Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực I) giảm 0,78%. Nguyên nhân do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn (giảm 6,4%) so với vụ đông xuân 2015. Giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp tăng 5,75%; ngành thủy sản tăng 1,25%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015. Ngành sản xuất và phân phối điện và ngànhcung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,70% và 8,10%. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,80%.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay[2]. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%; thông tin và truyền thông tăng 8,76%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,30%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 7,20%; giáo dục và đào tạo tăng 7,15%. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay[3].

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,94%; khu vực dịch vụ chiếm 41,01% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,31%).

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,09 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 10,00%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 2,22 điểm phần trăm.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 397,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 297,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,7%; lâm nghiệp đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; thủy sản đạt 86,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3%.

a. Nông nghiệp

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3081,5 nghìn ha, giảm 31,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước, năng suất lúa đông xuân ước tính đạt 62,9 tạ/ha, giảm 3,6 tạ/ha; sản lượng đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn. Sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay giảm so với vụ đông xuân trước chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết rét buốt, băng giá tại các tỉnh phía Bắc và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (riêng sản lượng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,1 triệu tấn).

Đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1816,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,1% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1521,5 nghìn ha, bằng 102,9%. Đến nay đã có 314,6 nghìn ha lúa hè thu sớm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Sản lượng thịt trâu hơi 6 tháng ước tính đạt 49,7 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi đạt 183,4 nghìn tấn, tăng 2%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,15 triệu tấn, tăng 4,7%; thịt gia cầm đạt 541,3 nghìn tấn, tăng 4,9%.

b. Lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 86,9 nghìn ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 3844 nghìn m3, tăng 10,8%; sản lượng củi khai thác đạt 15 triệu ste, tăng 0,7%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trên cả nước trong 6 tháng là 2599 ha, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1955 ha, gấp 3,5 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 644 ha, gấp 2,2 lần.

c. Thủy sản

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 3131,3 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2309,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 306 nghìn tấn, giảm 2,5%. Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nước và hạn mặn, nhất là tại vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước tính đạt 893 nghìn ha, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1586,4 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1544,9 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển ước tính đạt 1459,5 nghìn tấn, tăng 3,4%. Tuy nhiên, vào cuối tháng Tư tại một số địa phương thuộc vùng biển Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh.

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 tăng 9,7%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 2,2% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 6,1%).

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/6/2016 tăng 9% so với cùng thời điểm năm 2015; tỷ lệ tồn kho bình quân 5 tháng đầu năm là 71,5%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2016 tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,9%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[4]

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%. Bên cạnh đó còn có 16125 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 774,7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1202,5 nghìn tỷ đồng.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 14902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng là 5507 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5129 doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,1% và tăng 16,9%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 31119 doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 12203 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 37,1% và 18916 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 4,2%.

b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2016 cho thấy: Có 41,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay khả quan hơn quý trước; 18,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 47,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 13,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Xu hướng chung trong 6 tháng cuối năm 2016, phần lớn doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn 6 tháng đầu năm, trong đó 55,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 9,3% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất giảm và 35,3% số doanh nghiệp vẫn ổn định. Về số đơn đặt hàng, có 48,5% số doanh nghiệp dự kiến số đơn đặt hàng tăng; 9,5% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 42,0% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định. Số đơn đặt hàng xuất khẩu tương ứng là 42,1%; 9,4% và 48,5%. Về quy mô lao động, có 26,5% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động; 7,0% số doanh nghiệp cho rằng sẽ giảm và 66,5% số doanh nghiệp không có biến động quy mô lao động.

5. Hoạt động dịch vụ

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 295,8 nghìn tỷ đồng,tăng 3% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5%, thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2015.

Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1805,2 triệu lượt khách, tăng 9,2% và 84,2 tỷ lượt khách.km, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.Vận tải hàng hóa 6 tháng đạt 617 triệu tấn, tăng 8% và 118,5 tỷ tấn.km, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu viễn thông 6 tháng đầu năm 2016 ước tính đạt 190,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối tháng 6/2016 ước tính đạt 127,1 triệu thuê bao, giảm 2%. Số thuê bao internet băng rộng cố định đến thời điểm trên ước tính đạt 8,5 triệu thuê bao, tăng 26,3%.

Khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 4706,3 nghìn lượt người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3920,1 nghìn lượt người, tăng 25,9%; đến bằng đường bộ đạt 711,4 nghìn lượt người, tăng 7,5%; đến bằng đường biển đạt 74,8 nghìn lượt người, giảm 27,8%.

6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm

Tính đến thời điểm 20/6/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 5,09%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23% (cùng kỳ năm trước tăng 4,85%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2% (cùng kỳ năm trước tăng 6,28%). Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5%-5,4%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng ở mức 5,4%-7,2%/năm.

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý II/2016 ước tính tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 35%.

7. Xây dựng, đầu tư

a. Xây dựng

Giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm 2016 đạt 456 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,9%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 394,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,7%.

Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 360,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 28,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 311 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4%, chủ yếu do nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành, không phát sinh hoạt động xây dựng.

b. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 618,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,9% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 229,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,1% tổng vốn và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 230,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,3% và tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoàiđạt 158,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% và tăng 15,6%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2016 thu hút 1145 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7496,9 triệu USD, tăng 51,3% về số dự án và tăng 95,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời có 535 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 3787,8 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 11284,7 triệu USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2016 ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.

8. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2016 ước tính đạt 425,6 nghìn tỷ đồng, bằng 42% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 343,8 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8%; thu từ dầu thô 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 63 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2016 ước tính đạt 508,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 74,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1%; chi trả nợ và viện trợ đạt 68 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8%.

9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

a. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 14,80 tỷ USD, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá xuất khẩu bình quân giảm 3,85%), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 85,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 14,90 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước vàtăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước[5], trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,3 tỷ USD, giảm 1,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu bình quân giảm 7,8%), kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đạt 87,5 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015[6].

Cán cân thương mại hàng hóa tháng Sáu ước tính nhập siêu 100 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD.

b. Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 ước tính đạt 6,0 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng kim ngạch và tăng 14,3%. Nhập khẩu dịch vụ 6 tháng ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 51,5% kim ngạch và giảm 0,2%. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm là 2,2 tỷ USD.

10. Chỉ số giá

a. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12/2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,39%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2016 giảm 0,01% so với tháng trước; tăng 9,67% so với tháng 12/2015; tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2016 tăng 0,09% so với tháng trước; giảm 0,80% so với tháng 12/2015 và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2015.

b. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II năm 2016 tăng 2,17% so với quý trước và tăng 0,90% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp quý II tăng 0,07% và giảm 1,29%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý II tăng 0,06% và giảm 1,59%. Chỉ số giá cước vận tải kho bãi quý II/2016 giảm 1,15% so với quý trước và giảm 2,35% so với cùng kỳ năm trước ; chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý II tăng 0,80% và tăng 2,12%.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý II/2016 tăng 0,90% so với quý trước và giảm 2,88% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý II tăng 0,26% và giảm 6,66%. Tỷ giá thương mại hàng hóa[7]quý II năm nay tăng 0,64% so với quý trước và tăng 4,06% so với cùng kỳ năm 2015.

11. Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình năm 2016 của cả nước ước tính 92,70 triệu người, tăng 987,8 nghìn người, tương đương tăng 1,08% so với năm 2015, bao gồm dân số thành thị 32,06 triệu người, chiếm 34,6%; dân số nông thôn 60,64 triệu người, chiếm 65,4%; dân số nam 45,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 46,95 triệu người, chiếm 50,6%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 01/7/2016 ước tính là 54,4 triệu người, tăng 654,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2015. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm trên ước tính 47,5 triệu người, tăng 263,6 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2015.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong 6 tháng đầu năm nay ước tính 53,3 triệu người, bao gồm 22,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 42,2% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 13,0 triệu người, chiếm 24,4%; khu vực dịch vụ 17,8 triệu người, chiếm 33,4%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu là 2,27%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,81%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15-24 tuổi) 6 tháng đầu năm là 6,83%, trong đó khu vực thành thị là 11,00%; khu vực nông thôn là 5,24%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,73%, trong đó khu vực thành thị là 0,72%; khu vực nông thôn là 2,28%.

12. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 201,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 832,6 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 10,1%. Thiếu đói xảy ra tập trung ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 14 nghìn tấn lương thực.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2016 là 4376 tỷ đồng, bao gồm: 2918 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1050 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 408 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.

13. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 16,3 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 39,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (12 trường hợp tử vong); 135 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 284 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (04 trường hợp tử vong); 24 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (03 trường hợp tử vong). Tính từ 17/12/2015 đến 17/6/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 53 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 2187 người bị ngộ độc, trong đó 04 trường hợp tử vong.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 17/06/2016 là 228,2 nghìn người, trong đó 85,8 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 87,6 nghìn người.

14. Tai nạn giao thông

Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 10227 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5039 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 5188 vụ va chạm giao thông, làm 4362 người chết; 2906 người bị thương và 6033 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông 6 tháng giảm 8,5% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 2,4%; số vụ va chạm giao thông giảm 13,8%); số người chết và số người bị thương cùng giảm 2,6% và số người bị thương nhẹ giảm 15,8%. Bình quân 01 ngày trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông, gồm 28 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 24 người chết, 16 người bị thương và 33 người bị thương nhẹ.

15. Thiệt hại do thiên tai 

Trong 6 tháng đầu năm 2016, rét đậm, rét hại kéo dài cùng với mưa giông và lốc xoáy làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai[8] làm 34 người chết và mất tích; 118 người bị thương; hơn 900 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 35,7 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 19,6 nghìn ha lúa, 13 nghìn ha hoa màu và 2 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 17 nghìn con gia súc, 12,7 nghìn gia cầm và hơn 730 tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng giá trị thiệt hại trong 6 tháng đầu năm ước tính 1,4 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mà đỉnh điểm diễn ra trong tháng Ba, tháng Tư và đầu tháng Năm đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân tại các địa phương. Đến cuối tháng 5/2016, có 385,8 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt; 249,9 nghìn ha lúa, 19 nghìn ha hoa màu, 30,5 nghìn ha cây ăn quả và 6,9 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 15,2 nghìn tỷ đồng. Để ứng phó với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp cấp bách như: Hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng với tổng kinh phí là 2,2 nghìn tỷ đồng.

16. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 7079 vụ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 2501 vụ với tổng số tiền phạt hơn 391 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, cả nước xảy ra 1826 vụ cháy, nổ làm 46 người chết và 191 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 860 tỷ đồng./.