Theo các nhà phân tích, Brexit sẽ có những diễn biến đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất,Brexit sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Theo điều 50 trong Hiệp ước của EU, những thành viên muốn rút khỏi khối này trước hết phải đàm phán về các điều khoản rút lui đồng thời đề ra một khuôn khổ cho sự hợp tác trong tương lai với châu Âu. Tiến trình này có thể kéo dài tới hai năm.
Trước khi các cuộc đàm phán về việc rút khỏi EU kết thúc, nước Anh sẽ vẫn được xem là một thành viên đầy đủ của EU, bị ràng buộc bởi các quy định và hiệp ước của khối. Cho tới khi London và Brussels đạt được thỏa thuận cuối cùng, văn kiện này sẽ phải được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu cũng như ở nghị viện Anh và châu Âu.
Nếu như các cơ quan của EU đều bỏ phiếu phản đối văn kiện này, tất cả các bên sẽ phải quay lại bàn thương lượng để phác thảo một hiệp ước mới. Về lý thuyết, Anh có thể lựa chọn đơn phương rút khỏi EU, song làm như vậy sẽ khiến các cuộc đàm phán trong tương lai giữa London và Brussels sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nếu Anh muốn tiếp tục duy trì thỏa thuận thương mại tự do với EU – khối mậu dịch lớn nhất thế giới – sau khi không còn là thành viên của khối này, London không thể phá hỏng quan hệ với Brussels. Rốt cuộc, tiến trình các cuộc đàm phán về Brexit sẽ được quyết định bởi các cuộc thương thuyết chính trị.
Những thông tin rò rỉ mới đây cho thấy Chính phủ Đức muốn nhanh chóng giàn xếp các cuộc đàm phán với London để giảm thiểu bất kỳ sự bất ổn tài chính nào có thể xảy ra sau Brexit. Ngược lại, Pháp bị cho là muốn gây khó khăn cho sự ra đi của nước Anh nhằm phát đi thông điệp tới những đảng hoài nghi châu Âu ở trong nước. Những lợi ích trái chiều này có thể làm trầm trọng thêm những rạn nứt giữa các thành viên EU.
Thứ hai,Brexit khiến London phải đối diện với những thách thức lớn. Một khi nước Anh hoàn toàn rút khỏi EU, Chính phủ Anh sẽ ngay lập tức phải giải quyết 3 vấn đề chủ chốt.
– Trước hết là thương mại. Khoảng 45% xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh đổ sang các nước thành viên EU, và khoảng 53% hàng nhập khẩu của nước này đến từ các quốc gia EU. Do đó, Anh sẽ phải duy trì được quyền tiếp cận thị trường chung của châu Âu. Để làm được như vậy, London cần phải đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới với khối này và cả với những quốc gia không thuộc EU song giao dịch với Anh thông qua EU.
Dựa trên kinh nghiệm lịch sử, những hiệp định như vậy có thể mất tới cả thập niên mới hoàn tất. Một khi các quy tắc của EU không còn được thực thi, Quốc hội Anh sẽ phải tái ban hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều luật hiện hành. Những người chỉ trích Brexit đã cảnh báo rằng, khoảng cách giữa các quy định của Anh và của EU sẽ ngày càng lớn theo thời gian, làm tổn hại tới xuất khẩu của Anh sang EU và làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của nước Anh.
– Một vấn đề rắc rối khác là nhập cư. Sau khi rời khỏi EU, London sẽ phải quyết định vị thế của các công dân EU đang làm việc tại Anh, tương tự như Brussels sẽ phải xác định vị thế của công dân Anh đang làm việc tại các quốc gia thuộc khối.
– Brexit sẽ khiến nước Anh bị tổn hại về chính trị và kinh tế. Về mặt kinh tế, nhiều người dự đoán Brexit sẽ gây ra một cú sốc lớn do các thị trường toàn cầu đang hoang mang trước tương lai của nước Anh và châu Âu.
Trên thực tế, những lo ngại về cuộc trưng cầu trước đó đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh chậm lại trong quý I/2016. Theo ước tính, nền kinh tế Anh sẽ sụt giảm 3-6% trong hai năm sau Brexit. Về lâu dài, tác động của Brexit đối với nền kinh tế Anh sau hai năm đầu tiên sẽ phụ thuộc vào một số nhân tố. Ví dụ như sức hấp dẫn của nước Anh như một cửa ngõ của đầu tư nước ngoài vào châu Âu có thể giảm sút nếu như Anh không còn là thành viên của EU. Hiện có một nửa số trụ sở tại châu Âu của các công ty không thuộc EU đang đặt tại Anh, và nhiều công ty có thể sẽ chuyển trụ sở sang những nước thành viên EU. Tương tự, nhiều ngân hàng và thể chế tài chính đang hoạt động tại London có thể chuyển sang những trung tâm hấp dẫn hơn như Paris hay Frankfurt.
Quan hệ Anh – EU hậu Brexit có thể theo một trong 3 mô hình: Mô hình Na Uy (Anh có thể gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu theo những điều khoản tương tự như của Na Uy), mô hình Thụy Sĩ (Anh có thể đàm phán với EU về một loạt hiệp định song phương, cho phép nước này tiếp cận một số khu vực nhất định của thị trường chung EU) và mô hình Hàn Quốc (Anh ký một hiệp định thương mại tự do với EU tương tự như văn kiện mà khối này ký với Hàn Quốc vào năm 2009).
Thứ ba,Brexit cũng gây tổn hại cho các nền kinh tế châu Âu. Xuất khẩu của những đối tác thương mại chính của EU sẽ giảm sút. Nếu không có hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu của Anh sang EU sẽ bị áp thuế, tương tự xuất khẩu của EU sang Anh cũng như vậy. London sẽ buộc phải thanh toán các mức thuế theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới là từ 4,1% đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng tới 32% đối với rượu.
Có lẽ chịu tác động mạnh nhất từ Brexit là cán cân quyền lực tại châu Âu. Không có Anh, EU sẽ mất một thành viên tự do, thân thiện với thị trường, thay vào đó những quốc gia theo chủ trương can thiệp như Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ chiếm thế thượng phong trong khối.
Đức lâu nay vốn xem Anh là một đối trọng với Pháp trong EU, và nếu không có lá phiếu của London, Đức, Hà Lan và các quốc gia Bắc Âu sẽ đánh mất một sự hậu thuẫn quan trọng trên bàn đàm phán với các quốc gia Địa Trung Hải. Vị thế của Đức bị suy yếu thậm chí có thể khuyến khích Pháp tìm cách chiếm vai trò cầm trịch của khối, làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia lãnh đạo EU.
Nếu như các quốc gia Bắc Âu bắt đầu lo sợ khối Địa Trung Hải “tiếp quản” lục địa, làn sóng hoài nghi châu Âu ở phương Bắc có thể sẽ gia tăng. Mâu thuẫn giữa Tây Âu và Đông Âu có thể nới rộng sau khi Anh rời khỏi EU. Trung và Đông Âu vẫn xem Anh là nước bảo vệ cho lợi ích của những quốc gia thành viên EU song không thuộc Khu vực sử dụng đồng euro.
Anh cũng là một trong những nước ủng hộ mạnh nhất các lệnh trừng phạt Nga, điều này phù hợp với chính sách của Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. Nếu Anh rút khỏi khối, các quốc gia ở vùng ngoại vi của EU có thể ngày càng bị cô lập với các quốc gia còn lại.
Do Anh chiếm khoảng 12% ngân sách của EU, những mâu thuẫn Bắc-Nam và Đông-Tây có thể càng nghiêm trọng hơn do khối này phải điều chỉnh để thích nghi với ngân sách eo hẹp hơn. Brussels, do buộc phải giảm chi tiêu hoặc yêu cầu các quốc gia thành viên còn lại của EU đóng góp thêm tiền, từ đó có thể dẫn đến các cuộc tranh cãi giữa các khu vực của lục địa.
Brexit ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường châu Á
Trên phạm vi toàn cầu, Brexit được dự báo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đe dọa nền kinh tế thế giới, bởi việc nước Anh rời khỏi EU sẽ đảo ngược xu hướng đầu tư và thương mại toàn cầu, từ đó sẽ tạo nguy cơ nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Brexit có thể tạo ra “làn sóng tấn công” nhằm vào toàn bộ nền kinh tế thế giới, và khi ấy không chỉ nước Anh, EU mà cả các nền kinh tế châu Á, Mỹ…, cũng chịu tác động.
Viện nghiên cứu kinh tế Capital Economics dự đoán rằng, Brexit có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường châu Á. Việc nước Anh rời EU có thể khiến tổng sản lượng GDP của toàn châu Á sụt giảm đến 0,2%. Nguyên nhân của hiện tượng này là do mối quan hệ giao thương chặt chẽ giữa Anh và châu Á trong nhiều năm gần đây.
Theo dự đoán, Brexit sẽ làm giảm lượng nhập khẩu của Anh xuống 25% trong vòng 2 năm, trong khi xuất khẩu sang Anh lại chiếm đến 0,7% tổng sản lượng GDP của các nước châu Á. Do đó, một số nền kinh tế Châu Á sẽ chịu thiệt hại nặng. Những nền kinh tế này có quan hệ thương mại tương đối mạnh với Anh, xét theo tỷ lệ xuất khẩu sang Anh trên GDP.
Hơn nữa, việc Anh rời khỏi EU sẽ kích thích một làn sóng rút vốn tại các thị trường mới nổi châu Á, trong đó những nước như Ấn Độ và Malaysia sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Hai quốc gia này hiện đang có thâm hụt vãng lai cùng với một khoản nợ lớn bằng ngoại tệ đang phải thanh toán trong ngắn hạn. Điều này càng khiến chính phủ hai nước khó khăn khi đối phó với làn sóng rút vốn.
Theo chuyên gia chiến lược đầu tư tại Capital Group tại Singapore, ông Eric Delomier, Brexit sẽ gây ra một số ảnh hưởng địa chính trị và thương mại lên châu Á : “Nhìn từ góc độ thương mại, Brexit sẽ không có lợi cho hoạt động thương mại của phần lớn nước châu Á.”
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)