Sáng 28-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng (Báo SGGP) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) đã ký kết hợp tác chiến lược truyền thông. Hai bên cùng nhau xây dựng kênh truyền thông và nội dung thông tin nhằm hỗ trợ Satra và hệ sinh thái doanh nghiệp của Satra phát triển thương hiệu, gia tăng nhận diện trên thị trường trong và ngoài nước.

Báo SGGP và Satra ký kết hợp tác chiến lược truyền thông. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Báo SGGP và Satra ký kết hợp tác chiến lược truyền thông. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Bắt tay” định vị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ, toàn diện trong các lĩnh vực hoạt động, tăng cường trao đổi thông tin, kết nối hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giải pháp kinh doanh, phát triển thương hiệu, truyền thông; rà soát, nắm bắt nhu cầu phát triển thương hiệu của Satra, doanh nghiệp thành viên và đối tác trong hệ sinh thái Satra để xây dựng cơ sở dữ liệu và chiến lược truyền thông thương hiệu; thiết lập kênh thông tin định kỳ để tăng sự nhận diện của sản phẩm và thương hiệu Satra, cũng như các doanh nghiệp thành viên và đối tác; tạo sự cộng hưởng thương hiệu trong hệ sinh thái doanh nghiệp Satra để tăng sự nhận diện của sản phẩm và thương hiệu Satra, của các doanh nghiệp thành viên và đối tác

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP chia sẻ, truyền thông là phương tiện mạnh mẽ để xây dựng thương hiệu, tạo nội lực mềm cho doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, truyền thông đang trở thành hoạt động đa chiều, giúp thông tin được lan tỏa nhanh chóng và hiệu quả nhất, gia tăng khả năng tương tác. Từ đó, không chỉ định hướng mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Với doanh nghiệp, sự hỗ trợ của truyền thông sẽ giúp phát triển một cách nhanh chóng và bền vững.

51c81dd0cafa6aa433eb6.jpg

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Satra khẳng định, truyền thông là một yếu tố không thể thiếu trong việc định hình và phát triển doanh nghiệp. Satra có cả một hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng với hơn 50 doanh nghiệp gồm các đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty liên kết và công ty liên doanh, những nhà sản xuất trực tiếp tạo ra sản phẩm chất lượng như Vissan, Cofidec, Heineken Việt Nam…

080ec8c31fe9bfb7e6f84.jpg

Tổng Giám đốc Satra Lâm Quốc Thanh phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không dừng lại đó, Satra còn phát triển rộng ở nhiều lĩnh vực thương mại và dịch vụ, trong đó phải kể đến hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi hơn 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TPHCM và Cần Thơ. Đặc biệt, Satra là đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền – nơi cung cấp nhóm hàng hóa thiết yếu không chỉ cho TPHCM mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận.

Việc Satra ký kết thực hiện chiến lược truyền thông với Báo SGGP, một trong những tờ báo uy tín hàng đầu Việt Nam, nhằm đưa thương hiệu Satra tiếp cận với đối tác, nhà sản xuất, khách hàng hiện tại và tiềm năng. Truyền thông giúp Satra truyền đạt thông điệp của mình, chia sẻ thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ, góp phần tạo dựng một cộng đồng xung quanh thương hiệu.

Cũng theo ông Lâm Quốc Thanh, kỳ vọng vào sự “bắt tay” cùng Báo SGGP, thông tin của Satra thông qua đa dạng hình thức truyền thông sẽ góp phần thông tin tích cực, chính xác về Satra. Từ đó, nâng cao tính nhận diện thương hiệu cũng như lan tỏa những giá trị mà Satra phục vụ cộng đồng, tăng cường niềm tin và mối quan hệ của Satra với đối tác.

Việc hợp tác sẽ giúp Satra tạo ra một làn sóng truyền thông mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của công chúng và tạo động lực cho những hoạt động sắp tới, nhất là trong thời điểm Satra đang tổ chức chuỗi sự kiện hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập vào năm 2025.

19db9cb4489ee8c0b18f2.jpg

Lễ ký kết hợp tác chiến lược truyền thông Báo SGGP và Satra. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nội lực mềm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

Hiện Việt Nam đang được xem là một trong những nền kinh tế có sự phát triển nhanh thuộc tốp đầu thế giới. Với sự phát triển nội tại của từng doanh nghiệp, cùng với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới.

Ở góc độ khác, Việt Nam được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 – 2023. Bảng đánh giá tốp thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới do Brand Finand công bố vào năm 2023 cho thấy, Việt Nam xếp vị trí thứ 33/121, đạt gần 500 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm 2022 và có mức tăng đều qua các năm.


Nhà báo Tăng Hữu Phong nhấn mạnh, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, phải thấy rằng, việc đầu tư phát triển thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn. Dễ nhận thấy nhất là phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… vẫn mang thương hiệu nước ngoài, hệ quả là giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng, doanh nghiệp dễ bị tổn thương khi thị trường có biến động.


Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu… Hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần… Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do là Thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ, thông tin đang bùng nổ như hiện nay thì việc xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết. Xây dựng thương hiệu chính là gia tăng nội lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới.


“Bằng hệ sinh thái truyền thông đa dạng của Báo SGGP, hai bên sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp là thành viên, đối tác, nhà cung ứng trong hệ sinh thái của Satra, hướng đến kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh và bền vững”, ông Lâm Quốc Thanh nhấn mạnh.