Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra

 

 

Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô của nền kinh tế tăng nhanh, thu nhập đầu người vượt khỏi ngưỡng thu nhập thấp, đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Những thành tựu của quá trình CNH, HĐH đưa đất nước ngày càng phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. 

Tuy nhiên, đất nước còn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen lẫn nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp:

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đã bị suy giảm, cho thấy mô hình CNH, HĐH của nước ta có những điểm không còn phù hợp; CNH, HĐH phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH đang chững lại; hiệu quả sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực thấp so với yêu cầu; một số vấn đề xã hội phát sinh chậm được giải quyết.

– Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

– Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm, tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt.

– Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

– Ngoài ra, đang có sự lệch pha giữa nhận thức về lý luận và thực tiễn bởi một thực tế là các nghị quyết thường bao hàm quá nhiều nội dung nhưng lại thiếu những giải pháp có tính khả thi và cụ thể, nên dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; các định hướng CNH, HĐH trong từng thời kỳ chưa có trọng tâm, trọng điểm; giải pháp thiếu đồng bộ, nhất là trong mối quan hệ hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách đi đôi với giải pháp, cân đối các nguồn lực.

– Mô hình CNH, HĐH còn có sự thiên lệch về cơ cấu ngành; dựa nhiều vào khai thác và bán tài nguyên, phát triển theo chiều rộng, sử dụng nhiều vốn hơn là sử dụng lao động và công nghệ cao nên đã gây nên một số hạn chế trong quá trình phát triển, khiến tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH diễn ra chậm, ngày càng bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới, nhiều vấn đề đặt ra cần phải nghiêm túc xem xét để giải quyết.

– Bên cạnh đó, tình hình chính trị và kinh tế thế giới sẽ còn có nhiều bất ổn gây ra tác động đa chiều, song kinh tế vẫn là vấn đề chủ đạo bảo đảm sự ổn định và phát triển. Toàn cầu hóa với kinh tế tri thức vẫn là xu thế chủ yếu trong phát triển kinh tế.

 

 

 

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới

Đề xuất mô hình công nghiệp hóa

Với nhiều lý do, đề xuất mô hình CNH, HĐH của nước ta thời gian tới là mô hình “Công nghiệp hóa hiện đại”. CNH hiện đại bao gồm các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể:

– Các ngành công nghiệp nền tảng: Đây là những ngành công nghiệp có tính chất cần thiết, quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của quốc gia, là nền tảng của công nghiệp hóa, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và có cơ chế ưu đãi. Các ngành công nghiệp nền tảng bao gồm ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế tạo, tự động và công nghiệp vật liệu.

– Các ngành công nghiệp mũi nhọn: Các ngành công nghiệp mũi nhọn là những ngành có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển, Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và Nhà nước chỉ đầu tư trong trường hợp thật cần thiết.

 Sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cần phải định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh. Chính phủ phải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư.

 

 

Một số giải pháp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại

Thứ nhất, xây dựng hệ thống tiêu chí nước CNH hiện đại. Đây là việc cần thiết để có định hướng thực hiện.

Nhóm 1: Các tiêu chí về tăng trưởng kinh tế vĩ mô: Các tiêu chí này phản ánh trình độ CNH của một quốc gia. Một số tiêu chí thường được sử dụng như: Quy mô, tốc độ tăng GDP hằng năm, thu nhập bình quân đầu người; tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp trong GDP; tỷ trọng xuất khẩu hàng chế tạo, hàng công nghệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu; trình độ hạ tầng kỹ thuật, như điện, nước sạch, viễn thông, giao thông…

Nhóm 2: Các tiêu chí phản ánh về sự phát triển xã hội như: Quy mô, tốc độ tăng dân số hằng năm, tỷ lệ dân sống dưới mức nghèo, tỷ lệ dân thành thị, cơ cấu lao động trong các ngành; chỉ số phát triển con người; tỷ lệ chi phí cho giáo dục, y tế trong GDP; chỉ số bình đẳng giới; chỉ số phân phối thu nhập và khoảng cách giàu nghèo.

Nhóm 3: Các tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập kinh tế quốc tế như: Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu; lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; mức nợ nước ngoài.

Thứ hai, hoàn thiện thế chế cho CNH hiện đại: Xây dựng cơ chế cụ thể để phát triển từng ngành công nghiệp; hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước nhằm hạn chế sự chồng chéo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; Tăng cường quản lý theo ngành, vùng và lãnh thổ, nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành nhằm liên kết có hiệu quả giữa các địa phương trong phát triển CNH hiện đại…

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ của thời đại, đi ngay vào những công nghệ tiên tiến, hiện đại; khai thác những nguồn lực bên ngoài, trong đó đặc biệt là nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến để thực hiện CNH, HĐH.

Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNH hiện đại. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng phát triển CNH hiện đại. Do vậy, cần phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng tổng hợp từ bài viết của Tiến sĩ Phạm Xuân Đương –  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương)