Chuyến thăm chính thức Australia là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện cách đây 6 năm. Trong khi với New Zealand, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân dịp năm 2015, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

 

Việt Nam đã kí kết Tuyên bố chung tăng cường quan hệ với Australia và New Zealand, hướng tới đối tác chiến lược trong thời gian tới.

 

Việt Nam – Australia ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành hội đàm cùng Thủ tướng Tony Abbott và nhiều nhà lãnh đạo quan trọng của Australia cũng như tham dự cuộc hội thảo với các học giả Australia tại Viện Lowy, một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu thế giới.

 

Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề ưu tiên, quan trọng, trong đó có thương mại, đầu tư, giáo dục, hợp tác phát triển, quốc phòng và các cam kết chung của hai bên trong việc tăng cường vai trò chiến lược và thúc đẩy an ninh của Cấp cao Đông Á (EAS).

 

Các nhà lãnh đạo cũng chứng kiến lễ ký kết Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Australia, bao gồm hợp tác khu vực và quốc tế, phát triển thương mại, đầu tư và công nghiệp, hợp tác phát triển, hợp tác về quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước sẽ ký kết một bản Chương trình Hành động mới trong năm 2015, đề ra các bước triển khai cụ thể trên thực tế trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên với trọng tâm mới.

 

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục những nỗ lực nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong nửa cuối năm 2015, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Andrew Robb sẽ dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp tới thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.

 

Tờ The Australian dẫn lời giáo sư Carl Thayer cho biết, quan hệ song phương của Australia với Việt Nam đang nhanh chóng vượt qua quan hệ với đối tác Đông Nam Á truyền thống là Thái Lan. Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh, đạt xấp xỉ 6 tỉ USD trong năm 2014 (so với 5,1 tỷ USD trong năm 2013).

 

Việt Nam và Australia đã đồng thời nhất trí bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông, thảo luận về hợp tác giữa lực lượng đặc nhiệm của hai nước, trong đó quân đội Việt Nam sẽ tham gia huấn luyện và tập trận chung cùng lực lượng quốc phòng Australia.

 

Đánh giá về lễ ký kết thỏa thuận tăng cường đối tác toàn diện, tờ News đã dẫn lời Thủ tướng Australia Tony Abbott coi đây là một thời khắc lịch sử trong quan hệ hai nước. Ngay sau khi Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, lãnh đạo Việt Nam và Australia đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/2/1973. Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị cho rằng: “Đã đến thời điểm chín muồi để tăng cường quan hệ đối tác toàn diện vì tương lai tươi sáng hơn của hai dân tộc”.

 

Thúc đẩy quan hệ thương mại với New Zealand

 

Tại New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng New Zealand John Key cùng các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá lại 40 năm quan hệ hợp tác, đặc biệt từ sau khi hai nước nâng quan hệ lên tầm Đối tác toàn diện (năm 2009). Hai bên đã nhất trí ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand để hướng tới nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược.

 

Thương mại là lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng trong quan hệ song phương. Việt Nam và New Zealand nhất trí tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ vào năm 2020. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại có mức tăng trưởng nhanh nhất của New Zealand tại Đông Nam Á (tăng 120% kể từ năm 2009). Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều tăng đều đặn từ 15-20% trong vòng 10 năm qua và đã đạt mức 1,036 tỷ đôla New Zealand (NZD) năm 2014 (tương đương 800 triệu USD). Trong các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong quan hệ thương mại với New Zealand trong vòng 5 năm qua và hiện là đối tác thương mại lớn thứ 20 của New Zealand.

 

Hai nước cũng tái cam kết nỗ lực hoàn tất đàm phán các thỏa thuận tự do thương mại có tính toàn diện, chất lượng cao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trên cơ sở FTA ASEAN+1. Qua việc ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không và Thỏa thuận về An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật, hai bên sẽ sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước nhằm tăng cường quan hệ thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân. Việc mở rộng hợp tác hàng không đã thể hiện quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước và vai trò là đối tác quan trọng của New Zealand tại khu vực Đông Nam Á của Việt Nam.

 

Về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, bên cạnh việc nhất trí đẩy mạnh quan hệ song phương. Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình từ năm 2014 và mong muốn New Zealand chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

 

Thống nhất giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

 

Ông John Key nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, phù hợp với Luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và khẳng định: “Quan điểm từ trước tới nay của New Zealand về vấn đề này là khuyến khích tất cả các bên liên quan thông qua con đường đàm phán hòa bình để giải quyết tất cả các tranh chấp trên Biển Đông”.

 

Trong ASEAN, ngoài quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia, Australia mới chỉ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Australia có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì sự hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Do đó, những diễn biến bất ổn ở khu vực này đã khiến Australia quan ngại.

 

Thủ tướng Australia Tonny Abbot đã kêu gọi tất cả các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm căng thẳng thêm tình hình khu vực, trong đó có việc thông qua áp đặt hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tony Abbot cũng nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một động lực thúc đẩy kế hoạch hợp tác lâu dài trong thời gian tới giữa Việt Nam với Australia và New Zealand, nâng tầm quan hệ đối tác thể hiện sự chiến lược trong chính sách dài hạn của Việt Nam, thực hiện “đa phương và đa dạng hóa”quan hệ đối ngoại và chủ động tìm kiếm hội nhập quốc tế.

 

(nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam và các báo)