Những đại án, những nghi can tham nhũng thất thoát, những cán bộ lãnh đạo thiếu trách nhiệm, những phi vụ lũng đoạn ngân hàng, những cá nhân mưu toan trục lợi… đang dần được đưa ra ánh sáng, những vùng cấm được tháo bỏ từ từ. Có những tín hiệu mạnh mẽ từ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, của Chính phủ đang cho phép đưa ra nhìn nhận về một sự hy vọng.

Vì ai mới có điều kiện, có cơ hội tham nhũng. Đó chính là những cán bộ lãnh đạo từ địa phương cho đến Trung ương, đó là những cán bộ thoái hóa biến chất, những người xác định làm cán bộ là để vinh thân phì gia.

Mà có lần đương đầu với những người vừa có quyền, vừa có tiền ấy lại dễ dàng bao giờ. Đó là chưa kể đến sự cấu kết chặt chẽ để chống lại quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, của tổ chức.

1. Mấy năm trước trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trích dẫn một câu chuyện có thật để nhân dân dễ mường tượng hơn về khó khăn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tôi xin trích dẫn lại: "Vụ Đồ Sơn (Hải Phòng) rõ ràng có nghị quyết của Thị ủy chia đất ông Bí thư trước, ông Phó Bí thư sau; trưởng phòng chia trước, phó phòng chia sau; ông cũ chia trước, ông mới chia sau. Cậu Phú là Đại tá Công an mới nghỉ hưu 2 năm đến xin gặp Bí thư Thị ủy phản ánh, Bí thư không thèm nghe lại còn thách "anh muốn làm gì thì làm" (công dân Đinh Đình Phú, người đã kiên quyết đấu tranh trước vụ tiêu cực Thị ủy Đồ Sơn lấy đất tái định cư của dân chia cho cán bộ – PV).

Anh Phú vác (đơn tố cáo và tài liệu) ra đây gặp tôi. Đọc xong, bực mình quá, tôi gọi anh Quách Lê Thanh (Tổng Thanh tra Chính phủ), gọi chị Doan bên Kiểm tra (bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – PV). Sau đó các cơ quan chức năng mới xuống làm…

 

Minh họa: Lê Phương.

Hôm xuống Đồ Sơn nghỉ, nhân tiện tôi gọi cả hai cậu kia (Bí thư Thị ủy và Chủ tịch UBND thị xã) lên, hai cậu vẫn chối bai bải: "Không có, chuyện đó là do mấy thằng nói bậy bạ". 

Tôi vừa về một cái, họ cho gọi cậu Phú lên dọa anh cứ lên gặp bác Phiêu như thế thì sẽ thế này thế khác. Đã thế lại còn viết công văn gửi xuống chi bộ đòi kiểm điểm cậu Phú. Rồi can thiệp cả vào chuyện không cho cậu ấy tham gia chơi chọi trâu. Tiểu nhân thế đấy!

Tôi phải đem chuyện nói lại với anh Mạnh (Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh – PV), anh Khải (Thủ tướng Phan Văn Khải – PV). Chi bộ họp không những không kỷ luật cậu Phú mà còn đề nghị khởi tố mấy ông Bí thư (thị ủy), Chủ tịch (thị xã) kia. Đến giờ thì Thủ tướng đã gửi thư khen cậu Phú rồi.

Một Đại tá Công an mới nghỉ hưu có 2 năm đã bị như vậy, người dân bình thường thì thế nào?", (Trích Báo Tuổi trẻ, 25-5-2015).

Cách đây vài hôm, tôi có tham gia vào một talk show trên truyền hình nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, trò chuyện mãi lại đụng đến chuyện hai công dân khiếu nại tình trạng trục lợi ngân sách bằng cách lập mấy nghìn hồ sơ thương binh giả để lấy tiền tỷ chia nhau. 

Hai công dân gương mẫu ấy không biết phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn từ phía chính quyền địa phương, từ hù dọa công khai cho đến ném đá giấu tay âm thầm tung tin bôi nhọ. 

Mãi đến khi có kết luận từ cơ quan chức năng, những cá nhân vi phạm bị xử lý, họ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen thì mọi chuyện mới kết thúc trong viên mãn.

Trên thực tế thì nham nhũng hiện tại đã diễn tiến hết sức khó lường, bất cứ lĩnh vực nào cũng dễ dàng xảy ra tình trạng tham nhũng, tham nhũng ngân sách, tham nhũng quyền lực… Những câu chuyện đề bạt người thân làm lãnh đạo, đề bạt người nhà làm cán bộ lãnh đạo không phải là tham nhũng quyền lực thì là gì? Từ tham nhũng quyền lực mới nảy sinh ra tham nhũng ngân sách, cứ như vậy thành một vết trượt dài không gì níu kéo được.

2. Tháng 6-2016, Tổng Bí thư chỉ đạo rất quyết liệt vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh (khi ấy đang nắm giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc hội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lập lại cụm từ "việc cần làm ngay" mà nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng sử dụng trên Báo Nhân dân trước đó để xác tín tầm quan trọng của vụ việc.

Theo đó thì: "Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban Cán sự đảng Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét. 

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư".

Chỉ đạo mạnh mẽ của Tổng Bí thư đã được hưởng ứng nhiệt liệt và thực hiện nghiêm túc, hàng loạt sai phạm của các cán bộ lãnh đạo cao cấp đã bị thanh tra, kết luận mà có hình thức xử lý đúng pháp luật.

Thời điểm ấy tôi đã viết: "Tiền nhân đúc kết: "Một lần thất tín, vạn lần bất tin". Vì vậy, tôi cho rằng cụm từ trong chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, "coi đây là việc cần làm ngay" chính là một tín hiệu mạnh mẽ cho công cuộc chấn chỉnh lại lề lối đề bạt cán bộ lãnh đạo.

Bởi như đồng chí Tổng Bí thư đã từng thẳng thắn nói: "Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng còn chưa được bảo đảm thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội".

Ý Đảng, lòng dân cũng nằm trong cụm từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, "Coi đây là việc cần làm ngay". Và việc cần làm ngay ấy không chỉ là vụ việc cá biệt của ông Trịnh Xuân Thanh".

Và với những gì đang diễn ra cho đến lúc này, có thể khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, chống cán bộ tha hóa biến chất, làm sạch bộ máy, củng cố bộ máy của Tổng Bí thư nói riêng, của Đảng nói chung đang được đẩy lên cao trào hơn bao giờ hết.

Một tín hiệu rất phấn khởi để thắp lên hy vọng. 

Ngô Nguyệt Lãng