I. TRUNG QUỐC Ồ ẠT QUÂN SỰ HÓA BIỂN ĐÔNG
Bắc Kinh đang thể hiện rõ mưu đồ từ chỗ trang bị vũ trang hạng nặng cho lực lượng tàu chấp pháp dân sự từ 5 năm trước thì nay chuyển sang thiết lập một lực lượng quân sự hùng hậu trên Biển Đông.
Vũ trang tàu chấp pháp
Đầu năm 2012, Học viện Nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật Bản (NIDS) đưa ra báo cáo “China Security Report 2011” đánh giá tiềm lực an ninh của Trung Quốc. Báo cáo trên chỉ ra rằng Trung Quốc triển khai khoảng 1.470 tàu chấp pháp cho các lực lượng chấp pháp gồm cảnh sát biển, hải giám, ngư chính… Phần lớn các tàu này hoạt động ở Biển Đông.
Nguy hiểm hơn, trong số đó, một số tàu có độ choán nước gần đạt mức 4.000 tấn, gần bằng các loại tàu chiến cỡ lớn, và trang bị vũ khí hạng nặng. Điển hình như tàu Ngư chính 310 (2.580 tấn) được gắn súng máy hạng nặng và có thể mang theo 2 trực thăng Z-9A, vốn cùng chủng loại với Z-9B là trực thăng tấn công đa nhiệm, trang bị nhiều hỏa lực cực mạnh.
Rồi đến tàu Ngư chính 311 với độ choán nước 4.450 tấn cũng sở hữu khả năng tác chiến tương tự Ngư chính 310. Trong năm 2012, trên diễn đàn mạng Trung Quốc, xuất hiện không ít hình ảnh được cho là chụp lại những tàu ngư chính có trang bị súng cỡ nòng lớn, như các tàu: Ngư chính 310, 311, 44601, 44602, 9102…
Bắc Kinh đã ra sức điều động số tàu được vũ trang trên tham gia các hoạt động “dân sự” gây rối Biển Đông. Cụ thể, vào tháng 6/2011, tàu Ngư chính 311 cùng tàu Ngư chính 303 đã yểm trợ tàu cá để ngang nhiên phá cáp tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đến tháng 7/2012, tàu Ngư chính 310 tham gia hộ tống 30 tàu cá Trung Quốc đi đánh bắt phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đẩy mạnh hoạt động quân sự
Cùng lúc với việc triển khai lực lượng tàu dân sự có vũ trang, Bắc Kinh còn bắt đầu nhiều chuẩn bị để tổ chức lực lượng quân sự trên Biển Đông.
Tháng 7/2012, Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ Bộ Tư lệnh Quân khu Quảng Châu (Trung Quốc) khi đó cho hay Quân ủy Trung ương nước này đã cho phép thành lập bộ chỉ huy quân đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, chịu trách nhiệm huy động các đơn vị quốc phòng, lực lượng dự bị và tiến hành các chiến dịch quân sự tại đây. Cơ quan chỉ huy này được đặt tại đảo Phú Lâm.
Từ tháng 9/2012 đến đầu năm 2013, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin hạm đội Nam Hải tập trận, trung bình 2 lần mỗi tháng. Dù không tiết lộ nhiều thông tin tập trận nhưng ai cũng biết hạm đội Nam Hải hoạt động tại khu vực Biển Đông.
Cụ thể hơn, đầu tháng 10/2012, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc tổ chức diễn tập trực chiến khẩn cấp tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 9/2012, báo chí Trung Quốc đưa tin nước này sẽ sử dụng máy bay không người lái tăng cường giám sát các vùng biển, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, đầu tháng 2/2013, Cổng thông tin điện tử chính phủ Trung Quốc xác nhận việc ngày 1/2/2013, đội tàu chiến Trung Quốc bắt đầu tiến vào Biển Đông để tập trận tại quần đảo Trường Sa.
Đội tàu chiến này thuộc hạm đội Bắc Hải, gồm 3 chiếc: tàu khu trục Thanh Đảo (thuộc lớp 052), tàu hộ tống Yên Đài (thuộc lớp 054A), tàu hộ tống Diêm Thành (thuộc lớp 054A). Việc Trung Quốc tập trận trên Thái Bình Dương không hề mới. Tuy nhiên, hạm đội Bắc Hải vốn hoạt động khu vực phía bắc, giáp giới trên biển với bán đảo Triều Tiên, lại chuyển sang tập trận tại Biển Đông, nơi hạm đội Nam Hải đảm trách.
Bên cạnh đó, tàu khu trục Thanh Đảo và tàu hộ tống Yên Đài là 2 trong số ít các chiến hạm Trung Quốc có kinh nghiệm hoạt động xa bờ. Chính vì thế, diễn biến khi ấy được xem như Bắc Kinh đang tập điều động các lực lượng viễn chinh đến tác chiến ở những vùng biển, mà cụ thể ở đây là quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam.
Rầm rộ triển khai khí tài
Suốt từ năm 2013 đến nay, các cơ quan quốc tế liên tục trưng ra nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự, song song cùng việc triển khai rầm rộ nhiều hoạt động quân sự trên các cấu trúc mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi xây dựng thêm nhiều đường băng trên đảo Phú Lâm, Bắc Kinh đã tổ chức cho chiến đấu cơ J-11 diễn tập tại đây từ năm ngoái. Đến ngày 24/2/2016, chiến đấu cơ J-11 và oanh tạc cơ JH-7 của Trung Quốc đã được triển khai tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước đó, từ đầu tháng 2, Bắc Kinh đã triển khai hệ thống tên lửa đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Bên cạnh đó, ngày 23/2, Chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố nhiều hình ảnh mới chụp từ vệ tinh về những công trình phi pháp của Trung Quốc tại 4 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Sẵn sàng thành lập ADIZ?
Trước các hoạt động quân sự của Trung Quốc, đại diện giới chức lẫn giới chuyên gia quốc tế đang rất quan ngại cho an toàn và hòa bình trên Biển Đông. Đặc biệt là thực tế Bắc Kinh gần như đã đủ hạ tầng để tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Ông Richard Javad Heydaria, Giáo sư khoa học chính trị – chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Salle (Philippines), nhận xét: “Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tên lửa đối không, chiến đấu cơ đến các cấu trúc tại quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh từng làm những điều tương tự trước đây. Tuy nhiên, nhịp độ và trình tự các diễn biến mới nhất lại rất đáng nói. Bằng cách thiết lập radar tối tân tại Trường Sa, nơi Trung Quốc cũng đã có một số đường băng dài, có thể xem như hoàn thiện bộ khung để thiết lập ADIZ”.
Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cũng đánh giá: “Quân đội Trung Quốc đang chứng tỏ khả năng triển khai ADIZ bất cứ khi nào họ muốn”.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đánh giá: “Có vẻ như cuối cùng Bắc Kinh có ý định tuyên bố ADIZ”.
Thực tế, HQ-9 là một hệ thống tên lửa đối không có tầm hoạt động đến 200 km, nên có thể đe dọa máy bay và tên lửa ở khoảng cách từ xa. Bên cạnh đó, các chiến đấu cơ J-11 có tầm bay đến 3.500 km nên khi mang theo vũ khí có thể đạt bán kính chiến đấu khoảng 1.600 km. Khi đồn trú trên đảo Phú Lâm, các chiến đấu cơ J-11 có thể hoạt động dễ dàng ở vùng trời kéo dài từ vịnh Bắc bộ đến khu vực vượt khỏi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
II. PHẢN ỨNG CỦA CÁC NƯỚC
Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các động thái quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa với tham vọng mở rộng khu vực gây ảnh hưởng trên Biển Đông sẽ dẫn đến khả năng các nước láng đoàn kết với nhau để cùng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
– Việt Namđã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước khác trên hai quần đảo này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều phi pháp và không có giá trị. Phản ứng trước những hành động leo thang trái phép của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Ông nêu rõ, bất chấp sự phản đối và quan ngại phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
– Mỹ và Philippinesngày 18/3 đã tuyên bố thỏa thuận cho phép Washington sử dụng 5 căn cứ của Manila, trong đó có căn cứ không quân Antonio Bautista ở đảo phía Palawan. Căn cứ này nằm gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
Thỏa thuận được đưa ra theo Hiệp ước Tăng cường Hợp tác Phòng thủ (EDCA) giữa hai nước. Mỹ muốn tăng cường năng lực quân sự ở các nước Đông Nam Á và tăng hiện diện trong khu vực này trước những hành động hiếu chiến của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Dù tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ cho biết sẽ tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này bằng cách điều tàu hải quân đi qua đây.
– Australia:Năm2015, Australia đã điều máy bay do thám P-3 Orion bay tuần tra hàng hải định kỳ để duy trì an ninh và ổn định khu vực ở Biển Đông. Sách trắng quốc phòng Australia công bố tháng 2/2016 cho biết, nước này tăng ngân sách lên gần 23 tỷ USD trong 10 năm tới, trong bối cảnh Trung Quốc tăng hoạt động ở các vùng biển mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tuyên bố sẽ tiếp tục đưa chiến hạm, máy bay tuần tra ở những khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
– Malaysia cũng tiếp tục kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng, hoạt động tự do trên biển và trên không cần được duy trì.
– Indonesiangày 21/3 đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta Xie Feng, nhằm phản đối vụ đụng độ giữa Indonesia và Trung Quốc trên Biển Đông, liên quan đến tàu cá của Trung Quốc đánh bắt trái phép trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc dùng lực lượng bán vũ trang can thiệp vào hoạt động kiểm ngư và thực thi pháp luật của Indonesia trong EEZ của Indonesia, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Trong các năm 2010 và 2013 từng xảy ra những vụ việc tương tự, khi các tàu hải cảnh Trung Quốc cản trợ lực lượng chức năng của Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna.
Dù không có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, nhưng Indonesia thường xuyên phản ứng quyết liệt trước yêu sách Đường chín đoạn đầy phi lý của Trung Quốc, bao trùm hầu khắp Biển Đông, trong đó có vùng biển giàu tài nguyên bao quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Giới phân tích cho rằng, phản ứng của Indonesia là phù hợp và đáng hoan nghênh, trong bối cảnh gần đây Trung Quốc liên tục có những hành động ngang ngược và trái phép nhằm mở rộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, gây mất ổn định và làm căng thẳng gia tăng trên vùng biển này.
– Nhật Bản:Đảng cầm quyền Nhật Bản ngày 16/3 đã kêu gọi chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe xem xét việc tìm đến trọng tài quốc tế để xử lý các hoạt động khoan dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Quan hệ Trung-Nhật lâu nay đã xấu đi đáng kể do các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn đối với các đảo không người ở tại biển Hoa Đông. Năm 2015, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng các giàn khoan thăm dò dầu và khí đốt ở vùng biển này.
Theo các chuyên gia, những động thái đẩy mạnh quân sự hóa của Trung Quốc cũng như cách mà các nước phản ứng cho thấy, Bắc Kinh đang “tự hại mình” vì đánh mất hình ảnh khi theo đuổi một chính sách hung hăng trong tranh chấp chủ quyền.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)