Ông Tất Thành Cang (bìa phải) trao đổi với các đại biểu dự hội thảo – Ảnh: N.TRIỀU |
Hội thảo do Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang chủ trì với sự có mặt của đông đảo các vị nguyên là lãnh đạo TP.HCM, chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu.
“Gieo đúng hạt, trồng cây đúng chỗ”
Ông Trịnh Xuân Thiều – Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận – cho biết lực lượng cán bộ mà quận tiếp nhận từ các chương trình tạo nguồn có ưu thế là trẻ, năng động và có chuyên môn cao đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của bộ máy cơ sở, ở cả khối Đảng và khối chính quyền.
“Kinh nghiệm của quận Phú Nhuận là khi tiếp nhận cán bộ về thì bố trí ngay vào các cơ quan cấp quận để bồi dưỡng, qua một thời gian công tác sẽ đánh giá được năng lực rồi bố trí về các vị trí lãnh đạo cấp cơ sở” – ông Thiều nói.
Là cán bộ trẻ trưởng thành từ chương trình tạo nguồn, ông Nguyễn Huy Thắng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6, quận 6 – cho hay bảy năm công tác ở cấp phường với nhiều vị trí khác nhau thật sự là “đất dụng võ” cho những gì đã được đào tạo.
Ông Thắng cũng đề nghị cán bộ qua đào tạo nguồn cần được luân chuyển về phường xã để cọ xát thực tiễn trước khi tiếp tục đào tạo cho những mục tiêu cao hơn.
Theo ông Vũ Anh Khoa – tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế thuộc chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ và hiện là phó chủ tịch UBND quận 10, thời gian học ở nước ngoài giúp cán bộ trẻ mở rộng thế giới quan và tự tin hơn khi đảm nhận các công việc đòi hỏi phải giao tiếp và hội nhập quốc tế.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông Khoa cho rằng thay vì duy trì nhiều hình thức đào tạo (ngoài nước, bán du học, trong nước), cần mạnh dạn đưa tất cả cán bộ chương trình tạo nguồn đi đào tạo ở nước ngoài.
Ông Khoa ví việc đào tạo nguồn và bố trí cán bộ như việc trồng cây, nếu gieo đúng hạt, trồng đúng chỗ và chăm sóc tốt thì chắc chắn có được trái ngọt.
Nên học cách "săn đầu người"
Ông Nguyễn Văn Đua – nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – đề nghị TP.HCM cần có những đổi mới trong việc đào tạo nguồn cán bộ trẻ, từ khâu tuyển chọn đầu vào cho tới lúc bố trí công việc và quá trình phấn đấu sau đó.
Theo ông Đua, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình, có hàng chục người không theo trọn hoặc học xong không về phục vụ là một điều đáng tiếc.
“Chúng ta phải bồi dưỡng cho anh em một động cơ đúng đắn, phải thấy rằng đây không phải là một dạng học bổng mà đây là chương trình đào tạo chuyên môn để phục vụ mục tiêu phát triển TP.HCM, phát triển đất nước” – ông Đua đề nghị.
Theo ông Đua, TP.HCM cũng nên học cách săn đầu người của các tập đoàn đa quốc gia để làm sao chọn được người giỏi đưa đi đào tạo, bổ sung nguồn cán bộ.
“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi là ta có phát hiện và thu hút được những người giỏi nhất, những sinh viên giỏi nhất để đào tạo hay chưa? Các tập đoàn đa quốc gia tới từng trường tìm các em giỏi để cấp học bổng đưa đi học rồi làm việc cho họ. Để có cán bộ giỏi, chúng ta cũng cần phải chủ động tìm kiếm như thế”.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM – cho rằng cán bộ lãnh đạo không nhất thiết phải có chuyên môn quá sâu, quan trọng là có tài quản lý để sử dụng chuyên môn, chất xám của cấp dưới.
Ông Giao đề nghị chỉ nên tập trung đào tạo cán bộ ở những ngành mà các trường đại học không đào tạo hoặc đào tạo không đủ nhưng cần cho sự phát triển của thành phố như quy hoạch đô thị, quản lý môi trường, hành chính công…
Hạn chế đào tạo thạc sĩ, chỉ đào tạo tiến sĩ
Đồng tình với ý kiến trên, bà Phạm Phương Thảo – nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM – cho rằng nên hạn chế đưa cán bộ đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến tới chỉ đầu tư đào tạo tiến sĩ.
“Việc đào tạo thạc sĩ để xã hội làm, vì hiện nay người dân đã chủ động đầu tư cho con em học thạc sĩ, thậm chí học ở nước ngoài rất nhiều. Chúng ta nên có chính sách thu hút nguồn lực này!” – bà Thảo giải thích.
Bà Thảo cho hay việc một số ứng viên được đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài nhưng không về phục vụ hoặc bỏ ra làm cho các công ty bên ngoài có nguyên nhân là môi trường làm việc không phù hợp, không phát huy được sở học.
Theo bà Thảo, việc bố trí công việc sau đào tạo cũng không nên cứng nhắc, thậm chí cần thiết “phải thả ra ngoài làm việc vài năm để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn rồi mới đưa trở lại bộ máy phục vụ nhà nước, khi đó hiệu quả sẽ tốt hơn”.
Ông Lê Thanh Hải – nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM – đồng tình với ý kiến này và cho rằng với những cán bộ chuyên môn về khoa học và công nghệ sau khi đào tạo cần thiết phải làm việc 5-10 năm ở nước ngoài để phát huy khả năng nghiên cứu trước khi đưa về cống hiến cho TP.HCM, cho đất nước.
Ông Tất Thành Cang khẳng định Thành ủy TP.HCM luôn xác định việc đào tạo nguồn là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, do đó việc tuyển chọn, đào tạo, bố trí cán bộ đòi hỏi phải được chăm chút hơn cho phù hợp yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển của TP.HCM, không chỉ trước mắt mà còn cho nhiều năm tới.
Ông Cang giao Ban tổ chức Thành ủy tiếp thu các ý kiến tại hội thảo và nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo quy chế chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và quy chế chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong thời gian tới để Ban thường vụ Thành ủy sớm ban hành và triển khai thực hiện.
1.500 Đó là số cán bộ trẻ TP.HCM đã xét tuyển và bố trí công tác trong hơn 10 năm qua, trong đó đến nay còn 1.087 cán bộ đang ở độ tuổi dưới 35 sẵn sàng bổ sung cho các vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn. |
Lương 3-4 triệu đồng/tháng! Theo ông Vũ Anh Khoa, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ nguồn như lâu nay quá thấp, thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài về được xếp lương với hệ số 2,67 và không có gì khác. Ông Khoa đề nghị cán bộ chương trình tạo nguồn cũng cần được hưởng chính sách như chương trình thu hút nhân tài. Bà Phạm Phương Thảo cũng cho rằng chế độ trả lương cho cán bộ chưa tương xứng, với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng thì chuyện ứng viên “rẽ ngang” là điều dễ hiểu. |
Nguồn: tuoitre.vn