1. Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại

Nhìn chung 5 tháng qua, tốc độ tăng trưởng chậm hơn ghi nhận ở cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Nông nghiệp vẫn là ngành gặp khó khăn và chịu hệ lụy nặng nề nhất do thời tiết nắng nóng, các ao, đầm bị xâm nhập mặn nặng và bùng nổ ô nhiễm môi trường biển ven bờ, cùng với sự cạnh tranh gay gắt về thị trường tiêu thụ và áp lực nâng cao chất lượng hàng nông sản chế biến, cải thiện vệ sinh, an toàn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

 

Về tổng thể, nhiều mặt hàng nông sản trên cả nước ghi nhận mức giảm sản lượng 5 tháng qua so với cùng kỳ năm trước: Sản lượng lúa đông xuân phía bắc giảm 53,4 nghìn tấn, Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,1 triệu tấn. Diện tích gieo trồng ngô bằng 92,9%; khoai lang bằng 92,1%; lạc bằng 90,6%; đậu tương bằng 73,6%; đàn trâu giảm 1,5-2%; đàn bò tăng 1-1,5%; đàn lợn và đàn gia cầm cùng tăng khoảng 3-3,5%. Diện tích rừng trồng tập trung chỉ tăng 0,7%, trong khi sản lượng gỗ khai thác tăng 7,4% và diện tích rừng bị thiệt hại tăng gấp hai lần.

Sản lượng thủy sản ước tăng 1,8%; riêng tháng 5, sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm 0,8% (cá giảm 1,1%, trong đó cá tra giảm tới 10,2%; tôm giảm 2,5%, trong đó tôm sú và tôm thẻ chân trắng ước giảm 10,4%, ở Cà Mau tới 45% diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang); Sản lượng thủy sản khai thác tăng 1,3%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây.

Tuy vậy, đã có nhiều dấu hiệu tốt trong nông nghiệp, nhất là việc mở rộng áp dụng công nghệ sản xuất sạch và công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến, giúp hàng nông sản, nhất là hoa quả ngày càng có mặt rộng rãi trên thế giới, với lượng cầu và giá cả cao hơn, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (xuất khẩu rau quả trong 5 tháng qua đạt một tỷ USD, tăng 53,7% so cùng kỳ năm trước).

Cuối tháng 5, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu bác việc kiểm soát đối với cá da trơn Việt Nam, giúp nâng sức cạnh tranh hàng Việt trên vào Mỹ và các thị trường khác. Xu hướng tăng giá đường và gạo trên thế giới do nguồn cung giảm, tổng cầu tăng cũng giúp cải thiện giá cả có lợi cho người sản xuất.

Công nghiệp tháng 5 ước tăng 7,8%, tính chung 5 tháng chỉ tăng 7,5% (thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục cải thiện và số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1-5-2016 tăng hơn 6,1%.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 286,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 1.427,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,8%, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

2. Các cân đối thị trường-tài chính vĩ mô được duy trì

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến ngày 15/5 ước đạt 34,1% và tổng chi ước đạt 32,4% dự toán năm cho thấy nỗ lực của các cơ quan thu thuế và kiểm soát cân đối NSNN trong bối cảnh nợ công đã tới giới hạn cho phép, chi tiêu công phải hạn chế hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2015, tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 5 tháng qua tăng 1,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2015. Lạm phát cơ bản tháng 5/2016 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng tăng 1,78% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Hai điểm đáng chú ý là CPI có xu hướng tăng chủ yếu do tăng viện phí và giá xăng, dầu liên tiếp trong tháng 4 và 5; còn mức lạm phát cơ bản bình quân cao hơn mức CPI bình quân cho thấy áp lực lạm phát tiền tệ đang gia tăng, gắn với xu hướng nới lỏng và gia tăng quy mô dư nợ tín dụng, tăng tạm ứng NSNN và cho vay Kho bạc nhà nước, tăng công cụ thanh toán thời gian gần đây …

Chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 1,45% so với tháng trước, tăng 9,69% so với tháng 12/2015 và tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước là phù hợp xu hướng biến động, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng-giảm, cũng như thời điểm so sánh với mức giá thế giới. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5 giảm 0,1% so với tháng trước, giảm 0,89% so với tháng 12/2015, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2015 cho thấy thành công của chính sách tỷ giá trung tâm và cơ chế điều hành linh hoạt của NHNN thời gian qua.

Tuy nhiên, do lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, nên đang gia tăng xu hướng dòng tiền ngoại tệ từ các ngân hàng trong nước chảy ra gửi ở các ngân hàng nước ngoài. NHNN cần có nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mục tiêu quản lý ngoại hối trên cơ sở hài hòa lợi ích…

3. Xuất, nhập khẩu

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 ước tăng 1,74% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là động lực xuất khẩu và xuất siêu chính. Xuất khẩu dầu thô giảm 49,2% về kim ngạch và giảm 20,6% về lượng; sắn và sản phẩm của sắn tương ứng giảm 22,7% và giảm 10,1%; còn sắt thép giảm 10,2% về kim ngạch và tăng 21,9% về sản lượng. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 14,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu sang thị trường ASEAN và Nhật Bản đều giảm.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5 ước tăng 6,6% so với tháng trước và 5 tháng ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, nhờ khu vực FDI giảm nhập 1,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 19,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ ASEAN giảm 4,2%; từ Hoa Kỳ tăng 4,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 cả nước ước nhập siêu 400 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm xuất siêu 1,36 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,10 tỷ USD.

4. Du lịch quốc tế khởi sắc

Hiện Việt Nam đã ký hiệp định, thỏa thuận miễn visa song phương với 75 nước (trong đó 73 nước còn hiệu lực) và mới có chính sách miễn thị thực cho 22 nước, chủ yếu là cho du khách châu Á và châu Âu.

Kết quả việc mở rộng cánh cổng visa cho du lịch là khá ấn tượng. Khách quốc tế đến trong tháng 5/2016 ước tăng 30,2% và chung 5 tháng đạt hơn 4 triệu lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (đến bằng đường hàng không tăng tới 22,2%). Lượng khách tăng đều và mạnh nhất từ các nước mà Việt Nam có sự nới lỏng quy chế xuất-nhập cảnh, trong đó: Khách đến từ châu Á tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; từ châu Âu tăng 13,9% (từ Liên bang Nga tăng 23,3%; Pháp, tăng 13%; Vương quốc Anh tăng 24,4%; Đức tăng 17,6%; Hà Lan tăng 21,8%; Italia tăng 30,1%; Thụy Điển tăng 26,5%); từ châu Mỹ tăng 11,8% (từ Hoa Kỳ đạt tăng 14%); từ châu Úc tăng 3,6%. Tổng thu tăng thêm từ số lượng khách du lịch từ năm nước Tây Âu mà Việt Nam thí điểm miễn visa từ ngày 30/6/2015 đến 30/6/2016 ước đạt hơn gần 200 triệu USD.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam đứng thứ 16/184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Hệ thống cấp thị thực của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng 15/140 nước có chỉ số thông thoáng về thị thực.

Về tổng thể, sau chuỗi tháng giảm từ tháng 5/2014 đến tháng 7/2015, dòng du khách quốc tế đang có xu hướng tăng liên tục trở lại, như là kết quả đáng ghi nhận từ những nỗ lực toàn diện của bản thân ngành du lịch và các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có việc từng bước nới lỏng kiểm soát visa, tăng kết nối hàng không, nâng cấp năng lực và chất lượng hạ tầng và dịch vụ du lịch để thu hút khách du lịch và phát triển như một trung tâm trung chuyển trong khu vực.

Những nỗ lực này không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, mà còn góp phần tạo việc làm và các lợi ích xã hội cho cộng đồng, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, nâng cao mức tăng trưởng kinh tế – xã hội, cải thiện thu nhập và các khoản thu khác từ ngành công nghiệp không khói này, bảo đảm đến năm 2020, Việt Nam thu hút 10 đến 10,5 triệu lượt khách quốc tế, với tổng thu đạt 18 đến 19 tỷ USD.

5. Doanh nghiệp đăng ký thành lập và dừng hoạt động

Trong tháng 5, so với cùng kỳ năm trước, khu vực doanh nghiệp cả nước ghi nhận mức tăng số doanh nghiệp thành lập mới (28,1%) và số vốn đăng ký (tăng 78,1%), cũng như số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động (tăng 5,2%). Đồng thời, ghi nhận mức giảm về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 14,7%), cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động (giảm 28,1%).

Tính chung 5 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm trước, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 24,1%), tổng vốn đăng ký là 349,5 nghìn tỷ đồng (tăng 59,3%) và 655,9 nghìn tỷ đồng vốn bổ sung thêm. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 12.999 doanh nghiệp (tăng 75,6%). Số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động là 4.643 doanh nghiệp (tăng 19,5%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 28.582 doanh nghiệp (tăng 25,9%). Về tỷ lệ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại vẫn nhiều gần gấp đôi so với dừng hoặc tạm dừng hoạt động.

Khu vực FDI tiếp tục khởi sắc cả về dự án cấp mới, bổ sung và vốn thực hiện. Đến thời điểm ngày 20/5 so với cùng kỳ năm 2015, cả nước thu hút 907 dự án FDI mới (tăng 53,2%), tổng vốn đăng ký đạt 7,56 tỷ USD (tăng 155,9%); 425 lượt dự án tăng vốn đạt 2,592 tỷ USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới và bổ sung đạt 10,159 tỷ USD, tăng 136,4%. Tổng vốn thực hiện đạt 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2.888,4 triệu USD, chiếm 38,2% tổng vốn đăng ký cấp mới trong số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam.

Đặc biệt, lần đầu tiên sau khi mở rộng địa giới từ năm 2008 đến nay, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 1,86 tỷ USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới nhờ gia tăng dự án công nghệ cao.

6. Tăng áp lực về thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường và bảo đảm an sinh xã hội

Số hộ thiếu đói tăng 15,4% và nhân khẩu thiếu đói tăng 19% trong tháng 5 so cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng cả nước có 176 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 5,8%, tương ứng với 723,1 ngàn lượt nhân khẩu, tăng 6,3%. Đặc biệt, chính phủ đã bố trí hàng ngàn tỷ đồng và hàng ngàn tấn gạo cứu đói và hỗ trợ an sinh xã hội gắn với hậu quả cá biển chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Trên cả nước hiện còn hơn một triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 ngàn người so với quý 4/2015 và giảm 87,5 ngàn người so với cùng kỳ năm 2015. So với quý 4/2015, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giảm còn 1,95%; khu vực thành thị giảm còn 3,08% (so với 3,15% của quý 4/2015). Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nam và khu vực nông thôn tăng nhẹ lên tương ứng là 2,50% và 1,83%. Thanh niên ở lứa tuổi 15 đến 24 tuổi chiếm đến 50,4% tổng số người thất nghiệp.

Đặc biệt, tỷ lệ người có bằng cấp khá cao trong số người thất nghiệp, với 190,9 ngàn người có trình độ đại học trở lên; 118,9 ngàn người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp; 10 ngàn người có trình độ cao đẳng nghề; 60,2 ngàn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 17,5 ngàn người có trình độ trung cấp nghề; 32,3 ngàn người có trình độ sơ cấp nghề và 11,2 ngàn người có chứng chỉ nghề dưới ba tháng. Điều này cho thấy sự hạn chế về cơ cấu và chất lượng đào tạo nghề ở nước ta.

Thiên tai xảy ra trong 5 tháng đầu năm đã làm 14 người chết và 71 người bị thương, hàng trăm ngàn hộ thiếu nước sạch sinh hoạt gây thiệt hại về nhà và nông sản ước hàng chục ngàn tỷ đồng, nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)