Ta phải khẳng định ngay rằng, chủ nghĩa Marx – Lenin được truyền vào Việt Nam là kết quả khách quan trong quá trình vận động của các yếu tố lịch sử trong và ngoài nước. Theo GS. Trần Văn Giàu, “Nguyễn Ái Quốc, các bạn chiến đấu và học trò của Nguyễn đã thành công lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam những năm 1920, trước hết nhờ giá trị phổ biến của chủ nghĩa Marx – Lenin; lý do quan trọng khác là nhờ các đồng chí đó nắm được hay được thúc đẩy bởi những điều kiện khách quan thuận lợi của xã hội Việt Nam, của Đông Dương sau chiến tranh thế giới, lấy đó làm tiền đề cho mọi sự hoạt động truyền bá của mình”[1].
Có những điều kiện khách quan của sự truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam. Đó là:
Thứ nhất, sự phát triển số lượng của giai cấp công nhân và phát triển của phong trào công nhân trong những năm 1920. Công nhân Việt Nam đã hình thành một giai cấp “tự mình” trong thời kỳ khai thác thuộc địa lần I của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đến thời kỳ khai thác lần II (từ sau Thế chiến I đến trước đại khủng hoảng 1929 – 1933), số lượng giai cấp công nhân tăng lên 4 – 5 lần. Về hình thức đấu tranh, trước Thế chiến I, thường là bỏ trốn, phá hoại công trường, giết chủ, đánh cai, ít khi bãi công; sau đó là biểu tình, bãi công; tự phát có tổ chức, trước thì có tính chất thuần túy kinh tế, xã hội, sau có tính chất chính trị, cách mạng. Phong trào công nhân Việt Nam tuy mới nổi nhưng đã tỏ ra lớn mạnh, chuyển mau từ tự phát đến tổ chức, đồng thời mang các dấu ấn giai cấp, dân tộc và quốc tế chủ nghĩa.
Thứ hai, sự phân hóa giai cấp ở nông thôn Việt Nam và sẵn sàng chờ đợi một đảng cách mạng. Sự bóc lột tàn tệ của bọn địa chủ, theo từng mùa có một sự di chuyển hàng chục vạn công nhân giá rẻ, thất nghiệp từ nhà quê lên tỉnh, từ vùng này sang vùng khác, tỉnh khác, số công nhân này không tập trung nhưng hết sức đông đảo, họ như một cái gạch nối liền giữa nông dân và công nhân thành thị.
Thứ ba, phong trào dân tộc dân chủ giữa những năm 1920; các giai cấp ở thành thị. Sự đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng khi người Pháp hoàn thành việc xâm chiếm. Giai cấp công nhân tăng, giai cấp tư sản dân tộc hình thành cạnh tranh với tư sản Hoa kiều đang chiếm ưu thế.
Các yếu tố khách quan trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam được sự tham gia tích cực của giai cấp nông dân, đặc biệt là lực lượng trí thức, chứ không chỉ ở giai cấp công nhân chứ không phải do sự biến động xã hội từ tác động của các cuộc khai thác thuộc địa. Theo GS. Trần Văn Giàu, “có một số nước Nho giáo, Phật giáo mà sự truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin đạt kết quả không cao, điều đó nói lên sự thành bại còn tùy nhiều điều kiện khác nữa, nhất là con người, đoàn thể làm việc truyền bá đó”[2]. Tức là, điều kiện khách quan chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là con người và tổ chức làm việc truyền bá đó.
Điều này khẳng định vai trò của Hồ Chí Minh trong một hoạt động có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, đó là việc truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin vào nước ta. “Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến hoạt động lý luận và thực tiễn nhằm truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin về nước. Việc truyền bá của Người diễn ra liên tục từ năm 1921 đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu sự chiến thắng bước đầu của tư tưởng cộng sản chủ nghĩa trong lịch sử tư tưởng nước ta”[3].
Có thể tóm tắt quá trình này như sau:
Thời kỳ Paris – Sự khởi đầu của quá trình. Trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc vừa tìm đường vừa hoạt động truyền bá tư tưởng cứu nước. Cột mốc quan trọng là sự kiện Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và đứng hẳn về phía Quốc tế III, ngày 25-12-1920. Một trong những hoạt động tiêu biểu nhất của Người trong giai đoạn này là tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và sau đó xuất bản tờ báo Le Paria làm cơ quan ngôn luận của mình.
Thời kỳ Moskva – phác thảo chiến lược của cách mạng Việt Nam. Sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội I Quốc tế Nông dân ở Moskva ngày 13-10-1923 được coi là cuộc “gặp gỡ” giữa Quốc tế Cộng sản và Nguyễn Ái Quốc, người đang muốn mở đường đưa chủ nghĩa Marx – Lenin đến với xứ sở mình. “Sự kiện đó minh chứng rõ ràng con đường đưa chủ nghĩa Marx – Lenin từ Moskva, từ Quốc tế Cộng sản đã được khai thông. Người khai mở con đường đó chính là Nguyễn Ái Quốc”[4].
Thời kỳ Quảng Châu – vùng Đông Bắc Xiêm, bắt tay xây dựng tổ chức. Ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc xây dựng tổ chức cách mạng tuần tự theo từng bước – từ tiếp xúc tìm hiểu những người yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc đến việc thành lập một nhóm bí mật là Cộng sản đoàn làm hạt nhân, cuối cùng là thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thời gian này, Người thường xuyên đặt quan hệ với Ban Thư ký Tổng Công hội Thái Bình Dương, Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập tự do, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông…
Từ các dẫn dắt ở trên, chúng ta có thể rút ra mấy nhận xét:
Một là, sự truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam là một quá trình lâu dài, liên tục, đầy cam go, thử thách, bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú. Trong bối cảnh có rất nhiều luồng tư tưởng, nhiều dòng cách mạng đan xen, với hình thức là đấu tranh giành độc lập, thì sự lựa chọn một hệ tư tưởng nào, một hình thức cách mạng nào hoàn toàn không phải là tự nhiên. Đồng thời, ngay tại trong nước, do nhu cầu rất cao về giải phóng dân tộc, bản thân các tầng lớp nhân dân luôn có ý thức chọn lựa hệ tư tưởng nào đó có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, chủ nghĩa Marx – Lenin muốn xâm nhập, tồn tại và phát triển phải thể hiện được tính ưu việt và tính hấp dẫn thực sự đối với nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng.
Hai là, nếu xem các yếu tố khách quan là điều kiện cần, nhưng không có điều kiện đủ là những hoạt động không ngừng nghỉ của Hồ Chí Minh thì không thể đưa chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam như cách nó đã từng diễn ra; ngược lại, nếu chỉ có vai trò cá nhân mà thiếu các điều kiện khách quan thì chủ nghĩa Marx – Lenin cũng không thể “bén rễ” ở nước ta. Sự kỳ công của Hồ Chí Minh và những người cộng sản đã giúp chủ nghĩa Marx – Lenin thực sự tồn tại và phát triển ở Việt Nam, tiến tới thành lập được Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ba là, chủ nghĩa Marx – Lenin được truyền bá và “sống được” ở xã hội Việt Nam trong những năm 1920 thực sự chỉ bền vững khi đã hình thành được đảng cách mạng, chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi không có Đảng thì các tư tưởng về cách mạng vô sản không được triển khai và thực thi thành những hành động cụ thể, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Xét nhiều góc độ, sự truyền bá chủ nghĩa Marx – Lenin và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử, nhưng sự tất yếu đó hoàn toàn không phải là điều đương nhiên sẽ đến. Bởi trong bối cảnh phức tạp về chính trị, xã hội vào thời điểm đó, những hệ tư tưởng thiết thực, lấy nhân dân làm mục tiêu và động lực sẽ giành được ưu thế nhưng cũng cần những cá nhân dám hi sinh và có năng lực tổ chức.
Bốn là, chúng ta có thể mạnh mẽ bác bỏ các quan điểm sai trái cho rằng chủ nghĩa Marx – Lenin, chủ nghĩa cộng sản là “một sự áp đặt” hay Đảng Cộng sản Việt Nam “độc quyền yêu nước” và “độc quyền lãnh đạo”… Trước chủ nghĩa Marx – Lenin và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có nhiều hệ tư tưởng khác, nhiều đảng phái khác tồn tại, thu hút được một bộ phận nhân dân tham gia, hưởng ứng, thậm chí đã có những hành động cụ thể để giành độc lập, nhưng tất cả đều không thành công. Bên cạnh tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Marx – Lenin, tính thời đại của chủ nghĩa cộng sản, khi được cụ thể hóa thành một thực thể lãnh đạo nhân dân thực hiện lý tưởng đó của chủ nghĩa Marx – Lenin, của chủ nghĩa cộng sản thì phải thông qua những cá nhân xuất sắc.
Năm là, từ đây, rút ra một bài học sâu sắc: chủ nghĩa cộng sản đã được xác nhận là tương lai, là khát vọng muôn đời của nhân loại, nhưng quá trình lãnh đạo để đi đến thành công cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đảng cộng sản. Vì một đảng mà dù bất kỳ lý do nào không còn trung thành với lý tưởng cộng sản, không thực sự đại diện cho nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, không còn sự “sáng trong” về tư tưởng, đạo đức, không thể hiện được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thì bản thân đảng đó sẽ mất dần sự tin yêu của nhân dân, mất dần vai trò lãnh đạo, dẫn dắt.
Trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sảnViệt Nam từng bước lớn mạnh và phát triển, không chỉ đủ sức lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại mà còn lập nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới hiện nay. Từ đó, cũng đặt ra yêu cầu và trách nhiệm của Đảng đối với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng ta phải kiên định với con đường đã chọn nhưng trong tiến trình đó cần phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn để tổ chức bộ máy của Đảng luôn được vận hành một cách linh hoạt, hiệu quả để thực hiện thành công mục tiêu lớn lao đó!
Nguyễn Minh Hải