Chưa từng có tiền lệ trong lịch sử
Sau những thất bại thảm hại trong Mậu Thân 1968, Đường 9 – Nam Lào năm 1971;  đặc biệt là sau cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân Việt Nam trên chiến trường miền Nam, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. 
Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã quyết định phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai nhằm tàn phá hậu phương lớn miền Bắc mà đỉnh cao của nó là mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân đánh phá thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu chiến lược khác trên miền Bắc. Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 30-12-1972) Mỹ đã huy động 663 lần/chiếc B.52 (chiếm 50% tổng số B.52 hiện có) và 3.920 lần/chiếc máy bay chiến thuật cho bước phiêu lưu quân sự này. 
Với lực lượng hùng hậu và phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại, bằng phương thức đánh phá tàn bạo mang tính hủy diệt trên diện rộng, Nhà Trắng hy vọng chỉ sau vài ba ngày vùi dập là không quân Mỹ sẽ nhanh chóng hủy diệt và khuất phục được Hà Nội. Đó sẽ là đòn “cân não” buộc Hà Nội phải nhượng bộ đáp ứng những yêu cầu của Mỹ; trấn an được chính quyền Sài Gòn – một đồng minh vốn đang bị xem là bị Mỹ bỏ rơi; Mỹ sẽ ra đi trong danh dự và nắm thế thượng phong ở bàn đàm phán Paris. 
Tuy nhiên, những tính toán và nỗ lực quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ cuối cùng đã bị chôn vùi bởi một thế trận phòng không nhân dân vững chắc của quân và dân miền Bắc Việt Nam; cả mục tiêu chính trị và quân sự đề ra cho cuộc tập kích này đều không đạt được, 17,6% số máy bay chiến lược của Mỹ bị bắn hạ (trong khi tổn thất cho phép cao nhất chỉ là 3%).
Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ảnh 1
Phi công trước giờ xuất kích trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vào năm 1972
 
Sau này, trong hồi ký của mình, chính cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã phải thừa nhận rằng chính thất bại về quân sự, tổn thất quá lớn về “siêu pháo đài bay B.52” đã buộc Tổng thống Nixon phải ra lệnh ngừng cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12-1972. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đương đầu với một cuộc tập kích chiến lược chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thực sự là một thử thách lớn đối với quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân thủ đô Hà Nội, Hải Phòng nói riêng. Trong khói lửa của cuộc đọ sức quyết liệt đó, tiềm năng và sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc đã thể hiện nổi bật.
Chủ động và sáng tạo tuyệt vời
Thắng lợi của 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị phòng tránh, đánh trả một cách tích cực và chủ động của quân và dân miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc đọ sức với không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Việt Nam đã không bị bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch lẫn chiến thuật của đối phương. 
Ngay từ năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình quốc tế và bản chất của chủ nghĩa đế quốc, đã cảnh báo rằng, sớm muộn gì thì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội, trước khi chúng chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. 
Trước đó, vào năm 1965, khi đế quốc Mỹ đưa B.52 vào tham chiến ở chiến trường miền Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ đội Phòng không-Không quân đã bắt tay nghiên cứu cách đối phó với đối tượng tác chiến mới này. Một số đơn vị được tung vào tuyến lửa Khu 4 vừa để chiến đấu bảo vệ địa bàn, đồng thời đúc rút kinh nghiệm đánh B.52… 
Một bản Kế hoạch đánh B.52 được Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân gấp rút xây dựng từ đầu năm 1969 và liên tục được bổ sung cho đến tháng 9-1972 thì hoàn chỉnh. Tháng 10-1972, khi mà bản dự thảo cho một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bị chính quyền Nixon lật lọng, Bộ Chính trị đã khẳng định: Mỹ đang cố giành một thắng lợi quân sự để kết thúc chiến tranh trên thế mạnh. Tuyệt đối không lơ là mất cảnh giác. Miền Bắc phải tiếp tục đánh bại chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ ở “mức độ cao hơn”. Quán triệt tinh thần đó, quân và dân thủ đô đã chủ động bước vào cuộc đọ sức với “siêu pháo đài bay B.52” của Mỹ với sự bình tĩnh và tự tin, với một quyết tâm và sự thống nhất cao độ. 
Trong những ngày diễn ra trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, thế giới được chứng kiến sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang của một dân tộc, một thủ đô sinh hoạt và chiến đấu một cách có tổ chức, bình tĩnh, tự tin và lạc quan một cách lạ kỳ. Nếu không có bản lĩnh được thử thách tôi luyện trong cuộc sống chiến đấu, được tích tụ trong tầng cao văn hóa giữ nước của dân tộc thì  khó mà đứng vững trước những thử thách khốc liệt như cuộc tàn phá mang tính hủy diệt của không quân Mỹ cuối năm 1972.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” không chỉ là chiến thắng của bản lĩnh kiên cường của dân tộc Việt Nam, của quân và dân thủ đô văn hiến; mà còn là chiến thắng của trí tuệ và sức sáng tạo Việt. Henry Kissinger đã có lý khi thừa nhận rằng “Nếu Việt Nam chỉ anh hùng không thôi thì chúng tôi sẽ đè bẹp; nhưng Việt Nam vừa anh hùng, vừa rất thông minh sáng tạo nên chúng tôi đã thua”. 
Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại
Cuộc đọ sức trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 thêm một minh chứng cho thấy điều đó. Tầm cao trí tuệ Việt Nam được thể hiện ở tài thao lược của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong việc nhận định, đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, sớm có kế hoạch chuẩn bị và chủ động chuyển hóa thế trận phòng tránh, đánh trả; ở nghệ thuật chiến dịch phòng không theo phương châm “Toàn dân bắn máy bay địch, toàn dân làm tốt công tác phòng tránh, toàn dân làm công tác bảo đảm giao thông vận chuyển”; ở hoạt động nghi binh lừa địch; ở việc sáng tạo cách đánh của từng binh chủng, từng lực lượng… Đặc biệt, tầm cao trí tuệ  được thể hiện trong việc nắm vững tri thức, làm chủ được các loại vũ khí trang bị hiện đại mà các nước anh em giúp đỡ, khai thác tốt và sử dụng đạt hiệu quả cao các loại vũ khí đó. Chính những cán bộ được thử thách và trưởng thành trong kháng chiến; những thanh niên được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, những trí thức được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em… là những người đã góp phần làm nên tầm cao trí tuệ Việt trong cuộc đọ sức với không quân chiến lược Mỹ. 
Tầm cao trí tuệ còn được thể hiện ở việc biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các nước bè bạn trên cơ sở phát huy nội lực là chính để tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù có tiềm lực quân sự và kinh tế vượt trội.
Cuộc tập kích chiến lược bằng đường không kéo dài 12 ngày đêm cuối năm 1972 của đế quốc Mỹ đã tàn sát và hủy diệt môi trường sống của Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Riêng Hà Nội đã phải chịu đựng hơn 1 vạn tấn bom rải thảm của B.52. Hơn 2.000 người, trong đó có cả người già và trẻ em bị bom Mỹ sát hại, hàng ngàn người bị thương tích; hàng trăm cơ sở kinh tế, hàng ngàn ngôi nhà (trong đó có cả bệnh viện, trường học) bị phá hủy… 
Nhắc lại điều đó không phải để khơi dậy hận thù – điều mà người dân Việt Nam không bao giờ mong muốn, bởi nó trái với đạo lý, với truyền thống bao dung, nhân văn và hữu nghị của dân tộc Việt được lưu giữ từ bao đời nay. Nhắc lại điều đó là để hướng tới tương lai, bởi có nhận thức đúng lịch sử thì mới định hướng được đúng cho tương lai.
Đại tá, PGS-TS TRẦN NGỌC LONG
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam