Một trong những nét đặc trưng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đã được Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng chỉ ra: “Sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”. Tính giản dị trong lối sống của con người Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của một dân tộc sinh ra, lớn lên và gắn bó với nền văn minh lúa nước, gắn kết với cộng đồng làng xã. Thời xa xưa, do nghề trồng lúa nước phải phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, nên người Việt luôn có ý thức tích cốc phòng cơ, chi tiêu tiết kiệm, sinh sống đạm bạc, giản dị, phòng khi mùa màng thất bát hay thời kỳ giáp hạt khó khăn vẫn có của ăn của để nhằm tránh rơi vào tình cảnh đói khát.
Theo quan niệm của ông cha ta, tính giản dị trong lối sống không phải là “gò” mình vào cuộc sống kham khổ, cũng không phải là thói keo kiệt bủn xỉn đến mức giống anh chàng “đến chết vẫn hà tiện” như một câu chuyện ngụ ngôn, mà đó chính là một phương châm sống lành mạnh, một nếp sống thanh cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và không rời xa những chuẩn mực đạo đức chung của cộng đồng. Từ xưa đến nay, những bậc chí sĩ, túc nho, văn nhân, anh hào đều lấy sự thanh tao trong cuộc sống làm niềm vui, coi tính giản dị trong lễ tiết, tác phong và nếp sống làm trọng. Nhiều vị quan thanh liêm còn sống mãi với nhân dân, trường tồn trong lòng dân tộc bởi họ có một điểm chung: Đó là lòng yêu nước thương dân, tự nguyện hòa mình vào cuộc sống cần lao của người dân, không bao giờ sống hưởng thụ, xa hoa trong khi đời sống đồng bào còn nhiều gian khó.
Thời nay, khi kinh tế-xã hội đất nước phát triển, của cải vật chất dồi dào hơn, nhân dân nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng không nhất thiết phải sống tằn tiện như thời bao cấp. Tuy vậy, cán bộ, đảng viên cũng không nên và không được phép sống xa hoa, cách biệt với nhân dân, bởi sống như vậy không chỉ là xa rời những giá trị truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, mà còn trái với đạo đức cách mạng của người cộng sản. Điều cảnh báo mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra: Một bộ phận cán bộ, đảng viên sống “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân” có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất.
Việc Đảng ta nhận định một bộ phận cán bộ, đảng viên sống “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn của người dân” là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là có cơ sở. Bởi sự thờ ơ, vô cảm, thái độ bàng quan, lạnh lùng, thiếu đồng cảm và tình thương yêu đồng loại là hoàn toàn xa lạ, trái ngược với giá trị đạo đức của con người. Đối với cán bộ, đảng viên mà thờ ơ, vô cảm lại càng đáng phê phán, vì đây là “triệu chứng” làm cho căn bệnh ích kỷ cá nhân có cơ hội lên ngôi và cũng là mầm mống của sự sa ngã, tha hóa về phẩm chất đạo đức cách mạng.
Thời gian qua, không khó để nhận diện được những biểu hiện sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nếu thấu hiểu đời sống còn nhiều khó khăn của người dân, thì không có tình trạng cán bộ ở nhiều địa phương sa đà vào ăn uống, nhậu nhẹt, tiếp khách lãng phí, thậm chí có xã nghèo ghi nợ chủ quán hàng chục triệu đồng. Nếu hiểu lòng dân, cũng khó diễn ra cái cảnh đám cưới rình rang, đình đám, phô trương của con “ông bí thư nọ, bà chủ tịch kia” giữa thanh thiên bạch nhật. Nếu thực tâm sẻ chia với đời sống lam lũ của bao người dân quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng và quý trọng từng thước đất trồng lúa, trồng cây của bà con nông dân, thì cũng không có chuyện mấy ông cán bộ sở, ngành, doanh nghiệp ở một số địa phương (Yên Bái, Đắc Lắc, Đồng Nai, Sóc Trăng…) xây dựng những công trình tư gia hoành tráng trên đất lâm, nông nghiệp. Hay gần đây, câu chuyện ồn ào về con gái một cán bộ nguyên lãnh đạo cao cấp ngành ngân hàng sở hữu một biệt phủ rộng hơn hai nghìn mét vuông ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) khiến dư luận không khỏi hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ khối tài sản “khủng” của một người phụ nữ mới 22 tuổi; đồng thời dư luận cũng đặt dấu hỏi về phẩm chất liêm chính, đức tính giản dị của một cán bộ từng công tác lâu năm trong một ngành quan trọng của đất nước.
Có lẽ không ngẫu nhiên mà trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Sơn La tổ chức tháng 7-2017, sau khi kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hướng về miền núi đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển cho các tỉnh vùng cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi. Cũng từ diễn đàn này, Thủ tướng đã “đánh động lương tâm” những cán bộ, đảng viên đang có biểu hiện trượt dài vào lối sống xa hoa cần phải nhớ đến những câu chuyện cảm động về tinh thần hy sinh, nghĩa tình cao cả mà các thầy cô giáo ở những vùng lũ lụt đã hết lòng vì học sinh thân yêu, hết lòng vì thế hệ tương lai của đất nước; nhớ đến hàng vạn hộ dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang phải lo toan vất vả để kiếm kế sinh nhai, chắt chiu từng đồng tiền để nuôi con ăn học.
Vẫn biết, cán bộ, công chức, đảng viên cũng là con người, do vậy ai cũng có nhu cầu thiết thân như bao người dân trong xã hội. Nhưng cán bộ, công chức, đảng viên có sứ mệnh cao cả là cùng các cấp ủy, chính quyền chăm lo cuộc sống, công ăn việc làm, học hành, sức khỏe… của người dân, nên phải có trách nhiệm với từng “đồng tiền bát gạo” mà người dân đã đóng góp, nuôi dưỡng bản thân mình. Mặt khác, cán bộ, công chức là hình ảnh thu nhỏ của bộ máy công quyền, do đó phải có trách nhiệm là tấm gương soi chiếu, dẫn dắt toàn dân hướng về và thực hiện những điều tốt đẹp, văn minh để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên tự mình thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” như lời Bác Hồ đã dạy; đồng thời luôn biết tiết chế, kiểm soát bản thân để không bị sa ngã, quyến rũ bởi những cám dỗ vật chất tầm thường.
Rèn luyện nếp sống thanh cao, giản dị; hòa chung với nhịp sống cần lao của người dân; cùng thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn của đồng bào; lắng nghe nỗi niềm lo lắng của bà con và tìm cách tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc từ cơ sở… không chỉ góp phần tôn lên vẻ đẹp nhân cách của người cán bộ, đảng viên, mà đó còn là việc làm thiết thực để góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về đạo đức.
Thiện Văn – Báo Quân Đội Nhân dân