Những chủ đề nóng

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde thừa nhận bức tranh kinh tế toàn cầu hiện không có nhiều điểm sáng, khi tăng trưởng kinh tế yếu ớt nguy cơ đe dọa tiến trình hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực trước năm 2030. Hai nhà lãnh đạo đã hối thúc các nước tăng cường nỗ lực thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ngăn chặn suy thoái, đồng thời nỗ lực chống các cuộc tấn công chính trị đang ngày càng gia tăng nhằm vào thương mại tự do và quá trình toàn cầu hóa. Do đó, các nước cần nhanh chóng triển khai những chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm đối phó với một loạt nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới.

 

 

Trong ngày họp đầu tiên, đại diện các nước cũng thảo luận về vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống nạn trốn thuế và rửa tiền trong việc giúp các quốc gia củng cố tài chính và thúc đẩy tăng trưởng. Chủ tịch WB nhấn mạnh các hoạt động tài chính bất hợp pháp đang làm suy yếu cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng. Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính đến từ 5 nền kinh tế hàng đầu của châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã đề xuất lập một danh sách đen các “thiên đường trốn thuế” nếu những nước này không chia sẻ các dữ liệu đăng ký doanh nghiệp và thông tin thuế. Mục đích của yêu cầu này là nhằm xác định chủ thể thực sự đứng sau các công ty, các quỹ tín thác và các thực thể khác nhằm ngăn chặn việc trốn thuế. Những nước này cũng hối thúc các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chấm dứt việc giữ bí mật thông tin về các công ty “ma” giúp tiếp tay cho hành vi trốn thuế, rửa tiền và tham nhũng. Giới chức IMF gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được” của những nhân vật giàu có trong bối cảnh tại nhiều nơi trên thế giới, người dân được yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn vào hệ thống tài chính công.

Nỗi lo Brexit

Tại cuộc gặp, các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương đến từ 189 nước thành viên cũng thảo luận về những thiệt hại của kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) = Brexit – mà cả Tổng Giám đốc IMF và Chủ tịch WB đều cảnh báo đây là “một vấn đề nghiêm trọng” đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Trước thềm hội nghị, trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, IMF đánh giá “Brexit” sẽ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và gây ra “những thách thức lớn” cho cả nước Anh và phần còn lại của châu Âu. Thiết chế tiền tệ lớn hàng đầu thế giới này cũng cho rằng cuộc trưng cầu ý dân để cử tri lựa chọn ra đi hay ở lại với EU mà nước Anh đã gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư và một kết quả “ra đi” sẽ càng khiến sự bất ổn này gia tăng. IMF cảnh báo rằng việc nước Anh rời khỏi EU sẽ “làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương”, thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng nhu cầu trong nước – vốn được thúc đẩy nhờ giá năng lượng thấp hơn và thị trường bất động sản đang lên – sẽ giúp hạn chế bớt tác động đối với tăng trưởng của nước Anh trước thềm cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. “Brexit” được xếp như một trong bảy “rủi ro tiêu cực” chính của kinh tế thế giới, có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin và đầu tư cũng như làm tăng tính dễ tổn thương của các thị trường tài chính.

Giải pháp cho tăng trưởng

Trong bối cảnh những nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu đang hiện hữu, các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương đã thảo luận những biện pháp cấp thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng trên thế giới. Hiện ngày càng có nhiều quốc gia tìm kiếm viện trợ từ IMF và WB. Mới nhất, Angola – quốc gia chịu tác động nặng nề của tình trạng giá dầu lao dốc – đã yêu cầu IMF cung cấp một gói viện trợ có thời hạn trong 3 năm. Do đó, tại hội nghị lần này, các nước thành viên IMF và WB đặt mục tiêu vạch ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm đảo ngược xu thế suy thoái, theo đó các nước giàu cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng; trong khi các nước khác cần tiến hành tái cơ cấu và cải cách theo hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Trong trường hợp không có sự đồng thuận về một nỗ lực tập thể, giới chức các nước nhiều khả năng sẽ tìm kiếm một kế hoạch B cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện Đức – quốc gia luôn bị thúc ép đẩy mạnh đầu tư – muốn thấy những biện pháp cải cách được các nước khác triển khai. Trong khi đó, Mỹ – nền kinh tế đầu tàu thế giới  – lại muốn những nước khác thể hiện trách nhiệm hơn trong thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

 

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)