1. OECD: Tăng trưởng toàn cầu sẽ yếu ớt
Báo cáo Triển vọng kinh tế năm 2016 vừa công bố ngày 1/6 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, tăng trưởng toàn cầu sẽ hầu như không ghi nhận sự hồi phục.
“Tăng trưởng dậm chân tại chỗ ở các nền kinh tế tiên tiến và chậm lại ở rất nhiều nền kinh tế mới nổi – vốn được xem là đầu máy tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Tăng trưởng năng suất cũng chậm lại và bất bình đẳng gia tăng càng đặt ra thêm các thách thức” – Tổng thư ký OECD Jose Angel Gurria phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng thường niên của Tổ chức này. Đồng thời ông cho rằng, “Một hành động chính sách toàn diện là rất cần thiết để thoát khỏi cung đường tăng trưởng đáng thất vọng hiện nay, đồng thời đảm bảo mức sống tốt hơn cho tất cả mọi người”.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Catherine L. Mann của OECD, nếu các nước không hành động thúc đẩy tăng năng suất và tiềm năng tăng trưởng thì cả thế hệ trẻ và già sẽ chịu tác động tiêu cực. “Hậu quả của việc không đưa ra chính sách nào là cơ hội việc làm cho giới trẻ sẽ ít đi trong khi thu nhập hưu trí cũng sẽ thấp hơn đối với người nghỉ hưu trong tương lai”.
Theo dự báo trong báo cáo vừa công bố, tăng trưởng toàn cầu năm 2016 chỉ ở khoảng 3%, gần như tương đương với mức tăng của 2015 và thấp hơn so với dự báo được OECD đưa ra vào tháng 11/2015. Kinh tế toàn cầu có thể hồi phục nhẹ, lên mức 3,3% vào năm 2017.
Đối với các nền kinh tế phát triển lớn, Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,8% năm nay và 2,2% năm 2017. Khu vực đồng tiền chung Euro sẽ tăng trưởng chậm hơn, dự báo ở mức 1,6% năm 2016 và 1,7% năm 2017.
Nhật Bản còn chậm hơn nữa, với khả năng chỉ tăng 0,7% năm 2016 và 0,4% năm 2017. Đối với các nền kinh tế mới nổi lớn, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,5% năm nay và 6,2% năm 2017; Ấn Độ tăng 7,5% cho cả năm nay và năm sau.
Trong khi đó, OECD dự báo kinh tế Nga và Brazil vẫn chìm trong suy thoái. Đáng chú ý, kinh tế Brazil được dự báo sẽ suy thoái tới – 4,3% trong năm 2016 trước khi có thể phục hồi nhưng vẫn ở mức suy thoái -1,7% năm 2017.
2. WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố ngày 7/6 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống chỉ còn 2,4% trong năm nay, thấp hơn 0,5% so với mức 2,9% đưa ra vào tháng 1/2016.
Tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển; giá hàng hóa nguyên liệu vẫn ở mức thấp; thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn thuyên giảm là những nguyên nhân chính khiến WB đưa ra mức dự báo giảm trên.
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB cho biết, “Mức tăng trưởng chậm này cho thấy các nước cần theo đuổi các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cho nhóm những người nghèo cùng cực. Tăng trưởng kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp thực hiện giảm nghèo và chính vì vậy nên chúng tôi rất quan ngại về tình trạng sụt giảm tăng trưởng mạnh tại các nước đang phát triển dựa vào xuất khẩu nguyên liệu do giá hàng hóa nguyên liệu thấp.”
Các thị trường mới nổi nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và các nước đang phát triển khác có khả năng đề kháng tốt hơn các nước xuất khẩu tuy rằng cũng cần nhiều thời gian thì các nước này mới có thể khai thác được lợi ích của xu thế giá năng lượng và giá các hàng hóa khác đi xuống. Dự báo các nền kinh tế này sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016, giảm nhẹ so với mức 5,9% năm 2015, nhờ vào giá năng lượng thấp và mức tăng trưởng nhẹ tại các nền kinh tế phát triển.
Trong các nền kinh tế mới nổi chính, Trung Quốc dự đoán sẽ tăng trưởng 6,7% năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn giữa mức 7,6%, còn Brazil và Nga dự kiến sẽ bị lún sâu hơn vào suy thoái so với mức dự báo hồi tháng 1/2016.
Tăng trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm xuống mức 6,3% trong năm 2016. Kết quả dự báo này dựa trên giả định sự suy giảm của Trung Quốc sẽ đi kèm với các tiến bộ về tái cơ cấu và các biện pháp kích thích chính sách hợp lý.
Tăng trưởng tại các nước còn lại trong khu vực dự tính sẽ được hỗ trợ bởi tăng cường đầu tư tại các nền kinh tế (Indonesia, Malaysia, Thái Lan) và tăng mạnh tiêu dùng bởi giá hàng hóa nguyên liệu thấp (Thái Lan, Philippines, Việt Nam). Riêng Việt Nam được sự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,2% năm 2016, tăng lên 6,3% trong các năm 2017 và 2018.
3. Châu Á sẽ vẫn giữ vai trò đầu tàu của kinh tế thế giới
Những năm gần đây, kinh tế thế giới trong đó có các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển chững lại đã khiến cho nhiều người đặt câu hỏi liệu các nền kinh tế châu Á có còn là đầu tàu của kinh tế thế giới?
Nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều quốc gia đã phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng của mình và tập trung các nỗ lực để ứng phó với sự suy giảm kinh tế. Có nhiều ý kiến cho rằng sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và các quốc gia cần phải có chiến lược phát triển phù hợp.
Tuy nhiên, ở khu vực châu Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức bình quân là 6,5% trong 5 năm qua và châu lục này vẫn cho thấy là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.
Nếu so sánh với các nước đang phát triển ở các khu vực khác trên thế giới với mức tăng bình quân là 3,4% và các nước công nghiệp phát triển tăng trưởng bình quân 1,6% trong cùng thời kỳ thì sự phát triển của các nền kinh tế châu Á vẫn ở mức cao, mặc dù mức tăng này đã giảm đi nhiều so với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,6% trong thập niên 2000.
Nguyên nhân của sự suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như khu vực được đánh giá là do nhu cầu giảm, ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu từ các nền kinh tế mở. Hơn nữa, sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc cũng đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ các loại nguyên, nhiên liệu của thế giới.
Một nghiên cứu mới đây của ADB cho thấy, năng suất lao động của khu vực đã giảm từ mức 7,4% trong vòng 7 năm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) xuống còn 7,1% trong vòng 7 năm sau khi xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, có một số điểm sáng mà chúng ta hy vọng các nền kinh tế châu Á vẫn sẽ giữ vai trò đầu tàu của kinh tế thế giới:
Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc vẫn trên đà suy giảm trong những năm tới nhưng mức độ sẽ giảm dần. Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để duy trì tăng trưởng, trong đó tích cực đầu tư, đổi mới lĩnh vực công nghiệp để bù đắp những tác động của sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động.
Đây thực sự là một trong những ưu tiên mới trong kế hoạch 5 năm (2016-2020) của Trung Quốc. Đồng thời chính phủ nước này cũng đang điều chỉnh tốc độ tăng trưởng từ việc phụ thuộc vào xuất khẩu sang kích thích tiêu dùng nội địa, đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ để tạo ra tăng trưởng bền vững hơn.
Thứ hai,nhiều nền kinh tế châu Á khác đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, được hưởng lợi từ những nỗ lực cải cách của các chính phủ và trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ được tạo ra chủ yếu từ các nền kinh tế này.
Ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á có nhiều nền kinh tế đã có mức tăng trưởng ấn tượng đó là Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Philippines. Ấn Độ là một ví dụ điển hình cho sự phát triển nhanh chóng, quốc gia này đã tích cực ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công nghệ thông tin.
Hiện nay Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy sản xuất và liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh các quốc gia trên, Indonesia cũng đang cố gắng thay đổi từ việc phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên sang ưu tiên tập trung cho sản xuất; các quốc gia khác như Campuchia, Lào, Myanmar với tốc độ tăng trưởng bình quân 7-8% mỗi năm cũng đang cố gắng để bắt kịp với các quốc gia khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thứ ba,khu vực châu Á đã có bài học kinh nghiệm xương máu từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1998 và đã có các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tác động rủi ro tài chính và tăng cường khả năng phục hồi khi bị tác động từ bên ngoài.
Chính phủ các quốc gia châu Á đang tích cực có các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sự giám sát đối với các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.
Sự hội nhập kinh tế khu vực ngày càng được đẩy mạnh, các thị trường kinh tế khu vực ngày càng được gắn kết với nhau qua sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng được đẩy mạnh.
Thứ tư,tại châu Á vẫn còn nhiều cơ hội, tiềm năng để có thể bắt kịp các nước tiên tiến. Trong năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia châu Á đạt 4.796 USD so với mức thu nhập bình quân đầu người của toàn thế giới là 10.139 USD và so với các nước thuộc khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 35.768 USD.
Hầu hết các nền kinh tế châu Á vẫn còn ở mức thu nhập thấp và trung bình thấp. Đáng chú ý, các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc (tính cả Hong Kong và Đài Loan) đã đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9% trong những năm 1960-1980 trước khi trở thành các nền kinh tế công nghiệp mới.
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đang nỗ lực cải cách thương mại và cơ chế đầu tư, tích cực ưu tiên quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính công, quy chế tài chính và quản trị khu vực công…
Những cải cách này sẽ tạo ra việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường khả năng ứng phó của nền kinh tế đối với những tác động tiêu cực từ bên ngoài và đặt nền móng cho lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển hiệu quả hơn nữa.
Nghiên cứu của ADB kết luận rằng với sự đổi mới mạnh mẽ của các quốc gia châu Á, tăng trưởng của các nền kinh tế ở khu vực sẽ có thêm bình quân 1 điểm phần trăm trong vòng 10 năm tới. Do đó, việc bi quan với tiềm năng tăng trưởng của kinh tế châu Á là không đúng. Với những cải cách và việc thực thi các chính sách có hiệu quả, khu vực này có thể và sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)