Ha vien My thong qua lenh trung phat Nga, Iran, Trieu Tien hinh anh 1
Trụ sở Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington. Ảnh: Wikimedia Commons.

 

Việc siết chặt trừng phạt Nga là vì Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như hành động của Nga tại Ukraine và Syria. Dự luật trừng phạt Nga yêu cầu Chính phủ Mỹ phải tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn nới lỏng bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Nga. Quy định này nhằm kiểm soát nhánh hành pháp, trong bối cảnh thời gian qua chính quyền Trump ngỏ ý sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nga.

 

Ngày 27/7, các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa thông báo, đã đạt được thỏa thuận với Hạ viện nhằm mở đường cho Thượng viện phê chuẩn dự luật về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên. Theo đó, Thượng viện sẽ thông qua dự luật trên trong tuần này và chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Đổi lại, Thượng viện Mỹ sẵn sàng ủng hộ dự luật nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên do Hạ viện đề xuất.

 

Bước lùi ngoài ý muốn

 

Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga, Moscow đã chỉ trích đây là hành động “cực kỳ không thân thiện” và quyết định sai lầm của Mỹ có thể đẩy quan hệ Nga – Mỹ theo hướng càng thêm khó lường. Phát biểu với hãng thông tấn Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov cho rằng, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ “chôn vùi” bất cứ triển vọng nào về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

 

Việc Mỹ tăng cường trừng phạt Nga cũng gây chia rẽ trong quan hệ đồng minh giữa nước này với châu Âu. Pháp, Đức và Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ trích dự luật của Mỹ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga, Iran và Triều Tiên có thể làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của châu Âu. Từ trước tới nay, EU luôn ủng hộ Chính phủ Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Tuy nhiên, dự luật mới của Mỹ chứa một số điều khoản ảnh hưởng tới các doanh nghiệp châu Âu hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu năng lượng của Nga. Mỹ có thể trừng phạt bất cứ công ty nào tham gia vào các đường ống xuất khẩu năng lượng, hoặc các dự án thăm dò năng lượng mà công ty Nga có cổ phần từ 33% trở lên. Đặc biệt, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và nâng cấp đường ống tại Nga để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua Ukraine, hay dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, trong bối cảnh châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga trong ngành này, bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung. Hơn nữa, lệnh trừng phạt có phần “rất không thân thiện” của Mỹ sẽ kéo theo các cuộc chiến thương mại và là chất xúc tác để thổi bùng lên các hành động trả đũa không chỉ giữa Mỹ và Nga, mà còn giữa Mỹ và EU.

 

Các nhà phân tích cho rằng, việc Quốc hội Mỹ tăng cường trừng phạt Nga là bước lùi trong quan hệ Nga – Mỹ mà cả ông Trump và Putin đều muốn tránh. Trước đó, Moscow hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tìm cách cải thiện quan hệ giữa hai nước, vốn tụt xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, những cáo buộc về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cùng nghi ngại về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Nga, đã phủ bóng đen lên triển vọng tươi sáng hơn trong quan hệ song phương. Nếu dự luật trừng phạt mới được Quốc hội Mỹ thông qua, Tổng thống Donald Trump sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ký ban hành, trong bối cảnh thời gian qua nhà lãnh đạo này vẫn bị cáo buộc có quan hệ mờ ám với Moscow, cũng như bị chỉ trích có lập trường quá mềm mỏng với Nga.

 

 

Nga trả đũa trừng phạt, ép Mỹ cắt giảm nhân viên ngoại giao

 

 

Nga tra dua trung phat, ep My cat giam nhan vien ngoai giao hinh anh 1
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: AFP.

Ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này đã yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao trước ngày 1/9, đồng thời cho biết Moskva sẽ tịch thu khu nhà nghỉ và nhà kho hiện do các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng.

Đây được xem là đòn đáp trả của Nga trước việc Mỹ ban hành dự luật trừng phạt mới lên Moskva. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga thông báo kể từ ngày 1/8 tới đây Nga dừng việc cho phép Đại sứ quán Mỹ tại Nga sử dụng tất cả các nhà kho trên phố Dorozhnaia và khu nhà nghỉ tại công viên Serebrianyi Bor.


Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này duy trì quyền áp dụng các biện pháp hạn chế đáp trả có thể động chạm đến quyền lợi của Mỹ. Cơ quan này cũng cho biết, số lượng nhân viên tại các đại diện ngoại giao và lãnh sự quán Mỹ tại Nga cũng bị giảm xuống còn 455 người. Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo nước này sẽ đáp trả tương tự nếu Washington quyết định trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Nga nào.

Phản ứng trên của Nga được đưa ra vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ cùng ngày đã thông qua dự luật siết chặt biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Iran và Triều Tiên.