Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nâng tầm công tác biên soạn lịch sử Đảng trong thời kỳ mới
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lịch sử của Đảng ta là “pho lịch sử bằng vàng”, là một tài sản vô cùng quý báu. Để ngày càng bồi đắp cho “pho lịch sử bằng vàng” đó chúng ta phải làm sâu sắc và phát huy tốt hơn các giá trị của lịch sử của Đảng”. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, công tác lịch sử Đảng không chỉ nhằm tái hiện bức tranh phong phú, sinh động của quá trình hoạt động, quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của Đảng mà còn góp phần tổng kết kinh nghiệm lịch sử, khái quát thành lý luận cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
“Lịch sử Đảng phải tham gia hữu hiệu vào công tác xây dựng Đảng, tham mưu đắc lực cho Đảng nhìn từ góc độ khoa học lịch sử, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng và trực tiếp trở thành lực lượng xung kích đấu tranh với các thế lực hòng mưu toan xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, công tác lịch sử Đảng là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Đảng, cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” có giá trị thực tiễn quan trọng, là cơ sở để công tác lịch sử Đảng đạt được những kết quả to lớn; đồng thời những kết quả đạt được đang là một yêu cầu thực tiễn cấp bách đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao giá trị lịch sử Đảng hơn nữa, nâng tầm công tác biên soạn lịch sử Đảng trong thời kỳ mới.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cho biết, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức các cấp ủy về công tác lịch sử Đảng của Đảng bộ TP đã được nâng lên một bước. Các Đảng bộ, cơ quan, đơn vị đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị mình thu hút các nhà khoa học lịch sử, nhân chứng lịch sử, cán bộ chủ chốt tham gia. Những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử được nghiên cứu trong 15 năm qua trên địa bàn TP đã góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời và phát triển của Đảng nói chung và Đảng bộ địa phương nói riêng; đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ địa phương.
Theo đồng chí Tất Thành Cang, việc biên soạn và tổng kết lịch sử Đảng không chỉ giáo dục nhân dân về quá trình phát triển của Đảng mà còn đóng góp lớn hơn là giáo dục ngay chính đội ngũ cán bộ đương chức, đội ngũ lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể về các bài học, kinh nghiệm, phương pháp trong các thời kỳ cách mạng… giúp đội ngũ cán bộ hiện tại có nhiều tư duy hơn, suy nghĩ ý thức trách nhiệm hơn vào quá trình đổi mới trong công tác xây dựng đất nước, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đối với Đảng bộ TPHCM là những bài học về việc triển khai học tập và làm theo Bác, bài học xây dựng Đảng ngay những ngày đầu TP được giải phóng; về chính sách đột phá, đổi mới góp phần cùng trung ương xây dựng đường lối kinh tế đất nước…
63 tỉnh, TP đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ
Phát biểu báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, đến nay, 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong cả nước đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ ở các cấp độ, thời gian khác nhau; khoảng 95% quận, huyện xuất bản Lịch sử Đảng bộ, trong đó có khoảng 30% quận, huyện đã xuất bản Lịch sử Đảng bộ 1930-2005 hoặc 1930-2010; gần 50% xã, phường xuất bản Lịch sử Đảng bộ hoặc lịch sử truyền thống.
Các công trình khoa học Lịch sử Đảng được công bố đã đảm bảo tính đảng và tính khoa học, vận dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự Việt Nam, giữa lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến việc nhận thức vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác lịch sử Đảng; về đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tính đảng và tính khách quan khoa học trong biên soạn và vận dụng phương pháp luận sử học trong nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất bản công trình lịch sử Đảng phục vụ đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng; về việc đúc kết các truyền thống quý báu và các kinh nghiệm, bài học sâu sắc, những quy luật riêng và lý luận của cách mạng Việt Nam; vấn đề giáo dục, học tập Lịch sử Đảng trong tổ chức đảng và hệ thống giáo dục, đào tạo…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà đề nghị, trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những thành tựu, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm; trên cơ sở đó, xác định phương hướng, giải pháp nhằm đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư trong việc đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 15 thời gian qua, có cần thiết ban hành Chỉ thị mới hay không nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm khẳng định vị thế cầm quyền và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.
Nguồn thanhuytphcm.vn