“Dòng chảy” thương mại đã sụt giảm đáng kể đối với những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt cũng như các lĩnh vực liên quan đã tạo ra hiệu ứng cấp số nhân đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng niềm tin cũng khiến các nhà đầu tư e dè, không vội vàng đưa ra các dự án đầu tư mới trong khi những dự án cũ tạm thời đóng băng. Theo các nhà phân tích, quan hệ xấu đi đã có tác động mạnh mẽ đối với các nền kinh tế của cả Nga và EU và nó sẽ để lại hậu quả trong một thời gian dài nữa.

Ước tính thiệt hại đối với kinh tế Nga và EU

Trong “cuộc chiến” trừng phạt này, nền kinh tế Nga được cho là chịu nhiều thiệt hại hơn. Điều này thể hiện qua các chỉ số kinh tế 2 năm qua.

Thiệt hại gây ra bởi các biện pháp trừng phạt về tài chính đã để lại những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Nga, làm giảm triển vọng về đầu tư và phát triển. Khoản tiền đầu tư cho xuất khẩu giờ chủ yếu chỉ để trả các khoản vay đã được gia hạn thêm.

 

  

 

Tính đến cuối năm 2015, nợ nước ngoài ròng của các ngân hàng Nga đã giảm 56,6 tỷ USD so với mức tăng 13,7 tỷ USD của năm 2013. Tổng số nợ nước ngoài của Nga giai đoạn 2014 – 2015 giảm hơn 200 tỷ USD (khoảng 30%). Nếu biết rằng, khoảng 90% các khoản vay nước ngoài của Nga là từ các tập đoàn lớn thì có thể thấy một sự suy giảm chưa từng có tiền lệ trong đầu tư của các tập đoàn lớn của Nga.

Ngành khai thác dầu của Nga cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu. Theo ước tính, sự sụt giảm đối với ngành sản xuất dầu và khí đốt ở Nga do các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ có thể lên đến 3-5%.

Việc đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga (cắt nguồn cung cấp hàng hóa và cấm hợp tác với các công ty của Nga trong lĩnh vực này) có thể khó đánh giá vào thời điểm này, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng chắc chắn nó sẽ khiến Nga mất đi nhiều cơ hội để hiện đại hóa nền kinh tế và làm chậm những nỗ lực để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Nga.

Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp trừng phạt chịu trách nhiệm khoảng 1/3 trong tổng số các nguyên nhân khiến kinh tế Nga suy thoái như hiện nay.

Về phía các nước EU, có thể đối với một số nền kinh tế lớn trong khối như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan… các biện pháp đáp trả từ Nga (chủ yếu đối với các sản phẩm nông nghiệp) ít bị tác động, nhưng đối với các nước vùng Baltic bị thiệt hại không nhỏ. Theo thống kê xuất khẩu năm 2015 của Estonia giảm 22% so với năm 2013, Latvia giảm 25% và Lithuania giảm 33%. Xuất khẩu của Phần Lan giảm 39% và Ba Lan giảm 2%. Các nước này đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế Nga cho các sản phẩm của họ.

EU gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng

Đại sứ từ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trong phiên họp ngày 21/6 rằng, sẽ kéo dài lệnh trừng phạt Nga cho đến ngày 31/1/2017. EU muốn có thêm thời gian để đánh giá xem liệu Nga đã tuân thủ các thỏa thuận hòa bình ký kết tại Minsk nhằm mang lại hòa bình cho khu vực miền đông Ukraine hay chưa.

Quyết định này vẫn cần sự chấp thuận của các bộ trưởng EU hoặc các nhà lãnh đạo đứng đầu để được thông qua. Tuy nhiên, bước đi này, phần lớn chỉ là hình thức và có thể được thực hiện vào đầu tuần tới tại một hội nghị thượng đỉnh của EU.

Các chuyên gia nhận định, động thái trên thể hiện sự chia rẽ giữa các nước châu Âu trong lập trường đối với Nga. Ý, Hy Lạp và Hungary đã đặt câu hỏi rằng có cần thiết để mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Nga. Thủ tướng Ý, Matteo Renzi, đã đến Nga và có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề một hội nghị kinh tế tại St Petersburg. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, cũng tham dự sự kiện trên – được biết đến là mini Davos của Nga cho biết ông hi vọng sẽ “xây dựng một cây cầu” (kết nối Nga và châu Âu).

Kỳ vọng cũng đang ngày càng gia tăng rằng lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ được dỡ bỏ vào năm 2017. Một số nhà ngoại giao tại Brussels suy đoán rằng, nếu Anh – một trong những tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ gia tăng trừng phạt Nga ra khỏi EU sẽ có thể thúc đẩy tiến trình dỡ bỏ lệnh cấm vận nhanh chóng hơn.

EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga từ tháng 7/2014 được cho là để phản đối sự liên quan của Nga trong xung đột tại Ukraine và những rào cản trong việc hợp tác điều tra vụ mất tích của máy bay MH 17 của hãng hàng không Malaysia khiến 298 người thiệt mạng. Các lệnh trừng phạt này nhằm vào các ngân hàng, các công ty năng lượng và các nhà sản xuất vũ khí của Nga và đã được thắt chặt hơn từ tháng 9/2014.

Trước đó, một lệnh trừng phạt quốc tế đối với các quan chức cấp cao của Nga liên quan việc nước này sáp nhập Crimea cũng đã được đưa ra tháng 3/2014.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)