Sáng 27/12, Sở Công thương TPHCM phối hợp với trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo “Tổ chức hoạt động chợ đầu mối trong ngắn hạn nhằm thích ứng với yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và khởi đầu cho việc hướng đến mô hình hiện đại”.
Tham dự hội thảo có Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương; Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng.
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, ban đầu TP hình thành 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền nhằm di dời hơn 10 chợ bán sỉ trong nội thành ra ngoài để chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau 20 năm đi vào hoạt động kinh doanh, hiện nay mô hình tổ chức hoạt động của các chợ đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cách thức vận hành chưa được thay đổi để thích nghi kịp thời với xu thế phát triển cùng với hệ thống hạ tầng. Mặt bằng kiến trúc của các chợ khá lạc hậu và những khó khăn, tồn tại, hạn chế khác đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Mô hình hoạt động của 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn được đánh giá đang khá lạc hậu, không theo kịp phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa phương pháp và phương thức giao dịch tại chợ.
Từ thực tiễn này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến thực hiện chuyển đổi số trong mô hình hoạt động kinh doanh hiện nay của 3 chợ để tiếp tục khẳng định vai trò một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu quản trị văn minh, hiện đại.
Chợ đầu mối Bình Điền hoạt động tấp nập về đêm
Với kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều hành hoạt động chợ trong đợt cao điểm dịch Covid-19, Giám đốc Công ty chợ Bình Điền Phan Thành Tân nhấn mạnh, chuyển đổi số cho chợ là quá trình không thể đẩy lùi. Thói quen mua hàng online, qua sàn thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống. Hệ quả là xu hướng trả mặt bằng lan rộng khi hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu, sạp kinh doanh ở chợ phải đóng cửa. Nhiều tiểu thương tự học, dần chuyển dịch sang nền tảng số để theo kịp thời đại. Ông Phan Thành Tân cho rằng, chợ trực tuyến rất tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời lại có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, sôi động hơn chợ truyền thống.
Theo các đơn vị, chuyển đổi không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, quản lý mà phải có chiến lược. Trong quá trình thực hiện hiện cần nỗ lực thay đổi trên cơ sở hành vi người tiêu dùng và để trở nên lâu dài cần phải trở thành văn hóa tổ chức, trong đó vai trò lãnh đạo, quản trị đóng vai trò quan trọng.
Phó Tổng Giám đốc SATRA Hà Ngọc Sơn cho rằng, không nên tuyệt đối hóa chợ online. Bởi dòng tiền, phương thức giao dịch chuyển dễ dàng lên số hóa, chỉ có nguồn hàng vẫn là hàng hóa vật lý, chợ đầu mối chắc chắn vẫn là trung tâm phân phối hàng hóa. Việc chuyển đổi cần có những bước đi từ từ, vững chắc.
Với kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 phát triển hệ thống chợ đầu mối tại TPHCM thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế, bà Trần Thị Hồng Liên, Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, chợ đầu mối là trung tâm phân phối hàng hóa, chịu sự tác động của hoạt động kết hợp đối tác tư nhân và các cơ quan Nhà nước, do đó phải xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số là gì. Đầu tiên cần chuyển đổi mô hình kinh doanh, sau đó hoàn thiện và chuyển đổi số mô hình quản trị, kết nối kinh doanh và quản trị. Việc đổi mới, sáng tạo còn góp phần tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.
Nguồn Trang tin Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh