Chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và bước đầu có hiệu quả

 

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã có không ít quan chức nhà nước, quan chức các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), từ sản xuất kinh doanh đến tài chính ngân hàng… lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ. Đặc biệt, trong số đó có cả cán bộ cấp cao ở trung ương nắm giữ những vị trí quan trọng của nền kinh tế của đất nước. Những người này, họ “chạy chọt, luồn lách, leo cao, chui sâu” vào bộ máy nhà nước, dùng quyền lực tham ô tham nhũng, với số tiền lớn trong thời gian dài. Các cơ quan chức năng đã phát hiện những vụ việc tham nhũng này, hạn chế được thiệt hại về vật chất, tiền của nhà nước, lấy lại niềm tin của người dân. Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có “vùng cấm”.

 

Tại phiên họp thứ 12, báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Sáu tháng đầu năm, công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng (PCTN) có những chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu hơn, đồng bộ hơn… Công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực đã trở thành phong trào, bài bản hơn… huy động được sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc.

 

 

Những kết quả ấy thể hiện sự vào cuộc của toàn xã hội và các cơ quan chức năng, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) là cơ quan tham mưu giúp cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tích cực hoạt động theo đúng chức năng. Từ Đại hội XII của Đảng đến nay, UBKTTƯ đã tiến hành tới 16 kỳ họp. Sau các kỳ họp có thông cáo báo chí kịp thời, rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và nhân dân. Đây là quá trình dân chủ, công khai, minh bạch, là bước tiến, đổi mới quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng và hoạt động của UBKTTƯ. Mỗi một kết luận của UBKTTƯ phát đi đã tạo sức hút và hiệu ứng lớn đối với toàn xã hội, người dân phần nào được giải tỏa những bức xúc bấy lâu về những việc “ngang tai trái mắt”, trước những việc “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “bổ nhiệm nợ tiêu chuẩn”, những “biệt phủ”, “quan tham” cuộc sống xa hoa, lợi ích nhóm, rút ruột ngân sách Nhà nước…

 

Niềm tin và kỳ vọng càng được nhân lên khi Kỳ họp thứ 16 vừa qua, UBKTTƯ đã phát đi thông cáo về những vi phạm của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 – 2016; Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số cá nhân; Xem xét, thi hành kỷ luật Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Hay việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú; đại gia ngân hàng Trầm Bê bị bắt và mới đây nhất, Đảng ủy Khối Dân-Chính-Đảng (Thành ủy thành phố Cần Thơ) đã ký quyết định khai trừ Đảng đối với 7 cựu Thanh tra giao thông về hành vi nhận hối lộ với số tiền khoảng 4 tỷ đồng… Đã có không ít cán bộ tha hóa biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị vạch mặt, chỉ tên; nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý hoặc đang đứng dưới “thanh bảo kiếm” của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 

Có thể nói việc xử kỷ luật một số cán bộ cấp cao đương chức và các cán bộ khác là minh chứng cụ thể cho quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý các vụ tham nhũng, được khẳng định rõ trong các nghị quyết của Đảng. Tinh thần thượng tôn pháp luật cũng được nêu cao trong quá trình làm việc của UBKTTƯ, khẳng định nguyên tắc: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

 

Nhân lên hiệu quả: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”

 

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thống nhất 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2017. Theo đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác PCTN, nhất là ở địa phương, cơ sở; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại 09 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm…; hoàn thành xét xử sơ thẩm 02/06 vụ án… nhất là các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh…; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc nêu trong Kết luận thanh tra dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ, dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Dung Quất…; kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền và vai trò của báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí để đưa tin đúng, chính xác, không được làm méo mó sự việc.

 

Những nhiệm vụ trên thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong cuộc đấu tranh PCTN với quan điểm không có “vùng cấm”, tinh thần kiên quyết không ngại khó, ngại khổ, không né tránh, không ngại va chạm với tinh thần tiến công, đây là phong trào, là xu thế không thể đảo ngược; cả xã hội vào cuộc, không ai đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng, đây chính là cuộc chiến chống giặc “nội xâm”. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN: “Tôi cảm thấy kinh nghiệm đầu tiên là 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đà của năm 2016 sau Đại hội. Đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản. Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” .

 

 

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, sắp tới, công tác đấu tranh PCTN phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào.

 

Từ kết quả đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian vừa qua, và những nhiệm vụ trong thời gian tới, chúng ta càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự quản lý của Nhà nước. Đây chính là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới.

 

 (Nguồn Trung tâm thông tin công tác tư tưởng Thành phố)