Cùng quan điểm trên, Công ty dầu khí quốc gia của Ả-rập Xê-út (nước lãnh đạo không chính thức của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC) cũng cho rằng, giá dầu sẽ tăng vào đầu năm 2017, khi cung và cầu cân bằng dự tính vào cuối năm nay sau khi đã xuống đến mức thấp nhất vào những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016.
Cần nhấn mạnh rằng, xu hướng ổn định giá dầu ở mức 45 USD/thùng đang khá ổn định trong quý II/2016, tuy nhiên vẫn chưa đủ cứu các công ty sản xuất dầu mỏ khỏi phá sản.
Theo Hãng tin Reuters, tuần đầu tháng 1/2015, một công ty khai thác dầu mỏ đá phiến và khí đốt của Mỹ – WBH Energy – đã nộp đơn phá sản và trở thành doanh nghiệp dầu khí đá phiến đầu tiên của Mỹ phá sản.
Đến cuối năm 2015, có nguồn tin thông báo 2/3 trong số 1.500 giếng dầu của các công ty Mỹ dùng công nghệ khai thác khí đá phiến đã đóng cửa. Theo Công ty tư vấn Wood Mackenzie, kể từ khi giá dầu bắt đầu lao dốc từ mùa hè năm 2014 đến đầu năm 2016, các công ty dầu khí trên toàn cầu đã hủy hoặc hoãn số dự án tổng trị giá 380 tỷ USD.
Trong tháng 2/2016, theo Hãng tin CNBC dẫn báo cáo của Công ty tư vấn và kiểm toán Deloitte cho rằng, ngày càng có nhiều công ty dầu lửa đối mặt với rủi ro phá sản trong năm 2016 dưới sức ép nợ nần gia tăng, phải bán lại những tài sản quan trọng, cắt giảm cổ tức, sa thải thêm nhân công, và cắt giảm thêm kế hoạch đầu tư cơ bản, cơ cấu lại nợ; gần 35% số công ty dầu khí niêm yết trên thị trường chứng khoán trên khắp thế giới, vào khoảng 175 công ty, đang có mức nợ cao, khả năng trả lãi nợ cũng ngày càng xấu đi và có nguy cơ cao rơi vào cảnh phá sản trong năm 2016.
Trong đó, 50/175 công ty dầu lửa này thuộc thuộc nhóm “nguy cơ” do giá trị tài sản của các công ty này đã giảm xuống dưới mức nợ, hoặc tỷ lệ nợ của họ đã rơi vào vùng nguy hiểm.
Ngoài ra, khoảng 160 công ty dầu lửa khác cũng bị Deloitte cho là đang đối mặt với tình thế nguy hiểm. Đây là những công ty có mức vốn hóa nhỏ và những công ty có mức vốn hóa hơn 1 tỷ USD, có mức vay nợ ít hơn, nhưng dòng tiền bị của các công ty này đang bị cạn dần.
Ngày 4/3/2016, Công ty Baker Hughes công bố sô liệu cho thấy, số lượng giàn khoan ở Mỹ trong 1 tuần đã giảm 13 giàn, còn 489 giàn và là mức thấp nhất trong 6 năm gần đây.
Ngay trong tuần đầu tháng 5 này, tại Mỹ đã có thêm ba công ty khai thác dầu mỏ phải đệ đơn phá sản, vì gặp khó khăn thanh khoản gắn với cổ phiếu xuống giá và ngân hàng xiết chặt tín dụng.
Kể từ đầu năm 2015 đến nay, ở Bắc Mỹ đã có 130 công ty sản xuất dầu mỏ và khí đốt cùng một số công ty dịch vụ trong ngành nộp đơn xin phá sản với tổng nợ gần 44 tỷ USD, chưa kể hàng chục công ty khác cũng đang mấp mé bờ vực phá sản do gánh nặng nợ hàng chục tỷ USD (như Công ty Chaparral Energy Inc., Penn Virginia Corp. và Linn Energy LLC, Breitburn Energy Partners LP và SandRidge Enerfy Inc Bankruptcies…).
Có thể nói, với mức giá 45 USD/thùng sẽ tiếp tục khiến nhiều công ty dầu mở phá sản. Thực tế cho thấy, chỉ khi giá dầu tăng lên 50 USD/thùng, thậm chí phải ổn định từ 60 – 65 USD/thùng mới cho phép một sự thay đổi thực sự trong bức tranh lợi nhuận của ngành này.
Đặc biệt, thị trường dầu mỏ thực sự bình thường chỉ khi giá dầu không còn được sử dụng như một công cụ gây sức ép và thử thách sức bền vũng kinh tế, chính trị và ý chí của các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ; khi cân đối cung – cầu được thiết lập dựa trên hài hòa lợi ích và các tín hiệu cạnh tranh thị trường lành mạnh, chứ không bị méo mó như hiện nay.
Nói cách khác, triển vọng cuộc chiến giá dầu thế giới tùy thuộc sức chịu đựng của mỗi bên liên quan. Cuộc đấu giảm giá dầu hiện đang khiến hầu hết các đối thủ đều chịu thiệt hại nặng nề vì lợi nhuận giảm mạnh hoặc bán lỗ kéo dài, nên khó kéo dài. Nếu như chi phí khai thác dầu truyền thống có giá thành từ 20 – 70 USD/thùng; thì sản xuất dầu từ đá phiến có chi phí cao không kém, với điểm hòa vốn của sản xuất dầu fracking là 60 -100 USD/thùng.
Hầu như tất cả các công ty dầu lửa khác trên thế giới đều đang gặp khó ở giá dầu dưới mức 40 USD/thùng như hiện nay, bao gồm cả những công ty lớn như Exxon Mobil. Những công ty sở hữu công nghệ khai thác dầu đá phiến cũng là những người dễ tổn thương nhất. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu giảm xuống mức thấp như vừa qua đã khiến các nước thành viên OPEC thiệt hại khoảng 257 tỷ USD thu ngân sách trong năm 2015.
Làn sóng phá sản, cổ phần hóa và thu hẹp quy mô trong ngành dầu khí toàn cầu đang diễn ra cùng với xu hướng thu hẹp nguồn thu và tiết giảm chi NSNN gắn vói dầu mỏ. Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) mới trong ngành dầu khí thế giới cũng đang đậm dần. Bởi vậy, khả năng nguồn cung sẽ có sự điều chỉnh xuống điểm cân bằng lợi nhuận thông thường để đỡ thiệt hại cho các nước khai thác dầu thô như một động lực chung mạnh nhất giúp hạ nhiệt cuộc chiến giá dầu tới đây.
Nói cách khác, năm 2016, cuộc chiến giữa thế lực dầu mỏ OPEC và Nga, Mỹ cộng với phần còn lại của thế giới sẽ tiếp tục căng thẳng, nhưng xu hướng giảng hòa sẽ ngày càng đậm nét và là chủ đạo. Áp lực giảm giá dầu vẫn còn, nhưng sẽ yếu dần, trong khi áp lực tăng giá sẽ ngày càng mạnh lên. Đến nay, cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cùng dự báo nhu cầu dầu của thế giới tăng nhẹ trong năm 2016-2017.
Các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới đang bắt đầu đàm phán để đạt được ngưỡng giá dầu mới là 50 USD/thùng, với mong muốn tìm một điểm khởi đầu mới cho thị trường hàng hoá. Mức giá 50 USD/thùng dầu có thể đạt vào khoảng tháng 6 hoặc mùa thu năm 2016, bởi thị trường năng lượng đang có tiềm năng tăng trưởng, dù từng bị đánh giá thấp trước đó.
Một số dự báo giá dầu thô năm 2016 có thể nằm ở ngưỡng 50-60 USD/thùng trong nửa cuối năm 2016 hoặc thậm chí thấp hơn, khiến cho các dự án khai thác dầu đá phiến của các công ty dầu khí Mỹ bị chậm lại hoặc bị hủy bỏ. Sau đó, giá dầu có thể tăng lên mức 60-70 USD/thùng năm 2017. Giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức trung bình 70 USD/thùng và dầu WTI bình quân là 65 USD/thùng trong hai năm 2016 và 2017.
Cuộc chiến giá dầu sắp kết thúc, cơ hội và lợi ích cho các nước nhập khẩu dầu sẽ giảm dần; Một khi chi phí năng lượng và giá vận chuyển hàng hóa tăng sẽ kéo theo tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy cải cách hành chính, luật pháp; tăng áp lực tái cơ cấu sản xuất, tập trung vốn đầu tư vào các đề án đem lại lợi nhuận cao; thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự; cải tiến cơ chế quản lý điều hành; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học; cải tiến, phát minh công nghệ… Lợi ích kinh tế sẽ có tiếng nói riêng và quyết định hồi kết của cuộc chiến giá dầu thế giới như kinh nghiệm và thực tiễn thế giới lâu nay đã chứng tỏ.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)