Tham gia cuộc đối thoại lần thứ 6 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Xã hội dân chủ CHLB Đức diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa rồi, tận mắt chứng kiến cách thức ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội của nước bạn, đoàn công tác Việt Nam (do đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương làm trưởng đoàn) có cơ hội so sánh với cách thức mà Việt Nam đang tiến hành để rút ra những bài học quý. 

Các đại biểu hai đảng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Phạm Văn Thắng/Phóng viên TTXVN tại Đức

Tự động hóa sản xuất và sửa chữa từ xa
Để làm rõ hơn tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với quá trình sản xuất, phía bạn tổ chức cho đoàn Việt Nam khảo sát thực tế tại Trường Đại học Tổng hợp tự do Berlin. Đoàn được bố trí làm việc với Viện Nghiên cứu cơ khí thuộc trường. Đây là viện có mối liên hệ rất chặt chẽ với Trường Đại học Kỹ thuật Việt Đức ở Việt Nam. Tại đây, bạn giới thiệu với chúng tôi một ví dụ cụ thể là để sửa chữa một động cơ điện của ô tô theo dạng mới là ô tô lai xăng điện, bạn đã thông qua internet thực hiện cầu nối trực tiếp giữa cơ sở của viện với hãng sửa chữa xe để cùng lúc các giáo viên, nghiên cứu viên của viện phát hiện ra các hỏng hóc tại động cơ ở các địa điểm khác nhau trên nước Đức. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu của viện tiến hành nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục thông qua thực hiện gia công chi tiết máy trên máy in 3D. 
 
 
Cách mạng công nghiệp 4.0: Bài học từ nước Đức ảnh 1
Trường Đại học Tổng hợp Berlin, Đức
Đầu tiên, các kỹ sư truyền thiết kế 3D của bộ phận bị hỏng về viện để sản xuất mô phỏng đúng tình trạng hỏng hóc tại hiện trường. Các nhà nghiên cứu của viện sẽ xác định nguyên nhân tại sao dẫn tới hỏng hóc ở bộ phận đó và đưa ra biện pháp xử lý. Biện pháp xử lý được thể hiện trên máy in 3D để tạo ra một chi tiết mới bằng nhựa và từ đó thực hiện các quy trình chế tạo chi tiết bằng kim loại mà không mất thời gian chế tạo khuôn và các thiết bị khác như cách thông thường. Nhờ đó, thời gian sửa chữa các xe bị hỏng được rút ngắn tối đa; các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm thực tế và các nhà sản xuất tiết kiệm được chi phí để cho ra sản phẩm chất lượng ngày càng tốt hơn, tạo khả năng cạnh tranh tốt hơn cho sản phẩm mang nhãn hiệu của nước Đức. Lợi nhuận được nhà sản xuất tính toán đầy đủ và có chi phí thỏa đáng cho các nhà nghiên cứu của viện. Chính nhờ vậy, viện đã có khả năng trả lương cho các nghiên cứu viên, đồng thời là các nhà giáo của trường đại học ở mức cao hơn so với mức thu nhập trung bình. Các luận văn tốt nghiệp của sinh viên trong viện đều được xây dựng dựa trên những xử lý trực tiếp từ thực tế, đảm bảo việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. 
Điều thú vị là trong số các giảng viên của viện, có nhiều giảng viên đã từng sang giảng dạy tại Trường Đại học Việt Đức (tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam). Chúng tôi cũng gặp 5 sinh viên cao học của Trường Đại học Việt Đức sang học học kỳ thứ 4 của chương trình cao học và làm luận văn tốt nghiệp tại viện. Các sinh viên cao học Việt Nam này cũng phải thực hiện chương trình đào tạo như các sinh viên cao học của Đức đang làm việc tại viện, và vì vậy chất lượng luận văn thạc sĩ của họ sẽ có tính ứng dụng cao. Tìm hiểu về khả năng giúp đỡ, tài trợ của Nhà nước Đức đối với trường, chúng tôi được biết phần lớn chi phí xây dựng ban đầu của các trung tâm thí nghiệm như đất, tiền xây dựng cơ bản sẽ được ngân sách nhà nước cấp cho trường thông qua kinh phí hoạt động hàng năm; còn việc mua máy móc thực nghiệm… viện phải tự trang trải thông qua các hoạt động khoa học ứng dụng với các hãng sản xuất. 
Công nghệ – cầu nối nguồn lực
Chuyến khảo sát tại Viện Nghiên cứu chế tạo cơ khí, thuộc Trường Đại học Tổng hợp Berlin đã giúp đoàn Việt Nam có cái nhìn thực tế và trực tiếp nhất về việc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi quá trình sản xuất trên nước Đức như thế nào. 
Có thể thấy sự thay đổi của công nghệ không “bỏ rơi” các thành phần trong nền kinh tế; trái lại, công nghệ đã trở thành cầu nối để các chủ thể tự thân vận động, kết nối với nhau và tận dụng hiệu quả nhất nguồn lực. Nhà nước cấp kinh phí cho trường chỉ để tạo ra cơ sở vật chất ban đầu và chi phí giảng dạy sinh viên, không can thiệp vào công việc và định hướng nghiên cứu của nhà trường. Đối với các khoản lợi nhuận thu được từ nghiên cứu khoa học, sau khi trừ chi phí hợp lý như tiền lương, khấu hao máy móc và vật liệu, nếu sử dụng để tái đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật đầu ngành sẽ được tính thuế ở mức thấp nhất nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu. Cùng với các hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước, nhà trường được tự chủ về định hướng phát triển khoa học để tạo ra kinh phí hỗ trợ các nghiên cứu khoa học mũi nhọn và được phép bán trực tiếp kết quả nghiên cứu cho các hãng sản xuất để có kinh phí tái tạo chất xám. 
Mô hình ứng dụng công nghệ tại Viện Nghiên cứu cơ khí là một trong nhiều ví dụ bổ ích, giúp chúng tôi so sánh với cách thức tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, để đề xuất những điều chỉnh kịp thời, bắt kịp với xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu.
Khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” được các nhà khoa học và quản lý Đức đưa ra lần đầu tiên vào năm 2013 tại Hội chợ Triển lãm Hannover. Với nước Đức, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là cuộc cách mạng đưa internet phổ cập trên toàn xã hội, mà là việc sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình tự động hóa các khâu sản xuất trong một dây chuyền sản phẩm hay toàn nhà máy. Bạn đưa ra ví dụ, việc áp dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất của các hãng ô tô lớn như BMW, Opel hay VW… khiến nhu cầu sử dụng lao động của các hãng này ngày càng giảm ngay trên chính nước Đức. Do tự động hóa tới 99% dây chuyền sản xuất nên chỉ cần sử dụng nhân công ở khâu lập chương trình cho các hệ máy tự động hoạt động và kiểm tra. Như vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Đức bắt đầu từ quá trình tự động hóa sản xuất để giảm giá thành thông qua giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận tối đa cho cổ đông của các công ty nói trên.

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)