Ông kể, để đánh chiếm thành phố Huế, từ ngày 15/1/1968, sau khi báo cáo kế hoạch tác chiến với Bộ Tư lệnh Quân khu, ông được quyết định làm Chỉ huy trưởng cánh Bắc – cánh chủ lực của mặt trận Huế, đồng chí Trần Anh Liên làm Chính uỷ và hai đồng chí trong Ban chỉ huy Trung đoàn 6 là Phó Chỉ huy trưởng quân sự và chính trị.
Tiểu đội 11 cô gái sông Hương trong những ngày đánh Mỹ (Ảnh tư liệu chụp lại của TTXVN)
|
Chiều 30/1/1968, từ núi rừng thuộc địa phận Hương Trà (Thừa Thiên – Huế), các cánh quân bắt đầu xuất kích. Trong mỗi cánh quân lúc này, ngoài lực lượng bộ đội còn có các đội biệt động, đội công tác khởi nghĩa, cán bộ dân vận mặt trận với khoảng hơn 2.500 người, kéo dài trên hai cây số. Cuộc hành quân phải vượt qua đội núi, khe suối, làng mạc; nhất là vượt qua vành đai bảo vệ vòng ngoài của địch để tiếp cận mục tiêu bí mật, an toàn và đúng giờ tập kết theo quy định trước giờ ta nổ súng.
Đòn tấn công mở đầu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế có thể nói đã giành được thắng lợi ngay từ phút đầu, giờ đầu, ngày đầu. Ở nội thành thành phố Huế, nhận lệnh của cấp trên, tiểu đội 11 cô gái sông Hương được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu của địch phía bờ nam thành phố Huế. Để hoàn thành nhiệm vụ này, các chị đã nghiên cứu cả tháng trời, thông tỏ đường đi lối về dẫn đến các mục tiêu.
Đêm 30 Tết, tiểu đội 11 cô gái sông Hương chia làm 3 tổ dẫn ba cánh quân vào thành phố. Tiếng súng tấn công, nổi dậy của quân và dân thành phố Huế nổ vang trời. Mỹ ngụy không kịp trở tay. Sau đó, địch phản công với xe tăng, thiết giáp từ Phú Bài đổ lên, máy bay gầm rú trên bầu trời. Vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa tải thương, các cô gái trong tiểu đội 11 cô gái sông Hương trực tiếp cầm súng đánh giặc. Không chiến hào, các chị dàn trận khắp phường, lợi dụng nhà dân để đánh địch.
Chị Hoàng Thị Nở, một trong 11 cô gái sông Hương ngày ấy bồi hồi nhớ lại: Xuân năm ấy se lạnh, Huế rét ngọt, mưa phùn lất phất. Mấy chị em ăn Tết ngay trên công sự khét lẹt mùi khói thuốc, bánh Tết được các mẹ trong phố đem ra tiếp tế… Riêng trận đánh đêm ngày 11 sáng 12/2/1968, cả tiểu đội 11 cô gái sông Hương với các vũ khí được trang bị như AK, K44, một số mìn và lựu đạn đã dàn trận khắp các địa điểm tại khách sạn Hương Giang, Đại học Sư phạm, chợ Cống, Xuân Phú… để cầm cự và đánh lui cả một tiểu đoàn lính Mỹ, gồm có nhiều xe bọc thép và máy bay chiến đấu yểm trợ.
Trận này, tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã tiêu diệt 70 lính và 4 xe tăng, thu nhiều vũ khí của địch để trang bị lại, phục vụ cho chiến đấu. Nhiều chị đã anh dũng hy sinh ngay trong trận chiến đấu đó khi tuổi đời còn rất trẻ như tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên, tiểu đội phó Đỗ Thị Cúc… Chiến công của 11 cô gái sông Hương đã góp phần để quân và dân ta làm chủ thành phố Huế trong 26 ngày đêm, được Bác Hồ gửi thư khen:"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương".
Lối đánh nội công, ngoại kích gây cho địch nhiều bất ngờ nên chúng hết sức bị động, hoang mang, lúng túng, không thể đối phó, ứng cứu cho nhau được. Tất cả 36 cơ quan ngụy quyền ở thành phố Huế đều bị ta đánh chiếm. Ta đã thiết lập được chính quyền cách mạng trong các quận, phường ở thành phố Huế và các xã vùng ven đô cũng như ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh…
Ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Thành ủy viên thành phố Huế, Bí thư Quận nhất thành phố Huế (thời điểm năm 1968), sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế khẳng định: 50 năm đã trôi qua nhưng những bài học về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật phát hiện và chớp thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định, làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng để lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều… vẫn còn nguyên giá trị.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có vai trò to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như một chiến công chói lọi; là một biểu hiện tập trung của ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, biểu hiện sức sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc Tổng tiến công đã giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán…