Công tác quản lý đô thị có chuyển biến tích cực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác trật tự đô thị, lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đạt được kết quả bước đầu, tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Tuy nhiên, một số khó khăn, thách thức của 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù đã được quan tâm giải quyết một phần nhưng vẫn còn tồn đọng, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: môi trường cạnh tranh, sức cạnh tranh của kinh tế TP tuy có cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả; phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm, tiến độ triển khai một số dự án còn chậm do thiếu vốn, vướng giải phóng mặt bằng. Các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2017, khẳng định kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, khu vực dịch vụ tăng 7,4% (chiếm 58,2%), khu vực công nghiệp xây dựng tăng 7,2% (chiếm 23,3%), khu vực nông lâm thủy sản tăng 5,9% (chiếm 0,7%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,8% (chiếm 17,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 10,2%; du lịch tăng trưởng khá, đã tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch góp phần thu hút khách quốc tế đến TP đạt 2,8 triệu khách, tăng 14,7%, doanh thu đạt 53.617 tỷ đồng, tăng 12%; xuất khẩu tăng trưởng khá, đạt 14,23 tỷ USD (không tính giá trị dầu thô), tăng 20,3% so với cùng thời kỳ năm 2016.
Thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, góp phần thúc đẩy công nghiệp TP phát triển, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường; tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu, cụm công nghiệp và xây dựng các cụm liên kết sản xuất; đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các dự án nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua đó, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp đô thị hiện đại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, giá trị gia tăng cao, với giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, thị trường vàng và hoạt động ngân hành trên địa bàn ổn định. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 1.857.500 đồng, tăng 9,91%; tổng dư nợ tín dụng đạt 1.621.300 tỷ đồng.
Đó là cần trả lời cho được câu hỏi: “Vốn ở đâu để đầu tư phát triển TP?”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý: Kinh tế tư nhân chiếm 59% cơ cấu kinh tế TP, kinh tế Nhà nước 20% và đầu tư nước ngoài là 15%. Về đầu tư, kinh tế tư nhân đóng góp 63%. Cộng với đầu tư nước ngoài 15% nữa, đầu tư của TP chiếm đến gần 80% khu vực ngoài nhà nước. Đây là xu hướng của vai trò kinh tế tư nhân, và khi đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư thì chúng ta phải chú trọng khu vực này, coi khu vực này là động lực phát triển, là nguồn lực cơ bản, chủ yếu để phát triển theo các mục tiêu mà TP đề ra. Theo đó, công tác quy hoạch cũng cần phải làm tốt và hướng vào khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân để thu hút mạnh đầu tư trên các lĩnh vực.
Nguồn sggp.org.vn