Sáng 12/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình. 

tong-bi-thu-giu-lo-nong-de-giu-long-dan

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) sáng 12/10. Ảnh: Võ Hải

Giải đáp ý kiến của cử tri xung quanh việc chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng bí thư nói đây là vấn đề mà trước mỗi kỳ họp Quốc hội, người dân luôn đề cập với đại biểu. "Cơ quan chức năng làm được việc này xong, đã lại ra vụ khác. Có những vụ việc cần khẩn trương, quyết liệt, nhưng cũng có những vụ phải làm sao cho tâm khục khẩu phục", ông nói.

Theo Tổng bí thư, trong kỷ luật thì ban đầu người nào bị chế tài cũng "kêu oan, xử nặng", trong khi dân cho rằng "vẫn còn nhẹ". Nhưng rồi cuối cùng, người bị kỷ luật thường tâm phục khẩu phục, thậm chí có người "cảm ơn các đồng chí đã kỷ luật tôi".

Người đứng đầu Đảng nêu quan điểm, phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì ""phải nhìn về tương lai, xem hướng phát triển chứ không phải đánh một đòn chết luôn, không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được".

Trung ương làm nhân sự "không có vận động, chạy chọt"

Về việc kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng, Tổng bí thư nói: "Không vì tổ chức APEC ở địa phương này mà không xử lý, nhưng xử rồi phải ổn định để phát triển. Đặc biệt, phải chuẩn bị tốt để đón khách vì Tổng thống nhiều nước như Mỹ, Nga, Ấn Độ… đã hứa sang tham dự". 

Ông thừa nhận công cuộc tham nhũng còn nhiều khó khăn, gian nan, nhưng đấu tranh là để làm tình hình tốt lên chứ không phải xấu đi; làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ, thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có…

"Phải làm sao cái lò nóng lên, tất cả vào cuộc, hiện đã có tiến bộ, được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp vì mất lòng dân là mất tất cả. Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn", Tổng bí thư nhấn mạnh và cho rằng các tỉnh "phải đẩy mạnh hơn nữa việc này, nếu không sẽ mất uy tín".

Đề cập đến việc Hội nghị Trung ương vừa qua bầu bổ sung hai nhân sự vào Ban bí thư, ông khẳng định Trung ương đã thống nhất cao và "không có chuyện vận động, chạy chọt".

"Không chỉ củi mà sắt thép cũng tan chảy"

Vào đầu cuộc tiếp xúc, điểm lại những vụ việc nổi cộm gần đây liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm…, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc) cho rằng, "người đứng đầu Đảng đã châm lên ngọn lửa cho lò bốc cháy, người dân sẽ tham gia bỏ củi tươi, củi khô vào".

Theo ông, người dân không chỉ mong nhà nước kỷ luật hoặc xử lý hình sự những ai có sai phạm, mà còn phải thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, "hàng loạt vụ việc, vụ nào cũng nghìn tỷ, phải bắt những người liên quan trả lại, như vậy thì cuộc chiến chống tham nhũng mới thắng lợi trọn vẹn".

Ông Hoàn cũng nhận định, việc nhiều cán bộ, đảng viên kể cả cấp cao dính sai phạm cho thấy kỷ cương, phép nước chưa nghiêm, và còn nhiều biểu hiện khác như: Tiến hành giảm đầu mối tổ chức, giảm biên chế thì bộ máy ngày càng phình ra; chủ trương luân chuyển cán bộ để rèn luyện thì bị lợi dụng để đưa một số người không đủ tiêu chí; việc kê khai tài sản còn hình thức…

"Cấp trên bảo tìm người tài, không tìm người nhà, nhưng nhiều nơi vẫn đề bạt người thân vào cương vị lãnh đạo, quản lý nhà nước; yêu cầu đóng cửa rừng thì ở không ít địa phương vẫn xảy ra phá rừng…", ông Hoàn nêu ý kiến.

Cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Kim Mã) nói: "Chúng tôi mong muốn lò phải nóng rực hơn nữa, để không những củi tươi mà sắt thép vào cũng phải cháy".

Đề cập đến việc ông Phạm Thế Dũng – nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khi bị chỉ ra vi phạm thì nói rằng "tôi về hưu rồi, xử sao thì xử", cử tri Lê Thanh Huyến nhận xét như vậy là cán bộ chưa coi trọng danh dự và cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, "không để tư tưởng về hưu là thôi, hạ cánh an toàn".

Kỷ luật Bí thư Đà Nẵng là bài học đau xót

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, tình hình đất nước gần đây có khởi sắc, nhưng nhiều người dân đang lo lắng về một số vấn đề kinh tế – xã hội và đòi hỏi các cấp lãnh đạo hành động nhiều hơn nữa.

"Nhiều người hỏi tôi thấy như thế nào trước việc hàng loạt cán bộ cấp cao đương chức và về hưu bị kỷ luật? Tôi nói vừa đau lòng vừa mừng. Ví dụ như với ông Xuân Anh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, một cán bộ trẻ và được tin tưởng giao trọng trách như vậy mà bị kỷ luật, rõ ràng là bài học đau xót. Nhưng tôi mừng vì Đảng đã không khoan nhượng khi phát hiện ra vi phạm, khuyết điểm của cán bộ", Tướng Thước nói.

tong-bi-thu-giu-lo-nong-de-giu-long-dan-1

Cử tri Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Võ Hải

Tướng Thước nhấn mạnh, trước đây trong các vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, Vũ Huy Hoàng (Bộ Công Thương), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh)…, đều là xử lý các sai phạm trong quá khứ, còn gần đây cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ việc xảy ra ở hiện tại, trong nhiệm kỳ. "Điều đó khiến chúng tôi tin tưởng, vì hiểu rằng để có được kết quả như vậy là cuộc đấu tranh kiên quyết qua nhiều giai đoạn", tướng Thước nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Thước bày tỏ chưa hài lòng, vì "Trung ương thì đấu tranh mạnh nhưng địa phương nhiều nơi chưa chuyển động. Ví dụ vụ thanh tra biệt phủ của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái, rõ như ban ngày nhưng cơ quan chức năng làm chậm quá, mấy tháng rồi vẫn chưa xử lý được".

"Ngọn cờ chống tiêu cực đang giương lên, Trung ương đã vào cuộc và địa phương cần chuyển động theo", ông nhấn mạnh.

Theo cử tri Trương Đức Ngãi (phường Cống Vị), vừa qua vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban Kiểm tra trung ương đã thể hiện tốt, nhưng phải làm sao phát huy vai trò của Uỷ ban kiểm tra ở các cấp. "Nếu cơ sở cũng làm việc hiệu quả như Trung ương thì công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ hiệu quả hơn, được nhân dân tin tưởng hơn", ông Ngãi nói.

Theo VN Express