Phát biểu khai mạc, Tổng thống Benigno Aquino III nhấn mạnh ý nghĩa của hội nghị với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, khẳng định trong cục diện quốc tế mới, APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, hợp tác ngày càng sâu rộng và đóng góp mạnh mẽ nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm ở khu vực và trên thế giới.
Tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế
Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo APEC đã họp Phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “Tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế”. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, hướng tới hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), góp phần củng cố vị thế châu Á-Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng và liên kết toàn cầu cũng như khu vực. Các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục khẳng định ủng hộ củng cố hệ thống thương mại đa phương. Hội nghị đã nhất trí thông qua các biện pháp cụ thể về tăng trưởng chất lượng, hợp tác dịch vụ, cải cách cơ cấu, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vào thị trường toàn cầu nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cục diện khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng, đề cao nỗ lực của APEC 2015 trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh triển vọng tích cực của tiến trình liên kết khu vực. Các nền kinh tế cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên hợp tác xóa đói nghèo, giảm khoảng cách phát triển, hợp tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, du lịch xanh…
Chủ tịch nước đề nghị, để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế-kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, với tiềm năng về kinh tế, khoa học và công nghệ, các thành viên và doanh nghiệp APEC cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng cũng như khu vực, trong đó có ASEAN, Mê Kông.
Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước khẳng định, với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, sau ba mươi năm đổi mới, bài học rút ra là muốn tăng trưởng thì phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế; muốn tăng trưởng bền vững, bao trùm thì phải cải cách mạnh mẽ, đặc biệt về thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Hướng tới việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy liên kết kinh tế vì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng.
Cộng đồng bền vững, tự cường là nền tảng để bảo đảm tăng trưởng bao trùm
Tại Phiên thảo luận toàn thể thứ hai với chủ đề “Tăng trưởng bao trùm thông qua cộng đồng tự cường và bền vững”, các nhà lãnh đạo nhất trí cộng đồng bền vững, tự cường là nền tảng để bảo đảm tăng trưởng bao trùm ở khu vực trong một thế giới ngày càng gắn kết và bất định hiện nay. Các nhà lãnh đạo cũng nêu bật tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới… trong việc nâng cao tính tự cường, bền vững của các cộng đồng. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao ý nghĩa của Khuôn khổ Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015-2030 và nỗ lực chung hướng tới thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21, nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác, đóng góp đối với các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này. Hội nghị cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Hội thảo APEC đầu tiên về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, biến đổi khí hậu và thiên tai gay gắt đang tác động nghiêm trọng tới nỗ lực chung của châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu nhằm bảo đảm tăng trưởng bao trùm. Trong bối cảnh đó, các thành viên có nhu cầu cấp bách tăng cường phối hợp chính sách, hành động mạnh mẽ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước hoan nghênh APEC thông qua “Khuôn khổ về giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và “Kế hoạch hành động nhằm tăng khả năng tự cường về an ninh lương thực”, đánh giá đây là những đóng góp cần thiết và kịp thời góp phần triển khai Khuôn khổ Sendai. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên APEC tiếp tục đề cao nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, gắn các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực với ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và nguồn nước, thúc đẩy nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh, APEC cần đẩy mạnh quan hệ đối tác công-tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực trong triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, thỏa thuận mới toàn cầu về biến đổi khí hậu cũng như các nỗ lực chung của APEC.
Ngoài việc tham dự các phiên họp trong khuôn khổ APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước Papua New Guinea, Canada, Brunei, Hàn Quốc, Chile, Úc, Indonesia.
* Kết thúc, Hội nghị đã thông qua hai Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: Tầm nhìn về Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương” và “Tuyên bố về việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10”, cùng 2 văn kiện kèm theo: “Chiến lược APEC về tăng cường tăng trưởng chất lượng” và “Khuôn khổ hợp tác APEC về dịch vụ”.
Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 23 đã kết thúc tốt đẹp, chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các thành viên xây dựng các nền kinh tế tăng trưởng bền vững, bao trùm, vì một châu Á-Thái Bình Dương ổn định, công bằng, gắn kết và thịnh vượng, góp phần nâng tầm APEC thành một diễn đàn “vì phát triển”.
(Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ
Thông tấn xã Việt Nam và các báo)