TCCS – Các quốc gia châu Á (trong đó có Việt Nam), gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, đều rất coi trọng phát triển kinh tế số trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; coi kinh tế số là bước phát triển mới, mô hình kinh tế mới. Các quốc gia đều đưa ra giải pháp để chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế số. Tuy nhiên, mỗi quốc gia với đặc điểm, thế mạnh riêng sẽ có cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển khác nhau. Từ kinh nghiệm của các quốc gia, có thể rút ra một số gợi ý chính sách áp dụng cho Việt Nam để phát triển kinh tế số trong ngắn hạn và dài hạn.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia châu Á

Nhật Bản

Nhật Bản đã xây dựng Chương trình phát triển kinh tế số (nằm trong Chương trình tổng thể về xã hội 5.0). Xã hội 5.0 của Nhật Bản bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, gồm phát triển xã hội siêu thông minh, phát triển các ngành chế tạo và các ngành công nghiệp khác, với mục đích thúc đẩy phát triển xã hội toàn diện. Nhật Bản đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, biện pháp, như:

Thứ nhất, chiến lược đầu tư nhằm tăng năng suất của nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh phát triển kinh tế số. Chiến lược này tập trung vào các nội dung cơ cấu lại các ngành kinh tế và việc làm để thích ứng với kinh tế số, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm hạ tầng an ninh thông tin để tăng cường an ninh mạng; thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Thứ hai, xây dựng, thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia công nghệ thông tin tiên tiến nhất thế giới. Nhật Bản xác định công nghệ thông tin là trụ cột của chiến lược tăng trưởng, là giải pháp giúp vượt qua tình trạng trì trệ và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Thứ ba, chiến lược về an ninh mạng, trong đó, tập trung vào ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tăng cường khả năng phát hiện, chống lại các cuộc tấn công mạng. Chiến lược này nhằm tăng cường việc bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin cho nền kinh tế Nhật Bản thông qua việc phát triển các hệ thống internet vạn vật (IoT) an toàn.

Hàn Quốc

Hàn Quốc không phải quốc gia đi đầu trong phát triển kinh tế số nhưng kinh nghiệm của Hàn Quốc được đánh giá là phù hợp cho Việt Nam tham khảo.

Thứ nhất, trong nội dung chính sách phát triển kinh tế, Hàn Quốc xác định nguồn lực, động lực, ngành sản xuất chính, chủ yếu cho phát triển kinh tế là những ngành kinh tế số gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đây là những ngành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, Hàn Quốc chủ động thực hiện chính sách phổ cập internet cho người dân. Chính phủ Hàn Quốc triển khai mạnh mẽ các sáng kiến về giáo dục và hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tạo một khởi đầu hoàn hảo và các chính sách này đang tiếp tục được thực hiện hiệu quả.

Thứ ba, Hàn Quốc cũng chú trọng xây dựng chính phủ điện tử (E-government) nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi, số hóa nền kinh tế. Những nỗ lực đầu tiên trong việc xây dựng chính phủ điện tử được tiến hành vào cuối những năm 1980 bằng việc thực hiện dự án Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia (NBIS), trong đó tập trung vào việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn quốc. Các sáng kiến chính phủ điện tử của Hàn Quốc tập trung vào 3 mảng dịch vụ chính, bao gồm: Chính phủ vì công dân (G4C); Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); Chính phủ với Chính phủ (dịch vụ liên chính phủ – G2G). Hàng nghìn dịch vụ công đã có sẵn trên mạng thông qua các biểu mẫu điện tử trên khắp các trang web chính phủ Trung ương, khu vực và địa phương.

Thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc chủ động và khẩn trương phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số, coi đây là nhiệm hết sức quan trọng, hàng đầu của chính quyền hiện nay. Để phát triển kinh tế số, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc nâng cao vị thế và quyền hạn của Cơ quan Đổi mới khoa học và công nghệ (STI), tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và phát triển; thành lập Ủy ban Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trực thuộc Tổng thống để lập kế hoạch cho các ngành công nghiệp trong tương lai, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng, triển khai các đề án phát triển khoa học – công nghệ, đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, như “Kế hoạch hành động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; “Kế hoạch xúc tiến động lực tăng trưởng sáng tạo”, gồm 13 lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng của Hàn Quốc: Dữ liệu lớn, viễn thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, máy bay mi-ni không người lái, chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, thành phố thông minh, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, rô-bốt thông minh, chíp bán dẫn thông minh, vật liệu tiên tiến, thuốc mới và năng lượng mới. Điểm đáng lưu ý trong chính sách phát triển kinh tế số của Hàn Quốc là nước này xác định phát triển kinh tế số phải là sự phát triển tổng hợp, liên ngành của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành, lĩnh vực công nghiệp, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và phát triển, thông tin truyền thông. Hàn Quốc cũng định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế thực hiện việc chuyển đổi số theo các nhóm, gồm thương mại hóa sớm, công nghệ nguồn, nhóm do Nhà nước trực tiếp đầu tư, nhóm do Nhà nước hợp tác với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu…

Thứ năm, để phát triển kinh tế số, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ cho một số dự án trên lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ số; quản trị rủi ro, giảm nhẹ gánh nặng khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thất bại, như xóa bỏ quy định về bảo lãnh liên đới; có chính sách ưu đãi các nhà nghiên cứu, giáo viên đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực kỹ thuật số;…

Trung Quốc

Để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số, Trung Quốc đề ra các chính sách hỗ trợ, chính sách quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế số:

Thứ nhất, trong định hướng chính sách phát triển kinh tế số, Trung Quốc thực hiện việc bảo hộ thị trường công nghệ số trong nước nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, khẳng định vị thế độc quyền. Các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để chiếm lĩnh thị trường công nghệ số trong nước trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Thứ hai, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển mạnh mẽ cho khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực, ngành công nghệ số. Hiện nay, Trung Quốc nằm trong “top” ba thế giới về đầu tư vốn mạo hiểm vào các công nghệ kỹ thuật số quan trọng, bao gồm thực tế ảo, xe tự hành, in 3-D, rô-bốt, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI)… Về chính sách quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ số, trước hết, Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi công nghệ vừa phải như thương mại điện tử, sau đó, tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ số yêu cầu kỹ thuật cao hơn, như trí tuệ nhân tạo, rô-bốt,…

Giới thiệu sản phẩm công nghệ tại Triển lãm Kinh tế Kỹ thuật số quốc tế Trung Quốc 2023 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc_Ảnh: THX

Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc cũng tạo điều kiện và không gian để các doanh nghiệp số thử nghiệm, đồng thời vừa là nhà đầu tư, vừa là người tiêu dùng các công nghệ số.

Thứ tư, Trung Quốc chú trọng việc phát triển, chuyển đổi các phương thức, giao dịch trong nền kinh tế sang sử dụng công nghệ số, tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử và thương mại điện tử. Năm 2004, Trung Quốc chủ trương thành lập chính phủ điện tử bằng việc phát triển chữ ký điện tử, yêu cầu các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương phải thiết lập trang web riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến, tạo thuận lợi cho công việc và đời sống của người dân. Trung Quốc phát triển mạnh ngân hàng điện tử, phương thức cho vay ngang hàng (P2P lending) dựa trên internet. Trung Quốc khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử trong nền kinh tế. Hình thức thanh toán dùng tiền mặt ngày càng giảm và được thay thế bằng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại, như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử. Nhiều sản phẩm tiêu dùng cơ bản đều cho phép thanh toán di động. Hai ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc là WeChat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba. Đây là loại hình thanh toán dùng ví điện tử qua điện thoại di động, đòi hỏi người dùng phải đăng ký bằng tên thật, kết nối với tài khoản ngân hàng.

Thứ năm, Trung Quốc xây dựng Kế hoạch Hành động internet cộng (internet plus) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thông thường hội nhập internet bằng cách sử dụng công nghệ của các công ty internet lớn (như Baidu, Alibaba, Tencent…). Theo đó, Trung Quốc phát triển mạnh các dịch vụ dựa trên internet và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các dịch vụ này với doanh nghiệp. Trung Quốc cũng phát triển một hệ sinh thái công nghiệp mới trên nền tảng internet, bao gồm mạng lưới, dịch vụ và các ngành công nghiệp kết nối internet.

Singapore

Singapore đặt mục tiêu rất rõ ràng là trở thành nền kinh tế số dẫn đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Singapore thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện, các yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số:

Thứ nhất, Singapore xây dựng kế hoạch toàn diện hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Kế hoạch này bao gồm hỗ trợ chuyển đổi số trên diện rộng và hỗ trợ chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Kế hoạch chuyển đổi số diện rộng của Singapore bao gồm 23 bản đồ chuyển đổi ngành để giúp các doanh nghiệp chuẩn bị cho nền kinh tế số thông qua các biện pháp về đổi mới và tăng năng suất. Trong các kế hoạch chuyển đổi số này có các khoản kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực số ở từng giai đoạn và các khoản kinh phí này nằm trong ngân sách hằng năm của Chính phủ Singapore. Trong quá trình số hóa, các doanh nghiệp Singapore thường xuyên nhận được các tư vấn, hỗ trợ để điều chỉnh, thiết kế kế hoạch số hóa của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cho các giải pháp công nghệ được phê duyệt để số hóa.

Kế hoạch tổng thể iN2015 đã được ban hành để thực hiện chuyển đổi số. Kế hoạch đề ra mục tiêu rõ ràng, tạo thêm 80.000 việc làm; 90% sử dụng băng thông rộng tại nhà; 100% quyền sở hữu máy vi tính trong gia đình có trẻ em đi học. Năm 2019, Cơ quan Phát triển truyền thông thông tin Singapore (IMDA- Infocomm Media Development Authority) đã triển khai các chương trình “5G Inovation” với mục đích nghiên cứu và đánh giá các hiệu quả mà 5G mang lại, từ đó, đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển (“5G Grant” là sự thúc đẩy nghiên cứu về ứng dụng và giải pháp cho công nghệ 5G)(1).

Thứ hai, Singapore có các cơ quan, đơn vị hoặc các nhóm chuyên trách có chức năng trong việc hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Cơ quan Phát triển truyền thông, thông tin Singapore là một điển hình. Văn phòng Chính phủ số và Quốc gia thông minh (SNDGO – Smart Nation and Digital Government Office) dẫn dắt sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia, củng cố năng lực dài hạn cho khu vực công. Mặt khác, Chương trình Technology Adoption Program (TAP) được dẫn dắt bởi cơ quan khoa học – công nghệ và nghiên cứu (A*STAR) đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nỗ lực hơn trong việc chuyển đổi khoa học – công nghệ số.

Thứ ba, Singapore đặc biệt chú ý xây dựng, phát triển các chuyên gia công nghệ số và đội ngũ các nhà lãnh đạo số trong các doanh nghiệp. Đối với lực lượng lao động phổ thông hiện có, Singapore tích cực xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, trang bị các kỹ năng số cho lực lượng lao động này. Singapore cũng tăng cường hỗ trợ, mở nhiều khóa học và chương trình bồi dưỡng các kỹ năng mới cho những người lao động bị mất việc và những người có nguy cơ cao bị mất việc do chuyển đổi số. Trong các trường học, nước này cũng bổ sung các chương trình, môn học cho sinh viên về nền tảng số, từ mã hóa đến tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai.

Thứ tư, Singapore đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh mạng để bảo đảm hạ tầng số của nền kinh tế, như ban hành Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để tăng cường bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng, bảo vệ dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thu thập, sử dụng, chia sẽ dữ liệu cá nhân.

Thái Lan

Thứ nhất, để tạo khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, Thái Lan đề xuất và xây dựng luật riêng về phát triển số trên cơ sở hợp nhất của ba luật là Luật về Ủy ban Kinh tế và Xã hội số, Luật về Quỹ phát triển kinh tế và xã hội số, Luật Xúc tiến kinh tế và xã hội số, đồng thời cũng soạn thảo, sửa đổi, ban hành mới 8 dự thảo luật có liên quan: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Tội phạm máy tính (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Xúc tiến kinh tế số, Luật Phát triển kinh tế và xã hội số, Luật Quản lý phát thanh và viễn thông (sửa đổi), Luật về Cơ quan phát triển giao dịch điện tử. Những văn bản pháp luật nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế số và là một phần của chính sách kinh tế số của Thái Lan. Trong Luật Phát triển số nêu rất rõ về việc thành lập Ủy ban Kinh tế số do Thủ tướng làm chủ tịch và Cơ quan xúc tiến kinh tế và xã hội số. Mục tiêu của cơ quan này là xúc tiến, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp số, hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ số để mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Thứ hai, Thái Lan thành lập Quỹ Phát triển kinh tế và xã hội số (Quỹ kinh tế số) với mục đích là hỗ trợ, phát triển nền kinh tế số ở Thái Lan, trước tiên tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng viễn thông của Thái Lan. Quỹ hoạt động dựa trên tài trợ kinh phí từ ngân sách hằng năm của Chính phủ, từ 50% phí cấp phép của Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia và các nguồn khác(2).

Thứ ba, trong việc phát triển kinh tế số, Thái Lan rất quan tâm đến việc quản lý an ninh mạng, an ninh thông tin, có sự kiểm soát chặt chẽ các nội dung không phù hợp trên không gian mạng.

Một số gợi ý rút ra cho Việt Nam

Qua nghiên cứu một số quốc gia châu Á trong phát triển kinh tế số, có thể rút ra một số kinh nghiệm để vận dụng ở Việt Nam như sau:

Một là, cần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số. Việt Nam cần chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số giúp các địa phương nâng cao năng lực thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số, bao gồm cả các chính sách tác động thuận lợi tới môi trường kinh tế kỹ thuật số, cũng như các chính sách thúc đẩy tiếp cận kết cấu hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số với chi phí hợp lý. Cải cách chính sách thuế và quy định sẽ giúp thu hút đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số, hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành do kết quả của các mô hình kinh doanh mới.

Song song với hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số cho doanh nghiệp gắn liền với nguồn tài chính, kinh phí hằng năm nhằm tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh tế số.

Một khu trưng bày sản phẩm của Nhật Bản tại Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản tại Hà Nội, tháng 8-2023_Nguồn: vietnamplus.vn

Hai là, cần xác định rõ những ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế số. Việt Nam cần căn cứ vào thế mạnh và đặc điểm của từng địa phương để xác định rõ những ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế số. Trước mắt, các tỉnh, thành phố nên tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế số giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng vì những lĩnh vực này góp phần giúp các địa phương tận dụng được những cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết nhưng cũng không đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng phải phát triển những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số, như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số và có kế hoạch, chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ những công nghệ quan trọng, cốt lõi của kinh tế số thông qua các chính sách hỗ trợ và trong hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về nền kinh tế số. Việt Nam cần chú trọng hoạt động tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế số, các lợi ích và thách thức đi kèm, với các nội dung cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt thông qua các cơ quan, doanh nghiệp và trường học. Đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền thông cần định hướng dư luận, giúp cho các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội có nhận thức đúng về nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất để thích ứng với xu hướng phát triển. Biện pháp này cũng đồng thời giúp tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng nền kinh tế số.

Bốn là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số cần được quan tâm thúc đẩy thực chất hơn. Trong đó, nên tập trung phát triển, thu hút chuyên gia, doanh nhân về công nghệ số thông qua các chính sách phù hợp. Đồng thời, cần định hướng phát triển giáo dục – đào tạo ở địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và định hướng phát triển các ngành/lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thông minh của nền kinh tế tri thức; đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo đại học, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố, chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Năm là, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng trong quá trình phát triển kinh tế số. Kết cấu hạ tầng là nền tảng của quá trình phát triển kinh tế số, vấn đề này được tất cả các quốc gia châu Á chú trọng thực hiện. Do đó, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng làm chủ công nghệ lõi.

Chính phủ cần phối hợp với các địa phương nhằm phát triển hạ tầng số quốc gia đồng bộ, rộng khắp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin và các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao. Nâng cấp mạng di động 4G, phát triển mạng di động 5G để có thể theo kịp xu hướng thế giới. Bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với internet tốc độ cao. Chiến lược cung cấp kết nối phải bao trùm nhất có thể, phổ cập internet cáp quang băng thông rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi cơ quan, doanh nghiệp, phổ cập công nghệ 4G, 5G tới mỗi người dân. Để có đủ nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng số, cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia đầu tư, nhưng có cân nhắc tới các phạm vi liên quan đến an ninh quốc gia.

Cần nhanh chóng nâng cấp và hoàn thiện nền tảng số phục vụ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số để làm các thủ tục trực tuyến một cách thuận tiện, nhanh chóng, không cần sự hiện diện trực tiếp nếu pháp luật không yêu cầu. Xây dựng chính quyền điện tử sẽ giúp tăng hiệu quả dịch vụ công, đồng thời mở rộng thị trường cho sự phát triển của ngành dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề bảo đảm an ninh mạng và hoạt động mạng bằng cách gia tăng số lượng máy chủ an toàn và phát triển khả năng bảo mật không gian mạng để giám sát các mối đe dọa trực tuyến. Các địa phương cần tăng cường hợp tác quốc tế về các luồng dữ liệu, bảo mật, giảm các rào cản đối với thương mại trực tuyến trong nước và ngoài nước, cũng như các quyền và sự đòi hỏi của công dân liên quan đến quyền riêng tư và lưu trữ dữ liệu./.

NGUỒN TẠP CHÍ CỘNG SẢN

————

(1) Đặng Thị Hoài: Xây dựng và phát triển kinh tế số của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước số 6-2021
(2) Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Phát triển nền kinh tế số nhìn từ kinh nghiệm một số nước châu Á và hàm ý đối với Việt Nam, Cổng thông tin kinh tế Việt Nam – VNEP, 2018