Địa bàn thực hiện chủ yếu tại các quận ven, huyện ngoại thành, như: Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn… Ngoài ra, Saigon Co.op còn thực hiện hơn 500 chuyến bán hàng lưu động để hỗ trợ 36 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện BOTT, với tổng giá trị hàng hóa thực hiện bán hàng lưu động đạt hơn 30 tỷ đồng.
Người dân mua hàng từ xe bán hàng lưu động Co.opmart. Ảnh: THÀNH TRÍ
Ba nhóm khác gồm Hội Lương thực thực phẩm thành phố (FFA) tổ chức bán hàng lưu động tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN), xí nghiệp đông công nhân theo hình thức liên kết, mua trả chậm. Hiệp hội Các DN trong KCX-KCN (HBA) tổ chức bán hàng lưu động định kỳ 20 chuyến/tháng trong các KCX-KCN. Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức 4 chuyến bán hàng lưu động, phân phối trứng gia cầm và thực phẩm chế biến tại các quận 2, Thủ Đức, Tân Bình.
Theo kế hoạch, trong Chương trình BOTT năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017, các DN sẽ phấn đấu thực hiện đạt tổng số 1.300 chuyến bán lưu động để cung ứng hàng BOTT đến tay người tiêu dùng tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN. Đồng thời, đưa hàng BOTT vào bếp ăn tập thể, căn tin trong KCX-KCN, xí nghiệp đông công nhân, trường học và không để xảy ra khan hiếm cục bộ các nhóm hàng trong Chương trình BOTT.
Từ nay đến cuối năm, tổ công tác giao cho 3 DN đầu mối là Saigon Co.op, Satra, Ba Huân xây dựng kế hoạch, lịch trình cụ thể, thông báo đến các DN trong nhóm để cùng thực hiện. Để tránh lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả thực hiện, các DN đầu mối liên hệ chặt chẽ, chia sẻ thông tin, không để các chuyến bán hàng lưu động tổ chức trùng lắp về thời gian và địa điểm. Ưu tiên thực hiện tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu vực gần và trong KCX-KCN, xí nghiệp có số lượng lao động lớn. Mặt khác, các DN này phải có kế hoạch ứng phó, kịp thời bán hàng lưu động đột xuất khi có yêu cầu của Sở Công thương để xử lý biến động thị trường (nếu có).
Ngoài 3 DN đầu mối nêu trên, sở cũng giao cho Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cần Giờ làm đầu mối tổ chức thực hiện tại huyện Cần Giờ; hỗ trợ Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Nhân Dân làm đầu mối tổ chức thực hiện tại các KCX-KCN. Các DN tăng cường phối hợp Hiệp hội Các DN KCN để tham gia các phiên chợ công nhân, các chuyến bán hàng lưu động tập trung. Về tổ chức đưa hàng vào các bếp ăn tập thể, căn tin trường học, bệnh viện sẽ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện để cung ứng hàng BOTT vào các trường học nội trú, bán trú, trường mẫu giáo; phối hợp Sở Y tế đưa hàng BOTT vào căn tin bệnh viện; phối hợp Ban Quản lý các KCX-KCN (HEPZA) đưa hàng BOTT vào bếp ăn tập thể tại các KCX-KCN.
Để đảm bảo việc bán hàng lưu động đạt hiệu quả, đúng mục đích, kế hoạch cũng phân rõ trách nhiệm của từng sở, ngành. Cụ thể, Sở Công thương sẽ theo dõi, đôn đốc, kịp thời hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện, điều phối hàng hóa khi cần thiết. Hỗ trợ DN xin cấp phép lưu thông giờ cao điểm đối với xe tải chuyên dùng vận chuyển hàng hóa BOTT. Sở Công thương có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo UBND TP kết quả công tác bán hàng lưu động hàng tháng.
Các DN BOTT thực hiện đầy đủ các chuyến bán hàng lưu động do DN đầu mối tổ chức và các trường hợp đột xuất khi có yêu cầu của Sở Công thương. Kịp thời thông tin Sở Công thương về các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, đảm bảo hiệu quả thực hiện chương trình.
Đối với DN là đầu mối bán hàng lưu động cần xây dựng kế hoạch, lịch trình cụ thể thực hiện hàng tháng, báo cáo Sở Công thương; thông báo đến các DN trong nhóm bán hàng lưu động để triển khai thực hiện. Thông báo trước lịch bán hàng lưu động đến HEPZA, UBND quận, huyện để phối hợp thực hiện
TƯỜNG DÂN