Theo nhận định của giới chuyên gia và các nhà khoa học, quá trình đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện từ chiều rộng sang đào tạo có tính chuyên sâu, tạo động lực chính nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của các ngành kinh tế.
Còn theo TS.Trần Đức Quý – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong xu hướng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rộng khắp, chủ trương của chính phủ và các bộ, ngành giao cho các cơ sở đào tạo nghiên cứu từ tình hình thực tiễn áp dụng vào quá trình đào tạo.
Theo đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng trong việc đón nhận cách mạng công nghiệp 4.0. Trách nhiệm này cũng tạo nên áp lực cho các trường đào tạo ứng dụng 4.0 vào quá trình giảng dạy, trong đó có Đại học Công nghiệp Hà Nội. Chính vì thế, nhà trường đã nghiên cứu và vận dụng một số phương pháp vào trong quá trình giảng dạy, góp phần đưa cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn.
“Ngay từ đầu năm, Nhà trường đã tổ chức hội nghị liên quan đến lĩnh vực này. Đội ngũ cán bộ giảng viên của nhà trường cũng đã được chuẩn bị về kiến thức, đi thực tiễn ở cơ sở sản xuất cũng như nghiên cứu sinh ở nước ngoài để vận dụng vào việc giảng dạy. Chương trình đào tạo của nhà trường cũng đã được rà soát, thay đổi gắn với mục tiêu thực tế”, TS. Trần Đức Quý cho biết.
Là một trong những trường đại học đi đầu trong việc thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo để sinh viên thích ứng với thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm qua, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thường xuyên nghiên cứu, cập nhật và nắm bắt nhu cầu xã hội, phát triển các chương trình đào tạo mới, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – ông Kiều Xuân Thực cho biết, để đi trước đón đầu về đào tạo nguồn nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0, hơn lúc nào hết, nhà trường luôn luôn đổi mới phương pháp đào tạo; phát triển và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cũng như đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như đẩy mạnh quốc tế hóa trong đào tạo và tiếp cận xu hướng của cuộc cách mạng mới.
Chia sẻ tại một hội nghị khoa học về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây, GS.Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0 phải đủ mạnh dạn xóa bỏ tư duy của cũ, dám chấp nhận những khái niệm cũng như tư duy mới, nhiều khi hoàn toàn khác biệt với thực tế hiện nay để đáp ứng nhu cầu.
Cũng theo GS.Phan Xuân Dũng, không giống như những cuộc cách mạng khác đều tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động, Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ tự động hóa sẽ tiết giảm tối đa nguồn nhân lực.
Chính vì vậy, việc đổi mới tư duy và phương thức quản lý, đào tạo phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng mới có thể có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nêu rõ quan điểm cũng như yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, các nhà cung cấp nguồn nhân lực, cụ thể là các trường, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ cũng như từ phía các ngành, các doanh nghiệp sử dụng lao động… đều coi việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là việc quá sớm.
Trong khi đó, tại hệ thống các trường đào tạo của Bộ Công Thương, đội ngũ giảng viên còn yếu và thiếu. Cơ sở vật chất của nhiều trường đào tạo, các phương thức đào tạo vẫn còn dàn trải, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Vì vậy, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cách mạng công nghiệp 4.0 tại các trường đào tạo trong thời gian tới cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu khắt khe hơn. Trong giai đoạn hiện nay cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, các cơ sở đào tạo nhất thiết cần phải đổi mới, chuyển mình theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cách mạng công nghiệp 4.0./.