“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến mức cao hơn là thay đổi lập trường, quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; cổ súy, ủng hộ, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“TỰ DIỄN BIẾN” “TỰ CHUYỂN HÓA” LÀ SỰ SUY THOÁI
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là hệ quả của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng ngày càng tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Điều đó khiến cho vai trò tiên phong, gương mẫu của họ ngày càng giảm, không đủ “sức miễn dịch”, thiếu “sức đề kháng” trước những tác động tiêu cực trong xã hội, đồng lõa với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng Việt Nam. Đó còn là biểu hiện rõ nhất của bản lĩnh chính trị không vững vàng, từ chỗ ban đầu là mơ hồ ảo tưởng, hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng dẫn đến hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…
Cụ thể hơn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn biểu hiện ở những việc sẵn sàng tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu ly khai, chống đối, lý luận phản động; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đòi thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ, phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật…
Những biểu hiện trên cũng đã được V.I.Lênin chỉ ra từ những năm đầu của thế kỷ XX, dưới các biểu hiện khác nhau của những người đảng viên trong các Đảng dân chủ – xã hội Tây Âu như: tư tưởng cơ hội về chính trị, tư tưởng và tổ chức, khoác áo chủ nghĩa Mác nhưng chống chủ nghĩa Mác, đòi xét lại chủ nghĩa Mác, phủ nhận chủ nghĩa Mác… Đó chính là bọn cơ hội chủ nghĩa, tay sai của giai cấp tư sản.
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ những biểu hiện: “Thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng… mang nặng chủ nghĩa cá nhân… không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình, không quyết tâm vươn lên phía trước… hững hờ như những người không có lý tưởng,… không có thái độ người làm chủ tập thể, dám nghĩ dám làm”(1); “ít gắn bó với tổ chức, không tin ở lực lượng và trí tuệ của tập thể. Họ sống và làm việc một cách riêng rẽ, không đoàn kết và hợp tác với người khác… tự cao tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người… coi thường những quyết định của tổ chức,… coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài… chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình… phô trương, lãng phí… sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”(2), “biến thành người có tội với cách mạng” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái.
Để khắc phục các biểu hiện, hiện tượng đó, Người khẳng định phải: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và mỗi “người đảng viên chẳng những phải ra sức rèn luyện và tu dưỡng, trong lúc gian khổ khó khăn, trong lúc thất bại, mà còn và càng phải rèn luyện và tu dưỡng trong lúc thuận lợi, trong lúc thành công”(3).
BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ LÀ SỰ THỂ HIỆN “TÍNH ĐẢNG”
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, bản lĩnh chính trị là phẩm chất tuyệt đối cần thiết; là sự thể hiện “tính đảng”; là trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm đều phải: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(4); “quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân…, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp”(5). Bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện ở sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ…
Bản lĩnh chính trị của Đảng còn được thể hiện trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thể hiện ở sự vững vàng, kiên định, không dao động trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; quyết tâm phấn đấu, vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì lợi ích của Đảng và của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống phá chế độ của các thế lực thù địch, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên không phải tự nhiên mà có. Đó là sản phẩm của quá trình giáo dục, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện thường xuyên, kiên trì, bền bỉ trong thực tiễn phong trào cách mạng của mỗi người. Khi mỗi người, trong mọi thời điểm thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, luôn thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, có tinh thần vững vàng, niềm tin chắc chắn và sự kiên định thì “phú quý không dụ dỗ được ta, nghèo khổ không lay động được ta, oai lực không dọa nạt được ta. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được”(6).
PHẢI RÈN LUYỆN BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, v.v.. Trong đó, có “không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(7).
V.I.Lênin từng chỉ rõ, các thế lực thù địch không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta và “không một ai trên thế giới này có thể làm mất được uy tín của những người Mácxít cách mạng nếu họ không tự làm mất uy tín của họ”(8). Vì vậy, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị để phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Theo đó, các cấp ủy cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp căn cốt sau:
Một là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông” dẫn tới khuyết điểm và trước hết, nguy hiểm nhất là “khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan” mà “nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng”(9). Vì thế, học tập lý luận chính trị, đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị là công việc quan trọng, cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên. Trau dồi, bồi dưỡng về lý luận chính trị; khắc phục những hạn chế trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng… sẽ giúp cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc bản chất cách mạng, khoa học; những nguyên lý, quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cộng sản, đạo đức cách mạng; thấu suốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Từ đó có nhận thức chính trị, tình cảm chính trị đúng đắn, có thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Trong học tập, phải gắn lý luận với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác, phát huy tính độc lập, tích cực, chủ động, sáng tạo, “học đi đôi với hành”. Đa dạng hóa các phương thức giáo dục lý luận chính trị theo hướng thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao khả năng “tự miễn dịch, tự đề kháng” trước những tác động tiêu cực, trái chiều.
Hai là, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân.
Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy vai trò nêu gương, thống nhất giữa nói và làm của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường “sức đề kháng” chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị phải luôn gắn với “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo phương châm mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày.
Trong đó, gắn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”… Thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết và đưa vào tiêu chí thi đua, đánh giá xếp loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đi liền với nghiêm túc phê phán những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Tạo không khí thi đua thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII |
Ba là, đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 khóa XII.
Bố trí, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng lúc, đúng năng lực, sở trường, đúng việc, đúng người. Lựa chọn và tìm được người tài đức xứng đáng với sự tin tưởng của tập thể và niềm tin nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá, luân chuyển, bố trí cán bộ. Thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, với đổi mới cơ cấu, chức năng của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại theo hướng thiếu cái gì đào tạo, bồi dưỡng cái ấy nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ, đảng viên để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết. Khắc phục tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và sự khép kín trong từng vùng, ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tạo điều kiện để cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn. Hoàn thiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt những người trong Đảng hay ngoài Đảng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của tất cả các cấp, ngành trong hệ thống chính trị.
Bốn là, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng – nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở – để mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu, vững vàng trước mọi biến động của tình hình chính trị – xã hội.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, chăm lo xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; gắn nâng cao chất lượng ra nghị quyết với tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Chủ động khắc phục những biểu hiện tiêu cực, sai trái, hạn chế, khuyết điểm. Kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, hành động thù địch để bảo vệ nền tảng, đường lối, quan điểm của Đảng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện Điều lệ Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm; tự soi, tự sửa các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có cơ chế để nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, báo chí truyền thông… trong kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên.
Gắn kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật Đảng; kiên quyết, nghiêm minh xử lý đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm và những tổ chức đảng yếu kém.
Tăng cường kiểm tra trách nhiệm chính trị, vai trò nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.
Năm là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Chủ động triển khai các biện pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa những hoạt động phá hoại chính trị nội bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp luôn nắm vững và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với xây dựng cơ quan, đơn vị, địa bàn cơ sở an toàn, vững chắc về mọi mặt…
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.14, tr. 468, 469.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.296.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.354.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.611.
(6), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.538, 273.
(7) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2018, tr. 47.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.44, tr.132.
Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thế
Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_______________________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 1/2019