Ngoài ra, UBND TP cũng ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết với 7 nhóm giải pháp và 160 nhiệm vụ cụ thể. Với sự quyết tâm cao, chương trình đã tạo ra những điểm sáng và kết quả có thể nhìn thấy được. 
 
Người đi xe buýt được phục vụ tốt hơn
 
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, bà thường xuyên sử dụng xe buýt đi lại từ nơi ở là chung cư Gia Phú (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) đến nơi làm việc ở quận Tân Bình dài khoảng 10km. Tuyến xe buýt được bà Thảo lựa chọn là tuyến buýt có trợ giá số 149 (từ Công viên 23-9 – quận 1 đến Khu dân cư Bình Hưng Hòa B – quận Bình Tân). “Xe buýt chạy tuyến này đều là xe mới, có máy lạnh. Tài xế và tiếp viên đã thân thiện hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, hàng ngày xe buýt tuyến này chạy chuyến đầu tiên cũng sớm (trước 5 giờ sáng) nên khá thuận lợi. Khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc khá xa, nếu đi xe máy phải chen lấn rất vất vả với phụ nữ như tôi. Nhưng đi xe buýt rất mất thời gian! Để không bị trễ giờ làm việc, tôi thường phải đi sớm hơn một giờ. Chính vì đi xe buýt mất nhiều thời gian nên nếu không được cải thiện, tôi e mình phải lựa chọn khác”, bà Thảo nói.
 
 
Khai thông 7 chương trình đột phá: Hiệu quả nhìn từ phát triển hạ tầng giao thông   ảnh 1
Kênh Tân Hóa – Lò Gốm được cải tạo khang trang, sạch đẹp                 Ảnh: VIỆT DŨNG 
 
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM), nhìn nhận, việc đảm bảo giờ giấc cho người đi xe buýt là rất quan trọng để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng này. Ông Trung cũng cho rằng, trong thời gian chờ hoàn thiện loại hình vận tải hành khách công cộng sức chở lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh… thì việc tập trung nguồn lực phát triển xe buýt là rất cần thiết nhằm đảm bảo người dân tiếp cận, sử dụng xe buýt thuận tiện, an toàn và đúng giờ giấc. Những yêu cầu này rất quan trọng để giữ chân những người đang lựa chọn xe buýt và thu hút những người khác sử dụng xe buýt, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.
 
Trước đó, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020, được UBND TP ban hành vào tháng 11-2016 đã đặt chỉ tiêu đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt 15%-20% nhu cầu giao thông đô thị (trong đó hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi phấn đấu đạt 15%-17%). “Theo yêu cầu của UBND TP, trong 6 tháng đầu năm 2017 phải giữ, không để lượng người đi xe buýt sụt giảm. Kế đó, trong 6 tháng cuối năm phải thu hút người dân đi xe buýt tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết.
 
Từ yêu cầu này, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo, cùng các đơn vị trực thuộc rà soát, tổ chức lại luồng tuyến để người dân đi xe buýt thuận tiện hơn. Cụ thể, Sở GTVT đang phối hợp xây dựng đề án quy hoạch lại mạng lưới luồng tuyến xe buýt đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Song song đó là việc đầu tư các bến bãi như đàm phán mở mới bến ở dạ cầu Sài Gòn; nâng cấp, sửa chữa bến xe Chợ Lớn, bến xe Tân Phú…; mở các tuyến xe buýt bổ sung và tiếp tục làm mới khoảng 100 nhà chờ xe buýt và dần thay thế toàn bộ các xe buýt còn lại. Một giải pháp quan trọng nữa là công tác ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Ngoài ra, đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động xe buýt là Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM còn có quy chế phối hợp với cảnh sát hình sự TPHCM ngăn chặn nạn chèo kéo, móc túi trên xe buýt để người dân an tâm sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển.
 
“Thời gian qua, phương tiện vận tải hành khách công cộng (trong đó có taxi) đã bị cạnh tranh mạnh bởi mô hình xe Uber, Grab nên số người đi giảm mạnh. Nhưng thông qua các nỗ lực đã nêu, tính từ đầu năm đến nay, số người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng đã tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, riêng xe buýt có trợ giá tăng khoảng 2,3%”, ông Trung nói.
 
Nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông
 
Nhìn rộng hơn về chương trình đột phá giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, theo báo cáo của UBND TP, lãnh đạo TP đã chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, TP đã bổ sung cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, cầu thay thế phà Cát Lái và đường song hành với quốc lộ 50 vào quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Đặc biệt, TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý về nguyên tắc triển khai một số công trình chống ùn tắc giao thông theo lệnh khẩn cấp.
 
Về các dự án đã hoàn thành, Sở GTVT cho biết, từ năm 2016 đến nay, TPHCM đã đưa vào khai thác sử dụng hàng loạt công trình giao thông như cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông; đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài; nâng cấp, mở rộng đường Trần Não (quận 2); đường vào cảng Phú Hữu; cầu kênh N31A Tỉnh lộ 8; cầu Rạch Rộp 1 – Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), cầu vượt ngã tư Gò Mây, đường dưới dạ cầu Mỹ Thủy (quận 2), cầu vượt ngã sáu Gò Vấp (nhánh 1), cầu Hang trong và đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)… Các công trình trên đã góp phần vào con số hơn 66km đường làm mới (đạt 24,38% chỉ tiêu kế hoạch), xây dựng 12 cây cầu mới (đạt 15,79%) trên địa bàn. 
 
Cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất (nguồn kenh14.vn)
 
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, từ nay đến cuối năm có một số dự án công trình giao thông sẽ hoàn thành vượt tiến độ, như cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất, cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Cạnh đó, Sở GTVT cũng đang tập trung hoàn thiện nhiều công trình giao thông trọng điểm khác như hầm chui An Sương, công trình nút giao ở vòng xoay Mỹ Thủy; nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội… nhằm từng bước hoàn thiện các công trình giao thông theo quy hoạch, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cho TPHCM.