Sau khi giànkhoan Hải Dương – 981 đượcrút đi, nhìn bềngoài tình hìnhtrên Biển Đông có vẻ lắng dịunhưng trên thực tế Biển Đônglại đang “nổi sóng” bởi các hoạt động ráo riết của Trung Quốctôn tạo và xây cất trái phép hạtẩng cơ sở trên các đảo do họsử dụng vũ lực chiếm đóng tráiphép của Việt Nam.
Gần đây, tuyên bố sẽ hoàn tất quá trình bồi đắp các bãi đáthuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc dường như đi “nước cờ đôi”, có vẻ xuống thang về mặt ngoại giao, nhưng thực chất lại leo thang nguy cơ quân sự hóa Biển Đông.
Thực chất “nước cờ đôi” của Trung Quốc
Xuống thang ngoại giao
Theo Diplomat, tuyên bố đầu tiên nhằm mục đích xoa dịu những diễn biến căng thẳng mà thời gian gần đây đang gia tăng nhanh chóng ở vùng biển tranh chấp, xuất phát từ thế đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc ráo riết mở rộng đảo, trong khi đó, Mỹ bắt đầu có những động thái cứng rắn nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Bằng cách thông báo sắp hoàn thành công tác cải tạo các bãi đá, Bắc Kinh dường như muốn trấn an các nước láng giềng rằng, quá trình bành trướng rồi cũng sẽ đến hồi kết, nó không kéo dài mãi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá Trung Quốc có khả năng tái khởi động việc xây dựng này bất cứ lúc nào. Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược “một mũi tên trúng hai đích” với mục tiêu vừa hoàn thiện chuỗi đảo nhân tạo, vừa thu về sự tín nhiệm, lòng tin của các quốc gia khác.
Theo nhà phân tích Shannon Tiezzi, Trung Quốc đã lên kế hoạch kỹ lưỡng khi ra quyết định dừng việc cải tạo. Lý do đơn giản nhất là bởi mùa mưa bão sắp bắt đầu trên Biển Đông. Nếu khăng khăng muốn tiếp tục xây dựng, Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Yếu tố chính trị cũng là điểm mấu chốt chi phối quyết định của Trung Quốc. Philippines hồi tháng 1/2013 đệ đơn kiện lên tòa án Liên hợp quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và bãi đá trên Biển Đông là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế. Tòa án The Hague, Hà Lan, dự kiến tiến hành phiên giải trình về vụ khiếu kiện của Manila đối với Bắc Kinh vào ngày 7/7/2015.
Mặc dù Trung Quốc liên tục từ chối tham gia và phủ nhận thẩm quyền xét xử vụ việc của hội đồng trọng tài quốc tế, đối với Bắc Kinh quãng thời gian này vẫn vô cùng nhạy cảm và họ hiểu rằng, cần giảm thiểu tối đa những động thái khiêu khích, gây hấn nhằm tránh lâm vào thế bất lợi.
Quan hệ Mỹ – Trung đang có chiều hướng xấu đi bởi những xung đột giữa hai nước quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Trước bối cảnh diễn ra Đối thoại Kinh tế và Chiến lược, đồng thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ trong tháng 9/2015, hai bên cần tạo dựng một số động lực tích cực để cải thiện mối giao hảo. Tuyên bố dừng xây đảo cũng nhằm phục vụ mục tiêu này.
Theo Diplomat,cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm 2016, Trung Quốc không mong muốn trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh luận của những ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng. Nói một cách khác, Bắc Kinh ngoài mặt tuyên bố sức ép từ Washington không ảnh hưởng đến lập trường của nước này nhưng thực chất những chỉ trích từ giới quan chức Mỹ cũng có tác động không nhỏ tới quá trình mở rộng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc.
Dù đã sử dụng dự án Con đường Tơ lụa mới để “quyến rũ” các nước trong khu vực nhưng theo bà Xue Li từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chiến lược này không thể giúp Bắc Kinh tránh khỏi những rắc rối nảy sinh từ các tranh chấp chủ quyền. Chính vì thế, Trung Quốc “cần điều chỉnh chính sách và chiến lược ở Biển Đông” của mình.
Với các nước ASEAN, tuyên bố ngừng bồi đắp cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi một chiến thuật nguy hiểm khi vừa khẳng định tuyên bố chủ quyền, vừa xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với các nước có liên quan trong tranh chấp.
Các nhà phân tíchcảnh báo, sau khi quá trình xây dựng hoàn tất, Trung Quốc sẽ có chính xác thứ mà nước này cần: đảo nhân tạo mới giúp Bắc Kinh củng cố khả năng hoạt động và tăng cường hiện diện trên Biển Đông. Việc tuyên bố ngừng mở rộng đảo chỉ là cách để nước này quay lại bước “trấn an” trong vòng lặp lại vô tận của mình. Khi mối quan hệ với láng giềng bắt đầu ổn định và tốt dần lên, Bắc Kinh sẽ lại trở về với cải tạo và xây dựng, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn trước.
Leo thang quân sự
Bên cạnh đưa ra thông tin về việc sắp hoàn tất các dự án cải tạo, Trung Quốc còn cho biết sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc thế trận quân sự trên Biển Đông sẽ thay đổi.
Theo một số báo cáo, Trung Quốc sắp hoàn thành một đường băng dài hơn 3 km trên đá Chữ Thập. Giới quan sát đánh giá công trình này đủ độ dài để mọi loại phi cơ của Bắc Kinh cất và hạ cánh. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các trạm ra đa cảnh báo và cơ sở liên lạc lớn tại một số đảo nhân tạo. Nước này còn bị nghi ngờ từng chuyển vũ khí tới đảo tranh chấp.
Các chuyên gia từ CSIS cho rằng, những động thái quân sự hóa gần đây của Bắc Kinh cho thấy sự hung hăng, âm mưu gây chiến của Trung Quốc.
Ông Rick Fisher, nhà nghiên cứu các vấn đề quân sự ở châu Á dự đoán, khi hoàn thành việc xây dựng các căn cứ mới, quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ triển khai hải quân và không quân tại đây. Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ khu vực và sẽ chỉ đồng ý thực hiện các biện pháp ngoại giao hoặc đàm phán khi nhận thấy rằng những biện pháp quân sự không giúp họ đạt được mục tiêu của mình”.
Phản ứng của các nước
– Tại diễn đàn Shangri-La 2015 -diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực, diễn ra ngày 31/5, tất cả các bài phát biểu của các nước tại diễn đàn đều quan ngại về an ninh ở Biển Đông, nhất là những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore bày tỏ quan ngại những căng thẳng ở Biển Đông có thể làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực, qua đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một cấu trúc an ninh tổng thể. Đồng thời, Trung Quốc cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm, các quốc gia cần thực hiện các hành động dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc ép buộc các nước khác theo yêu cầu của mình, đồng thời phải tìm cách giải quyết các tranh chấp dựa trên các biện pháp hòa bình.
Giới chuyên gia đánh giá, Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2015 có những tuyên bố thẳng thắn đáng kể từ các bộ trưởng phát biểu tại diễn đàn; trong đó có rất nhiều cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông. Vì thế, việc sớm hoàn tất và tiến tới ký kết COC giữa ASEAN và Trung Quốc thực sự là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay.
– G7:Hội nghị ngoại trưởng nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) diễn ra ngày 16/4/2015 ở thành phố Lubeck (Đức) đã tạo bước ngoặt lịch sử khi đưa ra tuyên bố về an ninh hàng hải, kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm đảm bảo tự do, an ninh hàng hải và chống lại các hành động đơn phương khiêu khích của bất kỳ quốc gia nào. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong việc duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra trong hai ngày 7 và 8/6/2015 tại Đức đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh, cần duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. G7 cũng cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông.
– Mỹ:Ở vị trí là cường quốc số 1 thế giới, lợi ích chính của Mỹ nằm trong chính sự duy trì tình trạng trật tự thế giới hiện thời cũng như nền hòa bình và ổn định. Nhắc tới Biển Đông, lợi ích của Mỹ gói trọn trong việc đảm bảo duy trì nền hòa bình và ổn định, tự do hàng không, hoạt động quân sự và các vùng đặc quyền kinh tế. Sự trỗi dậy bành trướng chủ quyền của Trung Quốc được xem là mối đe dọa tới cán cân sức mạnh hiện thời.
Do đó, chiến lược “tái cân bằng khu vực châu Á” là phương pháp giúp Mỹ duy trì cán cân sức mạnh. Ban đầu, Mỹ vận dụng con đường ngoại giao để thuyết phục Trung Quốc từ bỏ tham vọng bành trướng chủ quyền. Song phương pháp này đã không đạt hiệu quả. Do đó, Washington chuyển sang phương pháp mạnh tay hơn như khích lệ Ấn Độ, Nhật Bản, ASEAN, G7 và Liên minh châu Âu (EU) gây áp lực với Bắc Kinh. Ở trong nước, giới chức Mỹ từ các ban ngành cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc “thay đổi hiện trạng” trong khu vực.
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung (S&ED) diễn ra ở thủ đô Washington từ ngày 23 đến 24/6 tập trung thảo luận một loạt vấn đề hai bên đang bất đồng hoặc có tiếng nói chung, trong đó Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải bảo đảm sự tự do lưu thông trên các tuyến đường biển quốc tế trong bối cảnh nước này tiến hành hoạt động cải tạo đất, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến, khi Mỹ có những động thái mạnh mẽ hơn trước hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, mối quan hệ linh hoạt giữa Washington và Bắc Kinh đã bị ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, những tranh chấp trên Biển Đông đã biến thành “cuộc chơi kéo co” giữa Mỹ – Trung và cả hai bên đều tránh bùng nổ một cuộc xung đột quân sự.
– Nhật Bản:Theogiới quan sát, từ đầu năm đến nay, Nhật Bản ngày càng trở nên tích cực hơn trong vấn đề biển Đông,thể hiện rõ qua việc Tokyo xem xét ý tưởng tuần tra chung với Mỹ trên vùng biển này, hay tăng cường hợp tác quân sự với Philippines. Đồng thời nhận định lợi ích và an ninh quốc gia của Nhật Bản bị ảnh hưởng khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông.
Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố cứng rắn trước việc này khi phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide nói “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về những hành vi nhằm thay đổi nguyên trạng, vốn là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng… Với việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thiện xây dựng, chúng ta không chấp nhận rằng đảo nhân tạo này là sự đã rồi”.
Tại Hội nghị G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ phản đối mạnh mẽ hoạt động cải tạo ồ ạt trên vùng biển tranh chấp thuộc biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi lại tự do trên biển. Đồng thời khẳng định vai trò của Nhật Bản với tư cách “thành viên G7 duy nhất từ châu Á”.
– Ấn Độ:Hiệnnay, khoảng 92-95% khối lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, trong đó khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Điều này lý giải tại sao Ấn Độ quan tâm đến lợi ích của mình tại Biển Đông – một tuyến vận tải biển chiến lược. Ấn Độ cũng đang có các hoạt động tạo ra các xung đột lợi ích với Bắc Kinh. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh đã tham gia thăm dò dầu khí ở các khu vực ngoài khơi của Việt Nam, nhưng Trung Quốc lại cho rằng các vị trí này thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Bắc Kinh.
Ấn Độ luôn kiên định quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ tám (năm 2013), Thủ tướng Ấn Độ khi đó, ông Manmohan Singh nói rằng “một môi trường biển ổn định là cần thiết để thực hiện các nguyện vọng chung của khu vực”. Chính sách đối với Biển Đông dưới thời Thủ tướng Narendra Modi hiện nay là sự tiếp nối các quan điểm vững chắc của các chính phủ tiền nhiệm ở Ấn Độ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ chín tại Myanmar (tháng 10/2014), Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi “nỗ lực để ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận”. Tuyên bố chung Ấn – Mỹ được đưa ra trong chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama (tháng 1/2015) cũng đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và “khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, hàng không trong khu vực, nhất là ở Biển Đông”.
Ấn Độ và Mỹ đã đi một bước xa hơn khi hai bên ký kết “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn –Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, tái khẳng định vị trí của cả hai nước. Sự ổn định ở Biển Đông là một phần quan trọng trong chính sách “hướng Đông” của Thủ tướng Narendra Modi nhằm tăng cường sự kết nối giữa Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực và cũng được cho là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – được xem là “sân sau” của Ấn Độ. Với các mục tiêu kinh tế và an ninh ở Biển Đông, Ấn Độ phải hành động để bảo vệ các lợi ích của mình.
Cộng đồng quốc tế phản đối và lên án những việc làm của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông. Tất cả các hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã và đang ráo riết tiến hành trên Biển Đông là phi pháp, là không phù hợp và đi ngược lại với luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc cho các quốc gia trong ASEANvà cộng đồng quốc tế.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ các báo)