Tại buổi tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng (do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức), nhiều đại biểu cho rằng việc tiếp cận, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) gặp nhiều khó khăn. Rào cản nằm ở nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp.
Phải bám sát cơ sở
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (quê Vĩnh Long), lên TPHCM làm công nhân may tại KCX Tân Thuận hơn 5 năm, vài lần tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật do công đoàn tổ chức, tâm sự: “Công nhân chúng em đi làm từ sáng đến tối, chỉ có ngày chủ nhật được nghỉ ngơi. Nghe công đoàn tổ chức phổ biến pháp luật, em cũng ráng tham gia, nhưng nội dung nghe được cũng chỉ để biết chứ khó áp dụng vào trường hợp cụ thể của bản thân. Nhiều cán bộ tuyên truyền nói về các nghị quyết mang tầm vĩ mô quá, không liên quan đến công nhân và chúng em nghe cũng không hiểu gì”. Chị Hiền cho biết công nhân thường quan tâm đến các hướng dẫn làm sao để khi ký hợp đồng lao động mình không bị thiệt, cách đòi quyền lợi khi doanh nghiệp không thực hiện đúng các thỏa ước lao động, cách tính BHXH, quyền lợi khi phải làm thêm giờ,… “Khi có thắc mắc cụ thể, em lại nhờ cán bộ công đoàn hướng dẫn. Nhưng có nhiều vụ việc, cán bộ công đoàn công ty cũng không thể giải thích thỏa đáng” – chị Hiền bày tỏ.
Nghe công nhân bàn tán công ty cho thôi việc người lao động dù còn hạn hợp đồng và tỏ ra lo lắng về quyền lợi, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM), liền đến gặp công nhân để tìm hiểu thông tin, lắng nghe sự việc. Khi biết người lao động đang hiểu sai vấn đề, bà Vân liền giải thích cặn kẽ các quy định trong luật lao động để công nhân an tâm. Lâu nay, bên cạnh các hình thức tuyên truyền luật đến người lao động thông qua các buổi nói chuyện, phát tờ rơi, dán thông báo, thì cách gặp trực tiếp công nhân để trao đổi thông tin luôn được bà Vân áp dụng.
Tại Công ty TNHH Freetrend A (quận Thủ Đức), các đảng viên trong chi bộ công ty luôn là người được công nhân tin tưởng để gửi tâm tư, kể các khó khăn mình gặp phải trong công việc. Bà Huỳnh Trúc Lệ, Bí thư chi bộ, cho biết đa phần đảng viên công ty đều xuất thân từ công nhân trực tiếp sản xuất, thông qua công việc, các đảng viên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó có cách tuyên truyền các chủ trương, pháp luật một cách dễ dàng hơn. “Nhờ bám sát cơ sở, thường xuyên trao đổi với công nhân về các quy định của pháp luật, nên nhiều vụ việc nóng đã được giải quyết một cách thỏa đáng”, bà Lệ cho biết.
Trên địa bàn các quận 2, 7, 9 và 12 có gần 7.900 nhà trọ, với trên 61.000 phòng. Đây cũng là địa bàn tập trung số lượng lớn công nhân làm việc tại các KCX-KCN đến thuê trọ. Giá thuê phòng trọ, tiền điện hàng tháng luôn là gánh nặng trên đồng lương “còm cõi” của họ. Sau khi quy định về cách tính giá điện mới có hiệu lực, để giúp người thuê trọ biết chủ trương, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các quận đã kết hợp cùng ban quản lý các KCX-KCN trên địa bàn tích cực vào cuộc, vận động, tuyên truyền người dân, chủ nhà trọ thu giá điện theo đúng quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Ngoãn, Chủ tịch LĐLĐ quận 12, khi các chủ trương, quy định pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền cặn kẽ, người lao động hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, an tâm làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp.
Sáng tạo trong tuyên truyền
Điểm tư vấn pháp luật của KCX Tân Thuận có 9 thành viên, thời gian hoạt động từ 16 giờ – 18 giờ vào thứ ba, năm, bảy hàng tuần. Từ tháng 4 đến nay, điểm đã tư vấn về chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hỗ trợ giải quyết tranh chấp về hợp đồng lao động, tư vấn tiền lương, thưởng liên quan đến việc làm tăng ca trong các ngày nghỉ, lễ, nơi thuê trọ, tiền điện tại các khu nhà trọ… cho 92 lượt lao động. Theo cán bộ tư vấn Trần Đình Trọng, đây là những ca khó mà cán bộ công đoàn sơ sở không giải đáp cho công nhân thấu tình đạt lý. Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM, hiện trung tâm có đặt các điểm tư vấn tại các KCX-KCN để giúp người lao động giải quyết các thắc mắc liên quan đến quyền lợi. Bên cạnh đó, các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, phát tờ rơi, tài liệu… cũng được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lao động chưa nắm bắt hết các luật liên quan sát sườn với mình.
Đồng chí Trần Thị Ngọc Châu, Bí thư Chi bộ Xây dựng lực lượng chính trị thuộc Đảng ủy Cơ quan Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, chia sẻ, việc sử dụng Facebook để tuyên truyền pháp luật cho công nhân cũng là cách làm khá hiệu quả và tiện lợi vì không bó hẹp về thời gian, địa điểm, cán bộ công đoàn có thể trao đổi bất kỳ lúc nào trong ngày. Không những thế, qua đó có thể nắm bắt tâm tư tình cảm của công nhân qua những dòng chia sẻ, trạng thái mà mọi người đăng tải lên trang cá nhân của mình.
Đồng chí Ngọc Châu phân tích: “Như trong vụ việc công nhân lao động ngừng việc, tụ tập thời gian gần đây, khi thấy nhiều công nhân chia sẻ trên Facebook của mình bài viết với những lời lẽ khá nặng nề, kích động, sai sự thật, Đảng ủy Cơ quan Ban quản lý Khu Công nghệ cao đã đăng ngay các thông tin chính xác, cùng lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các bài viết trên báo chí chính thống liên quan đến sự việc này lên website, fanpage trên Facebook của ban, của các đoàn viên công đoàn cơ sở… Cùng với đó là gặp gỡ trực tiếp anh em công nhân để kịp thời tuyên truyền. Nhờ thông qua nhiều kênh, Đảng, Đoàn đã kịp thời nắm bắt tâm tư của người lao động, từ đó có hướng tuyên truyền, giải quyết thấu đáo”.
Bài toán tuyên truyền nan giải
Theo Thạc sĩ Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị khu vực 2, rất ít trong số gần 310.000 công nhân lao động tại các KCX-KCN TPHCM tiếp cận được các nghị quyết của Đảng và các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do vậy, việc làm sao để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền là bài toán nan giải. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên cũng là việc làm cần thiết.
Để tuyên truyền tốt, phải lựa chọn những vấn đề liên quan trực tiếp đến công nhân, vấn đề thiết thực trong công việc và đời sống hàng ngày, cũng như quyền lợi thiết thân của họ. Ngoài ra cũng cần cung cấp kỹ năng khi có tình huống chính trị xảy ra để công nhân biết cách ứng xử phù hợp, đúng pháp luật.
|
QUANG HUY – HỒNG HẢI (Báo Sài Gòn Giải Phóng)