Lo sợ phán quyết PCA, Trung Quốc dựng lên bản danh sách ủng hộ
Trung Quốc dựng lên một bản danh sách “hoành tráng” nhưng trên thực tế chỉ có 8 nước công khai tuyên bố ủng hộ yêu sách chủ quyền phi lý của họ và tẩy chay các thủ tục tố tụng của Tòa tại La Hay, Hà Lan.
Theo nghiên cứu riêng của The Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington, 8 nước nói trên bao gồm: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Và trên thực tế đã có 1 nước công khai quan điểm không ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài là Campuchia qua phát biểu của Thủ tướng Hun Sen ngày 20/6/2016. Trong khi đó, 5 nước có tên trong bản danh sách Trung Quốc vẽ lên đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có 2 nước là thành viên của Liên minh châu Âu.
Với một quốc gia từ lâu đã phản đối Mỹ “quốc tế hóa” tranh chấp trên Biển Đông, chiến dịch lôi kéo này chứng tỏ Bắc Kinh đang ngày càng lo lắng về khả năng họ sẽ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế nếu không chấp hành phán quyết của PCA.
Kết quả không như ý muốn của Trung Quốc sau khi công bố bản danh sách cũng cho thấy giới hạn trong sức mạnh mềm của Bắc Kinh. Họ đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối ngay cả từ những quốc gia đang rất cần sự hỗ trợ kinh tế.
Ngay từ khi Philippines đệ đơn lên PCA, Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận thẩm quyền của tòa án và sẽ không tuân thủ phán quyết của PCA. Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả G7 không ít lần lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của PCA.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường dư luận, có thể dựng lên một Vạn Lý Trường Thành tự cô lập chính họ.
Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang mong muốn thực hiện tư tưởng bá quyền trong khu vực đồng thời liên tục cho đăng tải các bài xã luận trên các phương tiện truyền thông tố cáo PCA và công khai cảm ơn hàng chục quốc gia mà họ nói là ủng hộ họ.
Chiến dịch truyền thông tồi của Trung Quốc
Bắc Kinh không công bố bản danh sách chính thức những nước ủng hộ họ. Bộ Ngoại giao nước này hồi tháng trước cho biết, bản danh sách gồm 40 cái tên nhưng phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy con số này lên 60.
Trung Quốc cũng cho biết, nhiều quốc gia Arab đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Bắc Kinh trong “Tuyên bố Doha” sau cuộc họp ở Qatar. Tuy vậy, thực hư bản tuyên bố này vẫn là một ẩn số khi cả phía Trung Quốc lẫn Qatar không thể cung cấp văn bản liên quan.
Nga, cường quốc duy nhất nằm trong danh sách của Trung Quốc nhất trí không nên quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông, nhưng chưa từng công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện.
Theo chuyên gia Greg Poling tại Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, Trung Quốc có vẻ như không mấy thành công trong chiến dịch lôi kéo quy mô lớn của mình. “Rốt cuộc, khả năng nghĩ ra được một kịch bản xoay trở và lôi kéo các nước khác tin vào chính nghĩa của Trung Quốc chỉ phản ánh cường độ sức ép mà nước này đang hứng chịu”.
Trung Quốc không thể đổi trắng thay đen
Sau khi bị “bẽ mặt” vì nhiều nước lên tiếng khẳng định không ủng hộ Bắc Kinh mà vẫn nằm trong danh sách, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này.
Tháng 4/2016, Ba Lan sửng sốt khi Ba Lan – một thành viên của EU “bỗng dưng” có tên trong danh sách ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngay sau đó, Ba Lan đã lên tiếng phản đối, giải thích rằng, tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra chưa được hai bên phê chuẩn sau một hội nghị giữa Ngoại trưởng hai nước.
Họ cũng nói rằng trong tuyên bố này, Ban Lan chỉ ủng hộ chính sách giải quyết tranh chấp “thông qua đối thoại và tham vấn”, không hề nhắc một chữ nào đến vụ kiện hay tòa trọng tài. “Tuyên bố đó không phản ánh chính xác quan điểm của Ba Lan về vấn đề Biển Đông. Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi, và phù hợp với chính sách tổng thể của EU”, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh.
Slovenia, một thành viên khác của EU cùng với Bosnia và Herzegovina cũng phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc cho rằng, họ ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện của Philippines ở PCA.
Nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên nhất chính là việc Trung Quốc không thể giành được sự ủng hộ của một số quốc gia nhỏ vốn nhận được lượng lớn viện trợ và đầu tư của Bắc Kinh. Tháng 4/2016, đảo quốc Fiji bác bỏ tuyên bố trên báo chí Trung Quốc rằng, nước này ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Và trong khi Trung Quốc tuyên bố đã đạt được sự “đồng thuận quan trọng” liên quan đến giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Lào, Campuchia và Brunei, các quan chức Lào và Brunei từ chối không bình luận thì người phát ngôn Chính phủ Campuchia tuyên bố rằng, nước này chưa đạt được thỏa thuận như vậy với Trung Quốc và “chúng tôi không thay đổi lập trường của mình”.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)