Việc giá điện tăng đã đặt ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ tiết kiệm điện tại Cao ốc Văn phòng 275B Phạm Ngũ Lão.
 
Trong năm 2008, cơ quan Văn phòng TCT và Trung tâm Dịch vụ Satra có nhiệm vụ phải thực hành tiết kiệm 10% tổng sản lượng điện tiêu thụ của năm 2007, tương ứng khoảng gần 80.000 Kw. Thực tế là sau khi có Chương trình hành động số 650/TCT-KHĐT ngày 28/4/2008 của TCT, nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ để tiết kiệm điện mới được cơ quan TCT và Trung tâm triển khai.
 
Mặc dù vậy, số liệu thống kê cho thấy kết quả thực hành tiết kiệm điện trong năm 2008 tại Cao ốc 275B Phạm Ngũ Lão vẫn còn thấp. Cụ thể : Tổng sản lượng điện tiêu thụ thực tế năm 2008 của toàn Cao ốc là 767.739 Kw so với năm 2007 là 789.012 Kw thì chỉ giảm được 2,70%; trong đó sản lượng điện tiêu thụ thực tế được phân bổ cho cơ quan TCT năm 2008 là 283.250 Kw, so với năm 2007 là 298.140 Kw thì giảm được 5%. Tỷ trọng sản lượng điện tiêu thụ thực tế của cơ quan TCT so với tổng sản lượng điện tiêu thụ của toàn bộ Cao ốc trong năm 2008 là 36,89% (tỷ lệ này năm 2007 là 38%). Tính bình quân trong năm 2008, hàng tháng cơ quan TCT tiêu thụ 23.604 Kw so với mức năm 2007 là 24.845 Kw thì cũng chỉ giảm được khoảng 5%.
 
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng ý thức tiết kiệm điện của CB.CNV cơ quan TCT trong những tháng cuối năm 2008 đã giảm sút nhiều so với các tháng trước đó. Bước sang năm 2009, với chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính Phủ, “hình như” mọi người đã nhầm lẫn rằng bây giờ là lúc phải đẩy mạnh tiêu dùng – gồm cả việc tiêu dùng điện năng!
 
Có lẽ hiện nay trong chúng ta chỉ một thiểu số người còn tiến hành việc tắt bóng đèn chiếu sáng ở các khu vực vệ sinh công cộng sau khi đã sử dụng – có nghĩa là đa số người cho rằng việc làm đó không còn cần thiết nữa (hoặc họ ngại).
 
Tại các Phòng – Ban, các tổ chức Đảng – Đoàn thể của TCT hiện nay cũng không còn bộ phận nào thực hiện việc chỉ mở máy lạnh sau khi bắt đầu giờ làm việc buổi sáng 30’ và tắt máy lạnh trước khi kết thúc giờ làm việc buổi chiều 30’. Mà thời tiết Sài gòn mấy ngày này sao mà nóng nực, oi bức và khó chịu quá, từ bên ngoài đường nóng hầm hập được bước vào phòng làm việc hoặc phòng họp TCT với chiếc máy lạnh được để ở nhiệt độ thấp nhất là 17oC (chứ không phải là 25oC như quy định) mới thấy dễ chịu, thoải mái làm sao!
 
Theo thông báo chính thức của Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thì năm 2009, tình trạng thiếu điện vẫn còn gay gắt do nhiều dự án điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (giai đoạn 2006 – 2015) bị chậm tiến độ. Mỗi năm ngành điện bị thiếu hụt từ 22% – 31% công suất điện dự kiến. Trong buổi giao lưu trực tuyến ngày 27/2/2009 tại Hà Nội, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc EVN thông báo rằng, việc tăng giá điện … cũng chưa thể giúp cho chúng ta có đủ điện ngay! Ông Hùng còn khẳng định : “Tăng giá điện như hiện nay sẽ góp phần thu hút đầu tư vào nguồn điện, lưới điện trong tương lai, tổng thể sẽ đảm bảo cung cấp điện tốt hơn” – như vậy có thể hiểu là bây giờ tăng giá điện là để đủ điện … cho tương lai!
 
Đảng và Chính Phủ đánh giá tình hình khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới đang tác động rất tiêu cực vào nên kinh tế nước ta. Theo nhiều dự báo, tình hình kinh tế nước ta năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2008. Vì vậy Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), phần các giải pháp trong lĩnh vực kinh tế đã nêu : “Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên chặt chẽ hơn”.
 
Chính trong bối cảnh như trên và thêm điều kiện giá điện đã tăng cao nên việc tiết kiệm điện của cơ quan TCT càng có ý nghĩa thiết thực và cấp bách. Tiết kiệm điện phải là công việc lâu dài, kiên trì và được tất cả mọi người chúng ta cùng thực hiện chứ không thể là một việc làm “chập chờn”, lúc có lúc không – như chính dòng điện lưới trong những ngày cao điểm nắng nóng này.
 
 
(Minh Hùng – phòng HCTH, 5-03-2009)