việt Nam và các báo)