Khẳng định vị thế 

Ngày 31/12/2015, ASEAN đã chính thức thành lập một Cộng đồng chung với 3 trụ cột Chính trị – An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa – Xã hội (ASCC), thể hiện tinh thần đoàn kết vì mục tiêu xây dựng “một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng bền vững, tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung”. 

Sau khi hình thành Cộng đồng chung, trong năm 2016, ASEAN đã và đang tích cực triển khai “Tầm nhìn ASEAN 2025”, trong đó xác định và cụ thể hóa các ưu tiên theo từng giai đoạn, thiết lập các cơ chế giám sát nâng cao hiệu quả và tiến độ thực thi. Trong đó, về Kế hoạch tổng thể Chính trị – An ninh ASEAN 2025 đã có nhiều tiến triển tích cực với 140 trong tổng số 290 dòng hành động đang được triển khai, đạt tỷ lệ gần 50%, trong đó có nhiều dòng hành động thực chất. Trong trụ cột Kinh tế, ASEAN đã xây dựng các kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016 – 2025 ở hầu hết các kênh chuyên ngành như đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, giao thông vận tải, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, khoa học – công nghệ, nông – lâm nghiệp… Trong trụ cột Văn hóa – Xã hội, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng bản sắc ASEAN, Hiệp hội đã thông qua và triển khai các chiến lược hành động giai đoạn mới về lao động, giáo dục, môi trường, y tế, quản lý thiên tai;… 

Trong quan hệ đối ngoại, ASEAN đã thực thi chính sách đối ngoại rộng mở, tăng cường hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp xây dựng cho hợp tác chung ở khu vực, xử lý các thách thức đặt ra cũng như hỗ trợ ASEAN triển khai Tầm nhìn 2025, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc khu vực phù hợp với đặc thù và lợi ích khu vực, trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Bên cạnh đó, ASEAN không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước lớn trong khu vực và thế giới.

Mở rộng quan hệ đối ngoại

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 49 (AMM-49) tháng 7/2016 vừa qua và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) từ ngày 3 đến 6/8/2016, tiếp tục khẳng định uy tín và sứ mệnh đặc biệt của ASEAN trong việc tạo lập sân chơi và luật chơi chung cho các đối tác cả trong và ngoài khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị AEM 48 và các hội nghị liên quan, đã diễn ra các cuộc họp bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 30, Hội nghị liên Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM – AIA) lần thứ 19, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN với 10 đối tác; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 16 nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Mekong – Nhật Bản lần thứ 8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước CLMV lần thứ 8. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025). Lộ trình này đặt ra mục tiêu hướng tới một ASEAN hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn vào năm 2025, đồng thời bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao, phát triển kinh tế bền vững, đối phó tốt với các thách thức kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân ASEAN. Bởi vậy, trọng tâm hợp tác của năm 2016 là xây dựng nền tảng cho việc triển khai lộ trình một cách hiệu quả. 

Bên cạnh việc thông qua nhiều khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế nội khối, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng với các nước đối tác, như: Chuẩn bị tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc về hợp tác năng lực sản xuất; chuẩn bị ký kết văn kiện pháp lý về kết quả đàm phán dịch vụ và đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP); chuẩn bị rà soát tổng thể Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia, New Zealand (AANZFTA); thúc đẩy tiến trình rà soát Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ theo hướng tăng cường tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ASEAN xuất khẩu vào thị trường này, khởi động tiến trình đàm phán tự do hóa hơn về thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Hàn Quốc; thúc đẩy hoàn tất đàm phán RCEP và Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong; triển khai các sáng kiến hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực trong các khuôn khổ ASEAN+3 và Đông Á, nhất trí tổ chức đối thoại chính sách thường niên với Canada…. 

Trên cơ sở kết quả Hội nghị Cấp cao đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ tổ chức vào tháng 02 và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Nga tổ chức vào tháng 5/2016, ASEAN đã đối thoại và nhất trí triển khai các sáng kiến tăng cường kết nối ASEAN với các đối tác này, cụ thể như thiết lập các trung tâm kết nối Hoa Kỳ – ASEAN tại Singapore, Bangkok và Jakarta, xác lập các nguyên tắc hợp tác ASEAN – Hoa Kỳ về đầu tư quốc tế, về minh bạch và quản lý tốt; nghiên cứu thiết lập quan hệ Đối tác kinh tế ASEAN – Nga về kết nối. 

Thúc đẩy hiệu quả hợp tác

Trên cơ sở những nội dung đã được thông qua, ASEAN cùng từng nước đối tác nhất trí thúc đẩy hợp tác hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. 

– Trung Quốc: Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại, hợp tác kinh tế và thương mại giữa ASEAN – Trung Quốc trong 25 năm qua được ghi nhận khả quan. Mặc dù trước sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc vẫn giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với tổng giá trị trao đổi thương mại đạt 346,4 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng giá trị thương mại của ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào ASEAN trong năm 2015 đạt 8,2 tỷ USD, trở thành nguồn FDI lớn thứ 4 của ASEAN. Trao đổi thương mại hai chiều giữa hai bên tăng liên tục ở tốc độ trung bình là 18,5%/năm kể từ năm 1991 đến năm 2015. Đây chính là đà tăng trưởng trao đổi thương mại giữa hai bên trong những năm tiếp theo.

Nhật Bản là nguồn FDI đứng thứ 2 vào ASEAN. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đạt 239,4 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Trong khi, FDI của Nhật Bản trong năm 2015 vào ASEAN là 17,4 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng dòng vốn FDI của ASEAN trong năm. Hai bên đã hoàn tất các cuộc đàm phán về thương mại dịch vụ; cải thiện việc thực thi Hiệp định AJCEP; hướng tới đáp ứng các mục tiêu của Lộ trình hợp tác kinh tế chiến lược 10 năm ASEAN – Nhật Bản; tăng cường hợp tác trong các trụ cột hợp tác khác nhau trong lộ trình như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo thuận tiện cho thương mại, chuỗi cung cấp và kết nối…

Hàn Quốc: Trong năm 2015, hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Hàn Quốc được triển khai với các dự án được tài trợ theo khuôn khổ Quỹ hợp tác kinh tế ASEAN – Hàn Quốc (AKEC). Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN tăng lên 122,9 tỷ USD, chiếm 5,4% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác lớn thứ 5 của ASEAN. Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào ASEAN đạt 5,7 tỷ USD, là nguồn đầu tư FDI lớn thứ 5 của ASEAN. Nghị định thư thứ 3 sửa đổi đối với Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKTIGA) đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Thông qua việc đưa ra các cam kết mới về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại, cũng như các kế hoạch giảm thuế từng bước của các bên, Nghị định thư tạo thêm thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc, giúp hai bên đạt mục tiêu đã đề ra, đó là tăng trao đổi kim ngạch hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2020. 

– Nga: Là đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN, hiện kim ngạch trao đổi thương mại song phương ASEAN – Nga đạt 13,4 tỷ USD trong năm 2015, chiếm 0,6% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của ASEAN. Nhằm đưa quan hệ ASEAN – Nga hướng tới đối tác chiến lược vì lợi ích chung, hai bên định hướng tương lai về hợp tác kinh tế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, tài chính, thương mại điện tử, vận tải, năng lượng, nông nghiệp, kinh tế biển… Theo đó, hai bên thúc đẩy triển khai các hoạt động khác nhau, như: Chương trình hợp tác đầu tư và thương mại ASEAN – Nga sau năm 2015; Chương trình hợp tác an ninh lương thực và nông nghiệp ASEAN – Nga (2016 – 2020), Kế hoạch Hành động ASEAN – Nga về khoa học, công nghệ và đổi mới (2016 – 2020) và Kế hoạch Hợp tác năng lượng ASEAN – Nga (2016 – 2020). 

– Mỹ:Theo số liệu thống kê của ASEAN và Mỹ, kim ngạch trao đổi thương mại giữa ASEAN và Mỹ đã lên tới con số 212,8 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của ASEAN, trong khi thương mại dịch vụ giữa hai bên lên tới gần 40 tỷ USD. Năm 2015, FDI của Mỹ vào ASEAN đạt 12,2 tỷ USD, trở thành nguồn FDI lớn thứ 3 vào ASEAN. Hiện Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN với số vốn đầu tư FDI tích lũy lên tới 273,4 tỷ USD tính tới năm 2015. Thời gian qua, ASEAN và Mỹ đã đạt được những tiến triển trong việc thực hiện Kết nối ASEAN – Mỹ như một khung khổ chiến lược mới để điều phối việc tăng cường sự gắn kết giữa kinh tế Mỹ với ASEAN.

– Australia và New Zealand:Hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế ASEAN theo những cách khác nhau, Australia và New Zealand thông qua việc triển khai Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Australia và New Zealand và các chương trình hỗ trợ hợp tác kinh tế của Hiệp định. Hiện tổng giá trị trao đổi thương mại giữa ASEAN – Australia và New Zealand đạt 60,3 tỷ USD, chiếm 2,6% tổng giá trị thương mại của ASEAN. FDI từ Australia và New Zealand trong năm 2015 vào ASEAN đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 6,2% tổng vốn FDI vào ASEAN. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN trong năm 2015 với giá trị thương mại hai chiều đạt 51,8 tỷ USD. Năm 2015, FDI từ Australia vào ASEAN đạt 5,2 tỷ USD. Cũng trong năm 2016, tổng giá trị thương mại ASEAN – New Zealand đạt 8,5 tỷ USD và FDI của New Zealand vào ASEAN đạt 2,2 tỷ USD. Trên cơ sở đó, các bên nhất trí rà soát Tổng thể Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Australia và New Zealand để triển khai trong năm 2017.

– Ấn Độ:Trao đổi thương mại hai chiều ASEAN – Ấn Độ trong năm 2015 đạt 58,7 tỷ USD, chiếm khoảng 2,6% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN, đồng thời cũng là quốc gia đứng thứ 8 về FDI vào ASEAN trong năm 2015 với số vốn là 1,3 tỷ USD. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai Hiệp định Đầu tư và Hiệp định Thương mại dịch vụ nhằm nâng quan hệ ASEAN – Ấn Độ lên thành đối tác chiến lược; thúc đẩy việc rà soát lại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AITIG). 

– EU:Trong quan hệ kinh tế ASEAN – EU, Chương trình Công tác Đầu tư và Thương mại ASEAN – EU giai đoạn 2015 – 2016 được xúc tiến. Hai bên tiếp tục xem xét tính khả thi đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – EU, sớm khởi động đàm phán Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN – EU. Tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Bangkok (tháng 10/2016), hai bên dự kiến thông qua hai văn kiện, gồm Tuyên bố chính trị và Lộ trình nhằm tạo động lực hiện thực hóa Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – EU. 

Như vậy có thể thấy, hành trình phát triển trải qua không ít biến cố, thăng trầm, giờ đây, Cộng đồng ASEAN đang dần khẳng định vị thế, được các nước đối tác ghi nhận là thành quả phấn đấu không mệt mỏi của Hiệp hội; đồng thời đây sẽ là nền tảng, định hướng và khuôn khổ cho ASEAN vững tin bước vào giai đoạn mới – giai đoạn củng cố vững mạnh Cộng đồng hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn trong khu vực và trên toàn cầu.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)