1. Diễn biến của hiện tượng El Nino 2015 – 2016:

“El Nino” là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt khu vực xích đạo và nhiệt đới Đông Thái Bình Dương (TBD) kéo dài khoảng 5, 6 tháng trở lên. Ngược với hiện tượng El Nino là hiện tượng La Nina khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, kéo dài với khoảng thời gian tương tự như hiện tượng El Nino. Người ta gọi chung cả hai hiện tượng El Nino và hiện tượng La Nina là ENSO.

Thông thường, nhiệt độ trung bình năm của lớp nước dưới bề mặt trên vùng biển nhiệt đới Đông TBD dao động trong khoảng 21 – 260C, trong khi đó, ở vùng biển phía Tây TBD nhiệt độ khoảng 28 – 290C. Ở Tây TBD và các vùng lân cận mưa nhiều, nhưng ở Đông TBD và các vùng bờ biển lân cận thuộc Nam Mỹ mưa ít.

Khi xảy ra hiện tượng El Nino, nhiệt độ bề mặt nước biển khu vực nhiệt đới Đông TBD đột ngột tăng lên mạnh mẽ, cao hơn bình thường 4 – 50C hoặc cao hơn nữa. Trong khi đó, khu vực nhiệt đới Tây TBD vốn được coi là “bể nóng” TBD, lại trở nên lạnh hơn so với bình thường và thời tiết ít mưa hơn so với bình thường.

Theo quan sát, từ tháng 9/2014, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng trung tâm xích đạo Thái Bình Dương đã cao hơn 0,50C so với trung bình nhiều năm (tiêu chuẩn El Nino), sau đó tiếp tục tăng và đạt đỉnh (+0,90C) vào tháng 12/2014 rồi giảm dần còn 0,50C vào tháng 3/2015. Đây là một đợt El Nino yếu và chỉ kéo dài 7 tháng (El Nino 2014 – 2015). Ngay sau đó, từ tháng 4/2015, nhiệt độ nước biển ở vùng này liên tục tăng nhanh, đến tháng 7/2015, nhiệt độ nước biển bề mặt ở đây đã cao hơn trung nhiều năm 1,50C, đạt mức El Nino mạnh. Trong các tháng tiếp theo, El Nino liên tục phát triển và đạt cực đại vào tháng 11/2015 khi nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng trung tâm xích đạo Thái Bình Dương cao hơn bình thường 3,20C, cao hơn nhiệt độ các tháng tương ứng trong đợt El Nino 1997 – 1998, là El Nino mạnh nhất trong thế kỷ XX. Vì vậy, có thể coi El Nino 2015 – 2016 là El Nino mạnh nhất kể từ năm 1950, khi bắt đầu có quan trắc hiện tượng này. Hiện nay, El Nino này đang trong giai đoạn suy thoái và theo dự báo có thể kết thúc vào cuối mùa xuân – đầu mùa hạ năm 2016.

2. El Nino 2015 – 2016 và dị thường thời tiết, khí hậu

– Trên thế giới

Do nhiệt độ nước biển ở vùng cực tăng nhanh hơn bao giờ hết trong 10 tháng qua nên băng tan và mực nước biển dâng nhanh hơn. Mùa đông 2014 – 2015, băng biển ở Bắc cực ít ở mức kỷ lục, trong khi băng ở Nam cực tan nhanh hơn.

Tháng 01/2016, trị số khí áp mặt đất ở trung tâm áp cao lục địa châu Á (Si-bê-ri, Liên bang Nga) đạt 1.079 mb, cao hơn trung bình nhiều năm 44 mb, làm nhiệt độ hạ thấp kỷ lục ở khu vực Đông Bắc châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo ra đợt lạnh nhất trong 30 năm qua ở Trung Quốc, khi nhiệt độ ở Hắc Long Giang xuống -570C, và ở Bắc Kinh -270C, ở các Bang miền Đông Hoa Kỳ, bão tuyết mạnh hoành hành với lớp phủ tuyết dày 50 – 60 cm, thiệt hại lên tới 2,5 tỷ USC tính đến 25/01/2016. Trái lại, mùa đông 2015 – 2016, ở vùng phía Tây và nửa phía Nam lục địa Hoa Kỳ, vùng A-lát-ca và phần lớn Ha-oai nóng hơn bình thường, ngược lại, phần lớn đồng bằng phía Nam và Đông Nam Hoa Kỳ lạnh hơn bình thường. Hạn hán xảy ra ở vùng Trung tâm và Nam Ca-li-pho-ni-a từ cuối tháng 01/2016. Ở miền Bắc Pê-ru, mưa cực lớn xảy ra vào đầu tháng 12/2015, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Ngay từ tháng 7/2015, Pê-ru đã ban bố tình hình khẩn cấp ở 14/25 bang và dành khoảng 70 triệu USD cho việc phòng chống mưa lũ mùa đông 2015 – 2016. Chính quyền địa phương đã cho nạo vét lòng sông, gia cố đê bằng đá và bao cát, củng cố đập của các hồ chứa. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 3/2016 cao hơn trung bình nhiều năm 1,70C, đạt mức cao nhất trong 100 năm qua. Ở Ấn Độ, gió mưa mùa hạ năm 2015 yếu hơn bình thường làm giảm 14% lượng mưa mùa hạ so với trung bình, trái lại lượng mưa mùa thu ở Đông Nam Ấn Độ tăng lên do nhiệt độ nước biển cao kỷ lục trong tháng 11 và 12, gây ra những trận mưa dữ dội liên tiếp trong 5 tuần, làm ngập chìm các vùng ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lan-ca.

– Ở Việt Nam

Hạ hán và xâm nhập mặn:Trong điều kiện El Nino kéo dài (hai đợt kế tiếp nhau, bắt đầu từ tháng 9/2014 đến nay (tháng 4 năm 2016) là 20 tháng), ảnh hưởng nặng nhất đối với nước ta là thiếu hụt lượng mưa và hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở nhiều vùng, trong đó nặng nề nhất là đồng bằng Sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ tháng 02/2015 đến 02/2016, lượng mưa trên khu vực Tây Nguyên bị thiếu hụt 40% so với trung bình nhiều năm. Hàng trăm hồ chứa ở Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30 – 40% dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với năm 2015, riêng ở Gia Lai các hồ chứa chỉ đạt 10 – 15%. Kiên Giang là tỉnh bị hạn và xâm nhập mặn nặng nhất. Riêng huyện Tịnh Biên có 2.115 ha bị hạn nặng. Tại tỉnh Ninh Thuận, hàng trăm nghìn người đã rời làng xuống đặt chòi canh tác nông nghiệp trong lòng hồ Sông Sắt, một hồ lớn nhất tỉnh với dung tích thiết kế 70 triệu m3. Hạn hán kéo dài khiến mực nước xuống thấp chỉ còn ¼, trơ ra những khoảng đất trống ẩm ướt có thể trồng tỉa cây ngắn ngày. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, thiếu nước sinh hoạt ở nhiều địa phương do nguồn nước cấp bị ô nhiễm nặng hoặc hết. Lượng nước tích trên 20 hồ chứa trong tỉnh chỉ còn 50 triệu m3 (khoảng 26% dung tích thiết kế). Tại Đăk Lăk, toàn tỉnh có 26.600 ha đất chịu ảnh hưởng của hạn hán. Với tiêu đề “Tây Nguyên oằn mình trong đại hạn lịch sử” VNExpress ngày 31/3/2016 cho biết, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 30 – 40% dung tích thiết kế (Đăk Lăk 250 hồ, Đăk Nông 17 hồ, Kon Tum 40 hồ, Gia Lai 05 hồ cạn nước).

Nắng nóng:Theo số liệu ghi chưa đầy đủ, cuối tháng 5/2015, Hà Nội đã ghi được nhiệt độ 40,50C, Nghệ An: 41,50C. Đợt nắng nóng từ 27/6/2015 đến đầu tháng 7/2015, 14 trạm khí tượng ở 10 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ trên 390C, như: Sơn Tây: 40,10C, Láng: 39,80C, Hà Đông: 39,10C, Nho Quan: 40,00C, Phủ Lý, Hưng Yên: 39,50C. Các tỉnh miền Trung, như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam cũng có 06 điểm ghi được nhiệt độ trên 390C.

Mưa lớn:Từ ngày 25/7 đến 04/82015, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp dịch chuyển từ Nam Trung Quốc đến các tỉnh miền núi phía Bắc, đã xảy ra một đợt mưa to đến rất to (lượng mưa trong 02 – 03 ngày đầu ở Quảng Ninh lên tới trên 1.000 mm) và kéo dài, gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều vùng trong tỉnh, làm trôi nhà cửa, thiệt hại ước tính 3.000 tỷ đồng. Tiếp theo Quảng Ninh là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang… đều có mưa to đến rất to. Tại Quảng Ninh, do có nhiều bãi thải chất đống cao hàng trăm mét bị sạt lở, trong đó bãi thải của mỏ than Mông Dương (Cẩm Phả) đổ sập xuống ngày 27/7/2015 làm 94 hộ dân ở khu 4, phường Mông Dương bị thiệt hại.

Rét đậm, rét hại:Đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 22/01/2016, gây ra đợt rét đậm, rét hại. Theo số liệu ban đầu, nhiệt độ thấp nhất ở nhiều nơi xuống dưới 00C: Ninh Bình (Cao Bằng): -6,00C, Mộc Châu (Sơn La): -5,60C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -50C, Bát Xát (Lào Cai): -5,00C, Sa Pa (Lào Cai): -4,20C, Sìn Hồ (Lai Châu): -2,60C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc): -0,10C. Nhiều nơi xảy ra băng giá và có mưa tuyết, như: Mẫu Sơn, Sa Pa, Cao Bằng, Hà Giang, Mường Nhé (Điện Biên), Pha Đin (Sơn La), Mường Lát (Thanh Hóa), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh), Ba Vì (Hà Nội), Kỳ Sơn (Nghệ An).

Nhiệt độ thấp nhất ở Hà Nội (Hà Đông) trong đợt rét này xuống 5,40C.

3. Tác động và ảnh hưởng

– Trên thế giới

Theo Madeline Rae (Mỹ), giá thực phẩm hàng ngày tăng vào cuối năm 2015 do thiếu nguồn cung cấp vì điều kiện El Nino. Các đợt El Nino làm gián đoạn hàng loạt sản xuất lương thực do các vùng nông nghiệp bị mưa quá nhiều hoặc thiếu mưa gây khô hạn diện rộng. Trong 3 tuần từ đầu tháng 9/2015, giá thực phẩm tăng 36%. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO), giá đường và lương thực toàn cầu tăng trong tháng 9/2015 là lần đầu tiên trong một năm rưỡi qua. Mặc dù, các vùng trồng lúa mì chủ yếu bị ảnh hưởng tiêu cực do mưa lớn hoặc hạn hán, những vùng khác lại có thể được hưởng lợi. Thu hoạch vụ lúa mì năm 2015 của Úc tăng hơn trung bình mặc dù bị khô hạn do ảnh hưởng của El Nino trong tháng 7 và tháng 9/2015. Ngày 12/01/2016, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, sản lượng lúa mì toàn cầu và cung ứng toàn cầu đều cao kỷ lục.

Mưa lớn và ngập lụt ở miền Nam Ấn Độ và Sri-lan-ca cuối năm 2015 làm 386 người chết, thiệt hại ít nhất 4,6 tỷ USD. Quý I, năm 2016, hạn hán và nắng nóng làm nhiệt độ ở miền Nam Ấn Độ lên trên 450C, làm hơn 100 người chết, mỗi người dân chỉ được cấp 3 lít nước/ ngày. Dự báo lượng mưa mùa mưa năm 2016 sẽ hụt khoảng 12%. Ở In-đô-nê-xi-a, hạn hán nặng nề và hậu quả cháy rừng và khói bụi mùa đông năm 2015 làm ảnh hưởng đến sức khỏe hàng nghìn người dân. Tổn thất lên tới 16,1 tỷ USD (bằng 1,8 GDP của cả nước), vượt qua con số kỷ lục 9,3 tỷ USD do cháy rừng trong đợt El Nino 1997- 1998 trong lịch sử thiên tai ở nước này.

 Ở Việt Nam

Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, tính đến tháng 3/2016, tình trạng thiếu hụt nguồn nước diễn ra diện rộng khiến hơn 25 nghìn ha cây công nghiệp và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng (tăng hơn 810 ha so với cùng kỳ năm trước), hàng nghìn ha lúa ở phía Tây tỉnh Gia Lai cháy khô, làm nguồn thức ăn cho trâu bò, hàng trăm nghìn ha cà phê queo quắt, thiệt hại ước tính 151 tỷ đồng. Toàn tỉnh có gần 15 nghìn hộ với 64 nghìn nhân khẩu thiếu đói, thiệt hại ước tính 151 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (tháng 4/2016) cho biết, năm 2015 ước tính thiệt hại làm 154 người chết, hơn 445 nghìn ha diện tích lúc, hoa màu bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng. Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến hơn 2 triệu người thiếu nước sinh hoạt, 1,75 triệu người mất sinh kế, hàng trăm nghìn người có nguy cơ mắc dịch bệnh.

4. Nguyên nhân hạn hán và xâm nhập mặn

– Nguyên nhân tự nhiên

Nguyên nhân trực tiếp gây ra hạn hán năm 2015 – 2016 ở nước ta là hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và thời gian kéo dài làm giảm số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam, giảm lượng mưa ở hầu hết các vùng trong cả nước, trong đó các vùng có lượng mưa thiếu hụt nhiều nhất so với trung bình nhiều năm là các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Số tháng hụt mưa liên tục trung bình 3 – 7 tháng/đợt, dài nhất 5 tháng đến 13 tháng/đợt (Nha Trang, Buôn Ma Thuột). Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cũng làm cho lượng mưa ở các vùng Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có các nước trong lưu vực sông Mê Công bị thiếu hụt, dẫn đến giảm lưu lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu với sự tăng lên của nhiệt độ làm cho hạn hán trở nên gay gắt hơn vì bản thân hiện tượng El Nino cũng trở nên mạnh hơn do tác động của biến đổi khí hậu; nước biển dâng làm xâm nhập mặn lấn sâu hơn vào đất liền.

– Nguyên nhân con người

Nhiều hoạt động của con người trực tiếp hoặc gián tiếp làm hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn. Việc bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng đầu nguồn không tốt, ở nhiều vùng rừng bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng làm cho lượng nước dự trữ trong đất bị cạn kiệt nhanh chóng ngay sau khi kết thúc mùa mưa, trong khi mặt đất bị xói mòn và những thiên tai như lũ quét, lũ ống ở miện núi lại xảy ra nhiều hơn. Các công trình trữ nước và điều tiết nguồn nước ở nhiều vùng còn thiếu hoặc chưa đáp ứng yêu cầu, mực nước của nhiều công trình hồ chứa bị giảm xuống mực nước chết, hoặc trơ đáy chỉ sau một vài tháng ít mưa. Công tác quản lý nguồn nước còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch sử dụng nước; việc khai thác sử dụng nước còn lãng phí.

Một nguyên nhân trực tiếp, quan trọng làm gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng ven biển nước ta là việc trữ nước trong các hồ thủy điện, cả trên dòng chính và trên các sông nhánh và việc khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn tăng lên rõ rệt trong suốt mùa khô vừa qua, cộng với việc chuyển nước sang các lưu vực khác, điển hình là từ lưu vực sông Mê Công sang các vùng khác, làm giảm nghiêm trọng lưu lượng dòng chảy đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long trong thời kỳ hạn hán đang diễn ra gay gắt.

5. Một số kinh nghiệm rút ra

(1)Hiện tượng El Nino và La Nina ảnh hưởng đến nước ta là rõ ràng, nổi bật và nói chung, có quy luật, thường làm xuất hiện những dị thường về thời tiết và khí hậu, gây ra những thiên tai nặng nề. Những ảnh hưởng chủ yếu là:

– Khi có hiện tượng El Nino:

+ Số lượng bão ảnh hưởng đến nước ta thường ít hơn trung bình nhiều năm, song có thể xuất hiện những cơn bão mạnh và rất mạnh.

+ Nhiệt độ cao hơn bình thường, nắng nóng xuất hiện phổ biến ở nhiều nơi làm nhiệt độ cao nhất có thể đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, trong các tháng mùa đông, có thể có những đợt không khí lạnh mạnh và rất mạnh, gây ra rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

+ Lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm, mức thâm hụt lượng mưa trung bình từ 25 đến 50%, hoặc hơn tùy vùng. Trong đó, thâm hụt nhiều nhất là khu vực Tây Nguyên, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, chủ yếu trong mùa Đông và đầu mùa hạ, có thể gây ra hạn hán nặng nề, kể cả trong thời kỳ El Nino đang suy yếu, làm tăng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển.

– Khi có hiện tượng La Nina:

+ Số bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta thường nhiều hơn trung bình nhiều năm và nhiều hơn rõ rệt so với trong điều kiện El Nino.

+ Nhiệt độ trung bình thấp hơn bình thường, song không loại trừ có nơi xuất hiện nhiệt độ tối cao đạt mức kỷ lục.

+ Lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm, nổi bật nhất là lượng mưa mùa thu ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là khi có sự kết hợp các hình thế thời tiết gây mưa lớn như dải hội tụ nhiệt đới, bão và áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh thâm nhập sâu, có thể gây ra những trận lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp.

(2)Hiện tượng El Nino và La Nina thường hình thành vào mùa xuân, nhưng trước đó vài tháng đã có thể có những dấu hiệu báo trước về xu hướng phát triển. Sau khi hình thành, El Nino hay La Nina sẽ phát triển và thường đạt đỉnh vào giữa mùa đông (tháng 12, 1), sau đó suy yếu dần và kết thúc vào mùa xuân năm sau. Tuy nhiên, không loại trừ có những đợt kéo dài hoặc ngắn hơn, nhưng ít nhất là 5 – 6 tháng. Cho đến nay, việc theo dõi và cảnh báo sự hình thành và diễn biến của hiện tượng El Nino và hiện tượng La Nina đã được các tổ chức nghiên cứu và dự báo thời tiết, khí hậu quốc tế và trong nước thực hiện thường xuyên, đưa ra những cảnh báo sớm và dự báo (mùa và năm) với mức chính xác cao. Vì vậy, các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp, nhất là các cơ quan quản lý nông nghiệp và phòng, chống thiên tai, cần theo dõi chạt chẽ, thường xuyên. Khi có thông tin cảnh báo và dự báo El Nino hay La Nina, cần chủ động chỉ đạo sớm và linh hoạt các phương án và kế hoạch ứng phó phù hợp với những tác động chung nêu trên, chi tiết, cụ thể đối với ngành và địa phương mình. Đối với kế hoạch sản xuất năm hoặc mùa, giải pháp chủ yếu là điều chỉnh.

(3)Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về hiện tượng El Nino, La Nina và những tác động của chúng đến kinh tế –  xã hội và đời sống người dân cần phải được tăng cường và thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, những thông tin cảnh báo, dự báo sớm về El Nino, La Nina thường ít được quan tâm, không chỉ người dân mà cả các cơ quan có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo sản xuất, phòng, chống thiên tai. Vì vậy, các cơ quan truyền thông cần phải thường xuyên, kịp thời truyền đạt các thông tin dự báo, cảnh báo về El Nino và La Nina cũng như những ảnh hưởng có thể của chúng ngay sau khi có các bản tin của các cơ quan dự báo thời tiết, chứ không chỉ vào cuộc mạnh mẽ khi những thiệt hại nghiêm trọng do tác động của hiện tượng El Nino, La Nina đã xảy ra.

(4)Cần thiết phải tăng cường nguồn nhân lực và tổ chức trong việc đánh giá tác động liên quan đến biến đổi khí hậu và quy hoạch quản lý thiên tai.

(5)Cần nâng cao không chỉ năng lực dự báo El Nino, La Nina mà cả dự tính những tác động có thể của chúng đối với kinh tế – xã hội và môi trường.

(6)Việc khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước của các lưu vực sông là vấn đề lâu dài, cần phải được quản lý thống nhất, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, khoa học, bảo đảm lợi ích chung và hài hòa giữa các địa phương trong lưu vực. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cần trở thành thói quen trong mọi hoạt động hàng ngày của mỗi người. Tương tự như vậy, đối với các sông chảy qua nhiều nước, sự hợp tác, chia sẻ quyền và lợi ích của các bên là rất cần thiết nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước vì lợi ích của tất cả các quốc gia trong lưu vực.

—————————————

 

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)