Tại tỉnh Hà Giang, đoàn đã đến viếng Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên, nằm trên điểm cao 468 ở lưng chừng núi Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên), nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tại đây, đoàn đã được giao lưu với bác Vàng Văn Xuyên, Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên năm xưa, và được ôn lại những ký ức hào hùng, được tận mắt chứng kiến và nghe kể về một loạt địa danh với những cái tên không thể lẫn vào đâu như “Ngã ba cửa tử”, “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”…
Đó là một loạt những mỏm núi, thung lũng, bao xung quanh khu vực cửa khẩu Thanh Thủy, và tên gọi của những địa danh đó đã nói lên sự "kinh hoàng" của cuộc chiến này. Đứng trên đài hương nhìn xuống, thung lũng Nậm Ngặt xanh ngát màu xanh của cây cối, lác đác những nếp nhà sàn êm ấm, yên bình. Và trong trái tim mỗi người vẫn chứa chan một niềm tin mãnh liệt: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Máu của các anh đã tô thắm thêm lá cờ cách mạng, da thịt của các anh đã hòa vào đất, đá biên cương để mảnh đất nơi đây mãi xanh tươi và trường tồn cùng đất nước.
Trong cùng ngày, đoàn đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi an nghỉ của hơn 1.700 liệt sĩ. Các anh đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước, là những thanh niên vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng hy sinh trong 10 năm chiên đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tổ quốc.
Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa có quý mô lớn, thể hiện sự tri ân, tôn vinh của Đảng, Nhà nước, của Quân đội và nhân dân ta đối với những người con yêu quý của dân tộc đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Trong ánh nắng chiều giữa vùng biên giới, các thành viên của đoàn thắp nén hương tri ân cho từng ngôi mộ, trong đó có hơn 264 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên và một ngôi mộ tập thể của các chiến sỹ hy sinh trong hang Sập, với cảm xúc nghẹn ngào, qua đó thêm trân quý giá trị của hòa bình.
Cũng trong hành trình, đoàn ghé thăm Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú nơi địa đầu Tổ quốc, có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, nơi khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, của đồng bào, chiến sĩ nơi đây.
Tại thành phố Hà Nội, đoàn đã đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụm công trình: Phủ Chủ Tịch, nhà sàn, ao cá Bác Hồ, đường Xoài hoa trắng nắng đu đưa…
Từ miền Nam xa xôi, sau bao chờ đợi, tâm hồn rộn ràng theo từng đoàn người xếp hàng dài đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, đoàn đã vào đến lăng, đến bên Bác, ai cũng vô cùng xúc động, cũng muốn dừng chân lâu hơn để ngắm nhìn thật kĩ dáng ngủ yên bình của Bác. Đứng giữa quảng trường đầy gió, đầy nắng, với hàng tre xanh, với ao cá, vườn cây, với màu cờ đỏ thắm… trong lòng mỗi người vẫn mãi vẳng bên mình lời hát:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi
Muốn làm con chim ca hót quanh lăng
Muốn làm bông hoa hương toả đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.
(Viễn Phương)
Hành trình kép lại đã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, tuổi trẻ Satra về lòng yêu nước, nhận thức về quá trình 50 năm thực hiện Di chúc của Người, qua đó tự mình soi xét kết quả thực hiện những lời dặn dò của Bác; thấy được tầm nhìn vĩ đại của Bác; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cán bộ, đoàn viên tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thủy Tiên