Tiếp tục công cuộc đổi mới, kiên định xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay, trong rất nhiều trọng sự, vấn đề liêm chính và giữ gìn liêm chính đối với đảng viên, cán bộ và bộ máy của hệ thống chính trị, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, là một trong những công việc cấp bách và mang tầm chiến lược của Đảng và dân tộc ta. 

Có thể nói, sự thành bại của công cuộc đổi mới, sự thịnh suy của quốc gia tùy thuộc vào việc xử lý thống nhất và đồng bộ hay không vấn đề liêm chính và bất liêm chính của xã hội, trước hết của đội ngũ đảng viên, cán bộ và bộ máy của hệ thống chính trị. 

Bởi, mọi người không Liêm, Chính, phong hóa sẽ suy đồi, đạo lý sẽ bại hoại, xã hội sẽ rối ren và tất hỗn loạn. Bởi, “kỷ cương phép nước” lệch lạc hay ngay ngắn, vững vàng hay ngả nghiêng một phần căn bản phụ thuộc trước hết và quan trọng vào sự Liêm, Chính của những người nắm trọng sự quốc gia ở tất cả các cấp, trên mọi lĩnh vực. Nó là một trong những nhân tố căn bản vun đắp lòng Dân và bảo đảm sự vững vàng của bộ máy thể chế và an nguy của quốc gia.  

Toàn bộ điều đó đang là khó khăn to lớn, nhiệm vụ nặng nề nhưng rất quan trọng của các thành viên trong hệ thống chính trị, trước hết là Đảng và Nhà nước, tiếp tục bảo đảm sự thành công đối với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn tới năm 2030 và xa hơn.

Liêm – cái gốc để làm người, làm đảng viên, cán bộ

Sự phát triển của lịch sử mấy nghìn năm nước nhà, nhất là 40 năm đổi mới vừa qua cho thấy, cùng với Nhân, Nghĩa, thì Liêm, Chính hợp thành 4 đầu dây làm nên rường mối kỷ cương của đất nước. 

Trong 79 năm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, kinh nghiệm lịch sử xác tín, sau khi có đường lối chính trị đúng, nhân tố quyết định thành bại tùy thuộc vào đội ngũ đảng viên, cán bộ, trước hết là những người giữ vị trí trọng trách ở tất cả các cấp của hệ thống chính trị. 

Trước thách thức mới, trong bối cảnh hiện nay, trên phương diện vô cùng quan trọng nhưng rất khó khăn này, giữ gìn và phát huy Liêm, Chính là vấn đề chính yếu lay động tới sinh mệnh mỗi cá nhân, ảnh hưởng tới từng bộ máy và lan rộng khắp toàn xã hội; là nhân tố quyết định sức mạnh và uy tín của đội ngũ đảng viên, cán bộ và hệ thống chính trị. Có thể nói, sức mạnh của thể chế tất cả phụ thuộc căn bản vào con người, trước hết là sự Liêm, Chính của đội ngũ đảng viên, cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội (tháng 5-1955) – Ảnh tư liệu

Hơn 94 năm qua, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc trước hết và sau cùng, luôn chăm lo xây dựng và rèn đúc hệ giá trị đạo đức hành động và hành động đạo đức theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng phát triển trên nền móng của đạo đức truyền thống. Kế thừa đạo đức dân tộc, Người phát triển và xác định “đạo đức cách mạng phải gồm 5 điều sau đây: Trí – Tín – Nhân – Dũng – Liêm”(1) hoặc “gồm 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”(2); đồng thời Người luôn nói về 4 nhân tố: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Dù dưới góc độ nào, dẫu là 4 đức hay 5 điều về đạo đức của đảng viên, cán bộ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liêm là một hằng số, chiếm vị trí đặc biệt. 

Liêm là “không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”(3); “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”(4). Nghĩa là, trong sạch, liêm khiết, thanh liêm. Mặt khác, Người chỉ rõ tương phản – “bất liêm”: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”; “công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”.  

Chính trị là “chính giả chính dã” – chính trị là sự ngay thẳng, trung trực. Nghĩa là, người có đức Chính là người chính trực, đúng mực, công tâm, họ luôn hành động theo lẽ phải, kiên quyết bảo vệ lẽ phải. Do đó, cùng với Liêm, Người nhấn mạnh: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”(7), “là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”(8). Người cho rằng: “Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng phải Chính mới là người hoàn toàn”.

Người Liêm thì không tham lam nên công minh chính đại. Vì không tham lam, ở đâu và lúc nào người có đức Liêm cũng quang minh lỗi lạc. Đặc biệt, họ là người có liêm sỉ, mà thiếu liêm sỉ thì không ra dáng con người được. Họ tự tỏa sáng, tự có sức hấp dẫn nên không những có vị thế trong lòng tha nhân mà còn được kính nể và được tôn vinh trong cộng đồng. Là đảng viên, cán bộ, vô hình họ vun đắp lòng tin của Nhân dân với Đảng, Chính phủ và chế độ’ – công việc hiện nay khó “như bắc dây leo trời”(10). Rộng hơn, họ là nhân tố giúp cho dân tộc ta “giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”(11).  

Ngược lại thế, là bất Liêm. Kẻ bất Liêm thì tham tiền, sẽ manh tâm đục khoét của Dân, trộm cắp, đục khoét của công… Kẻ bất Liêm cũng tham danh vọng, địa vị nên cả gan thường mua bán danh vị, thậm chí cả “đạo vị” (ăn cắp chức vụ), nịnh trên, nạt dưới, dìm người giỏi, gièm pha người tiết tháo… Kẻ bất Liêm vốn tham nhàn nên họ ngại khó, sợ khổ, tránh việc, tranh công đổ tội khi có tội… Kẻ bất Liêm thường tham sinh ý tử nên thường hèn nhát, gặp giặc thì thoái lui, thấy việc nghĩa thường ngoảnh mặt… Kẻ bất Liêm thường là kẻ vô liêm sỉ, không xứng đáng là con người. Liêm là cái Gốc để làm người, làm đảng viên, cán bộ.

Cần, Kiệm và cùng Liêm là gốc rễ của Chính

Đến lượt Chính, đó là sự ngay thẳng, trung trực, dũng cảm; là sự đối lập như nước với lửa cái sai trái, cái xấu xa. Liêm là nhân tố để phân định việc chính và tà và người thiện và người ác. Đây là nhân tố đầy đủ nhất của nhân cách con người. Cần, Kiệm và cùng Liêm là gốc rễ của Chính. Có Liêm mới có thể Chính. Nhưng, dù có đủ Cần, Kiệm, Liêm mà vẫn chưa chắc có Chính. Nghĩa là, Chính là sự hiển hiện, chi phối mọi việc, liên quan tới mọi người. 

Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khắc sâu các mối quan hệ làm nên đức Chính: Đối với mình, không tự cao, tự đại, luôn cầu thị tiến bộ, luôn tự phê bình và lắng nghe phê bình để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; đối với người, thì yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà; và, đối với việc, phải để việc công, lợi chung lên trước việc tư, lợi tư, giữ cương vị phụ trách thì quyết làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh, mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, cho Dân… 

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9.5.2024, Bộ Chính trị khóa XIII ra Quy định số 144-QĐ/TW về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, một lần nữa khắc sâu: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” và định chế thực thi về Liêm, Chính: Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.

Liêm, Chính là những nhân tố để con người vươn tới sự hoàn thiện đạo đức hành động và hành động đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhủ: Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, “chữ Liêm có nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải Liêm”(12), tức là mọi người đều phải trong sạch, không tham lam, tu tâm, dưỡng tính và không ngừng hoàn thiện về nhân cách, góp phần xây nên xã hội tốt tươi, làm vẻ vang giống nòi và dân tộc.

Đối với đảng viên, cán bộ, Người yêu cầu: “những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”(13). Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố xây dựng một nền chính trị liêm khiết: “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết”(14). Nếu chính trị là “Thanh khiết từ to đến nhỏ”, với tư cách là Đảng lãnh đạo, cầm quyền thì mỗi đảng viên, cán bộ phải giữ gìn đức Liêm, Chính. Đến lượt những người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp phải là tấm gương thực hành Liêm, Chính. 

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9.5.2024, Bộ Chính trị khóa XIII ra Quy định số 144-QĐ/TW về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, một lần nữa khắc sâu: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” và định chế thực thi về Liêm, Chính: Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. 

Trái thế, không dẫn dắt được ai và buộc phải rời địa vị chính trị của mình, dù đảng viên, cán bộ đó là ai và dù ở bất cứ ở cấp nào.  

TS. Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

———

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 259.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 291.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.19, tr. 145

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 292.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 126.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 127.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 129

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 145.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 129.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 240.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 128.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 126.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 123.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 478.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 75.