Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi quá đột ngột giữa lúc chiến trường miền Nam rộn ràng tin vui chiến thắng nhưng cuộc chiến đấu còn vô cùng cam go, ác liệt. Niềm tiếc thương ông đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở tiền tuyến lúc bấy giờ. Tấm hình chân dung của ông được cán bộ, chiến sĩ gửi cho nhau, đến cả những vùng địch còn tạm chiếm.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Học hết lớp nhất tiểu học thì đi làm thuê đỡ đần cho gia đình và nhiều lần tham gia những cuộc đình công. Được sự dẫn dắt của các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, đồng chí đã sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng và được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 24 tuổi đã là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên. Những lần bị địch bắt giam cầm tại các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, đồng chí đã thể hiện chí khí chiến đấu, tuyệt thực, đấu tranh chống đánh đập tù nhân, có lần vượt ngục trở về hoạt động.
Tại hội nghị Tân Trào giữa tháng 8-1945, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương và chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Đây là lần đầu tiên đồng chí được gặp Bác Hồ và được đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Sau hội nghị, Tổng khởi nghĩa bùng nổ, rồi toàn quốc kháng chiến, ở chiến trường Bình – Trị – Thiên khói lửa, nhiều cơ sở bị mất, ông đã dựa vào dân, gầy dựng lại và tổ chức lực lượng đánh địch. đồng chí khẳng định: “Mất đất chưa phải mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân, chúng ta nhất định thắng”.
Đầu năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được điều động ra Việt Bắc phụ trách Ban Tuyên huấn, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. đồng chí chăm lo xây dựng nền tảng chính trị, công tác Đảng, công tác tư tưởng, truyền cảm hứng và khơi dậy tinh thần phấn chấn cho các chiến sĩ. Tại Đại hội II, năm 1951, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1959 được phong quân hàm Đại tướng. Thời gian trong quân đội không dài nhưng đồng chí đã có công rèn cán, chỉnh quân, đã xây dựng kế hoạch quân sự 5 năm với tầm nhìn chiến lược. Những chỉ đạo, bài nói, bài viết và những tác phẩm của đồng chí với nhiều nội dung như chống chủ nghĩa cá nhân, công tác tư tưởng trong Quân đội, xây dựng đời sống văn hóa… thể hiện quan điểm đúng đắn, tư duy sắc sảo, tâm hồn và cốt cách của một nhà lãnh đạo tầm cỡ.
Trên lĩnh vực kinh tế, với nhiệm vụ Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương từ năm 1960 – 1964, đồng chí đã sâu sát cơ sở, lắng nghe dân, kết hợp với ý kiến của các nhà khoa học, xác định phương hướng mở rộng sản xuất, phá “xiềng ba sào”, tạo khí thế thi đua sản xuất, tăng năng suất trong nông nghiệp cùng với xây dựng đời sống văn hóa và con người mới ở nông thôn. Từ việc nghiên cứu hợp tác xã Đại Phong ở Lệ Thủy (Quảng Bình), rồi Thái Bạt (Sơn Tây) và nhiều địa phương, đồng chí đã tổng kết thực tiễn, nhân rộng điển hình, tạo nên “luồng gió mới” trên đồng ruộng của hậu phương lớn miền Bắc.
Vào giữa năm 1964, ở vào thời điểm bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được điều động vào chiến trường miền Nam, làm nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Vì hòa bình mà đánh, dám đánh và quyết thắng Mỹ – là tư tưởng, là quyết tâm luôn được đồng chí Nguyễn Chí Thanh nung nấu. Khi nghiên cứu chiến trường, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho rằng: Đế quốc Mỹ giàu nhưng không mạnh, phải biết khai thác điểm yếu và phải có cách đánh phù hợp, cứ đánh rồi sẽ biết cách đánh. Đồng chí cũng đã phát hiện sớm việc Mỹ chuyển hướng chiến lược để có sự chủ động về chiến lược.
Từ sự sáng tạo của chiến sĩ, nhân dân, đồng chí đã nêu khẩu hiệu “bám thắt lưng địch mà đánh”, cùng với xây dựng các “vành đai diệt Mỹ”, tạo thế trận để tiến lên giành thắng lợi. Với những trận Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… nhất là những trận đánh giáp lá cà, đã làm cho tinh thần lính Mỹ suy sụp thảm hại. Thành công nổi bật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là trong thời gian ngắn đã phát động được phong trào chiến tranh nhân dân, đánh địch cả hai chân, ba mũi, ba vùng, quan tâm xây dựng ba thứ quân, đặc biệt là quân chủ lực hùng hậu để có quả đấm mạnh, giáng vào quân viễn chinh Mỹ trong các chiến dịch mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, buộc quân Mỹ lui vào thế phòng ngự bị động.
Giữa năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ và Bộ Chính trị triệu tập ra miền Bắc báo cáo tình hình miền Nam. Trước khi trở lại chiến trường, trái tim Đại tướng đã ngừng đập sau cơn đau đột ngột, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Với 53 tuổi đời, hơn 33 năm hoạt động, những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho hai cuộc kháng chiến, trên các lĩnh vực, là hết sức to lớn và vô cùng quý giá.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn sắc sảo, biết phát hiện nhân tố mới, giỏi phát động phong trào, trên nhiều lĩnh vực đã để lại dấu ấn như: trong quân đội có “cờ ba nhất”, trong giáo dục có “trống Bắc Lý”, trong công nghiệp có “sóng Duyên Hải”, trong nông nghiệp có “gió Đại Phong”… Hình ảnh đồng chí xắn quần lội ruộng cấy lúa, đấu võ với chiến sĩ, được chiến sĩ công kênh…, cùng những bài viết với bút danh Trường Sơn, Người quan sát… còn đọng lại trong nỗi nhớ của người dân.
Là một nhà chính trị, quân sự, cái hay của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là nhận diện kẻ thù và tìm ra phương cách tấn công hiệu quả. Hơn tất cả là lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên trên, lên trước. Hơn tất cả là sự trung thành, tận tụy, vững vàng trước mọi thử thách, hiểm nguy, là sự xả thân vô điều kiện… Đồng chí Phạm Văn Đồng ví ông như “một con đại bàng bay trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà lãnh đạo có sức hấp dẫn bởi tầm vóc và tấm gương sáng trong như ngọc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân với tinh thần “Ở đâu nghèo đói, gọi xung phong…/ Ở đâu tiền tuyến, kêu Anh đến”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người luôn thể hiện phong cách dân chủ, ủng hộ cái mới, thúc đẩy phát triển, quan tâm học tập lý luận, sâu sát với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Vợ và các con của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phấn đấu theo tấm gương ông. Sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất, gia đình đã trả lại ngôi nhà cho Bộ Quốc phòng để dùng vào việc chung.
Nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhớ về một vị tướng tài, một nhân cách cao đẹp, trọn vẹn một đời vì nước, vì dân của thời đại Hồ Chí Minh; một vị tướng của trận mạc đi qua mặt trận Bình – Trị – Thiên khói lửa, về với tuyến đầu đánh Mỹ ở miền Nam và là người góp công tạo nên những đổi thay trên đồng ruộng Việt Nam…
Chúng ta tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với tất cả niềm tự hào, lòng kính trọng về một con người đậm chất nhân văn, trí tuệ, anh hùng.